1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xây dựng tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em

(Dân trí) - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất thành lập tổng đài điện thoại hoạt động suốt 24/24h trong suốt 7 ngày trong tuần để tư vấn, tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức cuộc họp thẩm định tờ trình dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em năm 2016 do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 hoạt động từ tháng 5/2004 với sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: cung cấp thông tin trực tiếp trên điện thoại; kết nối các dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ và cần bảo vệ khẩn cấp; thu thập, hệ thống hóa thông tin và thực hiện các báo cáo định kỳ, báo cáo theo các chuyên đề; cung cấp dịch vụ trực tiếp: dịch vụ tham vấn, trị liệu tâm lý qua điện thoại và trực tiếp tại tổng đài.

Từ thực tiễn hoạt động của Đường dây trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng cần phát huy hơn nữa vai trò của Đường dây trong việc kết nối, chuyển tuyến, điều phối dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em liên ngành, tham gia vào các hoạt động hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại.

Do đó, Bộ này đề nghị nâng cấp Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em đang hoạt động được 13 năm thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và giao cho Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ quản lý.

Theo dự thảo nghị định, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em là dịch vụ công do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý; tiếp nhận, khai thác thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em qua điện thoại, đơn, thư, phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Tổng đài sẽ liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền để xác minh thông tin, thông báo, tố giác hoặc chuyển, cung cấp thông tin, thông báo, tố giác hoặc giới thiệu trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em.

Tổng đài được sử dụng số điện thoại ngắn gồm 3 số, hoạt động 24/24 suốt 7 ngày trong tuần và không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi điện tới tổng đài.

Dự thảo nghị định nhấn mạnh, các cơ quan có trách nhiệm trao đổi, phối hợp với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp, cơ quan công an các cấp, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, UBND cấp xã, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin, thông báo, tố giác để bảo đảm trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại được hỗ trợ, can thiệp kịp thời vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Bảo vệ trẻ em qua môi trường mạng

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đang là vấn đề cấp bách hiện nay, vì bên cạnh cơ hội được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú trên mạng thì mặt trái của nó là khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng có nguy cơ chịu nhiều rủi ro và bị xâm hại nhiều hơn như: bị tiết lộ thông tin thuộc bí mật cá nhân và bị sử dụng thông tin cá nhân vào các mục đích xấu, dễ bị lôi kéo, kích động để vi phạm pháp luật, bị xâm hại tình dục, bóc lột và lừa đảo qua các trò chơi trên mạng…

Do đó, tại dự thảo nghị định, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng toàn diện, phù hợp với các yếu tố tâm sinh lý, nhận thức và nhu cầu, hoàn cảnh của trẻ em, tạo điều kiện cho mọi trẻ em phải được hưởng lợi ích từ sử dụng internet.

Trẻ em là nạn nhân của các hình thức xâm hại trong môi trường mạng phải được phát hiện, hỗ trợ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và trong nước.

Cơ quan phòng, chống tội phạm công nghệ cao xây dựng hệ thống tiếp nhận thông báo trực tuyến về các vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, gồm: lăng nhục, lừa đảo, lấy trộm thông tin, xâm hại tình dục, khiêu dâm trẻ em, mua bán trẻ em; kết nối và xử lý thông tin theo quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại; xây dựng cơ sở dữ liệu và cơ chế chia sẻ thông tin về nạn nhân và tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Thế Kha