1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ ống

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng đề án "Điều tra, đánh giá xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam".

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang phối hợp với một số tổ chức khoa học, nhà khoa học chuyên ngành xây dựng đề án "Điều tra, đánh giá xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam" trên phạm vi toàn quốc.

Tại cuộc họp về đề án vừa diễn ra, ông Trần Bình Trọng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường đã, đang thực hiện một số nhiệm vụ, dự án liên quan, đóng góp không nhỏ vào việc phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét gây ra.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong quá trình điều tra, quan trắc, cảnh báo như chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, phần mềm online hỗ trợ khai thác kết quả cảnh báo, dự báo theo diễn biến khí tượng thủy văn để chính quyền thôn, xã và người dân cập nhật các hiện tượng mưa lớn, trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét…

Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ ống - 1

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp (Ảnh: K.T).

Chính vì thế, việc thực hiện đề án có ý nghĩa quan trọng và giúp hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin hiện đại, thống nhất liên ngành phục vụ công tác cảnh báo sớm các khu vực nhạy cảm, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

TS.Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, bên cạnh công tác chủ đạo là điều tra hiện trạng, thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo, đánh giá khu vực nhạy cảm, nguy hiểm, lựa chọn được các khu vực có thể sơ tán trong tình huống khẩn cấp,… thì phải cần nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá và phối hợp với các địa phương trong việc chuyển giao tài liệu, thông tin, hướng dẫn sử dụng thông tin phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai nói chung và trượt lở nói riêng.

Theo ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, cơ quan này đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và các đơn vị liên quan xây dựng, phát báo các bản tin cảnh báo về trượt lở, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét. Các kết quả điều tra, quan trắc, nghiên cứu đã được sử dụng trong quá trình xây dựng các bản tin cảnh báo, được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ ống - 2

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở xã Trà Leng (Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) tháng 10/2020.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, xây dựng và thực hiện Đề án "Điều tra, đánh giá xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam" là nhiệm vụ cấp bách; các đơn vị liên quan phải liên kết mạnh mẽ, thống nhất về mặt khoa học, nỗ lực cao nhất để hoàn thành, đảm bảo "hoàn thành đến đâu công bố đến đó".

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị xây dựng đề án tập trung khoanh vùng các khu vực nguy cơ cao nhất về vấn đề lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Hoạch định được các kết quả đã làm được liên quan đến vấn đề này ở các địa phương, ưu tiên làm trước ở những khu vực trọng yếu, khó khăn.

"Cần thống nhất bản đồ phân vùng, xây dựng tiêu chí, khoanh vùng nhạy cảm, bổ sung thêm những khu vực chưa có số liệu thống nhất… để đưa ra sản phẩm có thể ứng dụng chuyển giao cho địa phương; đảm bảo có sự giám sát của chính quyền địa phương; có thể thực hiện một số mô hình thí điểm tại một số khu vực trọng yếu"-ông Hà yêu cầu.