Xây dựng văn hóa trong Đảng thành tấm gương đạo đức cho xã hội

Quang Phong

(Dân trí) - Xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 24/11, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa báo cáo tóm tắt về việc "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Xây dựng văn hóa trong Đảng thành tấm gương đạo đức cho xã hội - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc (Ảnh: Quốc Chính).

Văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng

Theo báo cáo, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa  tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đảng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn  hóa, con người Việt Nam.

Một số chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người thời đại mới đã được đưa vào các văn bản pháp luật; vào quy ước, hương ước làng, xã;  vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Các tầng lớp xã hội quan tâm hơn đến giáo dục con người toàn diện ngay từ tuổi ấu thơ, ở từng cấp học; kết hợp dạy chữ, dạy người, dạy kỹ năng, giáo dục nghệ thuật, năng lực cảm thụ thẩm mỹ với rèn luyện thể chất, góp phần nâng cao trí tuệ, cải thiện tầm vóc con người Việt Nam.

Xây dựng văn hóa trong Đảng thành tấm gương đạo đức cho xã hội - 2

Hội nghị Văn hóa toàn quốc khai mạc trong sáng nay (Ảnh: Quốc Chính).

Việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tập huấn nâng cao  chất lượng nhân lực cho hoạt động văn hóa đã được quan tâm. Chính phủ ban hành một số văn bản tạo cơ sở pháp lý phân cấp, phân quyền để đầu tư nguồn lực cho văn hóa. Nguồn vốn của Nhà nước được sử dụng có hiệu quả, tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy  mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số văn  bản nhằm cụ thể hóa, hiện thực hóa quan điểm, chủ trương xây dựng văn hóa trong  chính trị, tăng cường kỷ luật của Đảng. Chính phủ chủ động xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân.

Báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con  người qua 35 năm đổi mới. Cụ thể, mặc dù đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, nhưng qua 35 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu  kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

Quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội. Những năm qua (khi chưa có đại dịch covid 19 bùng phát tại Việt Nam), kinh tế liên  tục tăng trưởng cao, đời sống vật chất nâng lên nhưng đời sống văn hóa tinh thần chưa phát triển tương xứng, một số mặt yếu kém, tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí gia tăng.

Xây dựng văn hóa trong Đảng thành tấm gương đạo đức cho xã hội - 3

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Quốc Chính).

Việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng  về văn hóa có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc thể chế hóa đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây  dựng, phát triển văn hóa, con người chưa theo kịp yêu cầu. Môi trường văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội có lúc, có nơi chưa  lành mạnh, có mặt xuống cấp. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế tuy đã được các cấp  ủy, chính quyền, đoàn thể triển khai, nhưng kết quả còn chưa tương xứng. Nhận thức, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế  chưa được cấp ủy, chính quyền nhiều nơi quan tâm đúng mức.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, trực tiếp, cần thấy rõ để khắc phục. Nhiều cấp ủy, chính quyền,  đoàn thể, tổ chức xã hội và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc  vai trò, vị trí của văn hóa, con người đối với phát triển bền vững đất nước nên trong  lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, quan điểm, nghị  quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa chưa quyết liệt, chưa đề xuất được giải  pháp đúng đắn, đồng bộ để xây dựng văn hóa, con người… 

Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng

Báo cáo nêu rõ định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới. Cụ thể, sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò của văn hóa và con người trong phát triển bền vững đất nước, xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

Xây dựng văn hóa trong Đảng thành tấm gương đạo đức cho xã hội - 4

Các đại biểu tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc tham quan triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" (Ảnh: Mạnh Quân).

Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó, từng bước khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà  nước và các đoàn thể; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức,  viên chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam  thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế...