TPHCM
Xây dựng đường trên cao Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Dự án đường trên cao kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang được khảo sát thiết kế và một đơn vị nước ngoài đề nghị xây dựng công trình này với 247 triệu USD theo phương thức BOT. Câu hỏi được nhiều người quan tâm là: vì sao lại xây đường trên cao trong khi dòng kênh này đang được đầu tư gần 200 triệu USD để thoát nước và làm đẹp giữa lòng thành phố?
Ông Trần Quang Phượng - phó giám đốc Sở Giao thông công chính TPHCM - giải thích:
Việc xây dựng đường trên cao (còn gọi là cầu cạn) kênh NL-TN cũng được xem là một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề đảm bảo mật độ diện tích mặt đường hợp lý trong các TP lớn.
Nó có lợi thế hơn hẳn so với xây dựng đường bình thường gặp phải khó khăn về giải tỏa. Xây dựng đường trên cao có thể kiểm soát được cảnh quan môi trường và an toàn giao thông thông qua các biện pháp kỹ thuật công trình và thiết kế mỹ thuật. Ngày nay đường trên cao đã trở thành một tiêu chí quan trọng cho các đô thị phát triển, góp phần làm tăng thêm cảnh quan cho một thành phố.
Đường trên cao NL - TN dự kiến bắt đầu từ đường Cộng Hòa (gần vòng xoay Lăng Cha Cả) đi theo đường Bùi Thị Xuân ra kênh NL -TN, sau bám theo kênh NL-TN đến đường Nguyễn Hữu Cảnh với tổng chiều dài khoảng 8,5 km. Do kênh NL-TN có nhiều đoạn cong, dưới đáy kênh lại có tuyến cống bao thu gom nước thải, trong khi các nhịp cầu đường trên cao không thể làm quá cong, quá xiên nên tùy theo đoạn mà bố trí cầu cạn trên bờ kênh hoặc đi giữa lòng kênh. Nói chung, xây dựng đường trên kênh sẽ hạn chế việc giải tỏa để đảm bảo hành lang an toàn công trình. Dọc theo công trình có bố trí đủ hệ thống chiếu sáng và trang trí cây xanh...
Tại sao không chọn hướng tuyến theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa sẽ được nâng cấp mở rộng?
Nếu chọn hướng tuyến cầu cạn theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa sẽ không thuận lợi, không đáp ứng được các yêu cầu như đã nêu trên vì đường này chỉ được mở rộng theo lộ giới 30m, nhưng yêu cầu mỹ quan trên tuyến này lại rất cao - vì là tuyến cửa ngõ từ sân bay Tân Sơn Nhất dẫn vào trung tâm TP, trung tâm hành chính và thương mại.
Nếu xây dựng đường trên cao Nam Kỳ Khởi Nghĩa sẽ phá vỡ cảnh quan hai bên đường, che khuất các kiến trúc văn hóa, tôn giáo, sinh hoạt thương mại và khu vui chơi giải trí trên tuyến. Mặt khác, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã được bố trí dày đặc các công trình ngầm, đặc biệt là các tuyến cống thoát nước cấp 2 nằm ở giữa đường với tiết diện hình hộp lớn nhằm giải quyết thoát nước cho lưu vực NL-TN, càng khó khăn trong việc bố trí trụ cầu.
TP đang có nhiều dự án xây dựng đường vành đai 2, 3, 4 nối kết các khu vực... Liệu dự án đường trên cao NL-TN sẽ không hiệu quả?
Để tổ chức giao thông cho một đô thị khoảng 10 triệu người vào năm 2020, TPHCM sẽ có bốn tuyến đường vành đai khép kín. Trong đó đường vành đai 3 và 4 ngoài kết nối các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp; kết nối các khu công nghiệp với cảng biển... sẽ giúp phân luồng từ xa giải tỏa áp lực giao thông.
Trong khi đó, đường trên cao NL-TN với chức năng là đường cao tốc đô thị, là một bộ phận đường trục xuyên tâm bắc - nam sẽ phát huy vai trò kết nối tốt nhất khu vực phía tây bắc với trung tâm TP và khu đô thị Thủ Thiêm, kết nối trục bắc nam, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm và khu đô thị mới Thủ Thiêm... đảm bảo kết nối được với hệ thống các trục đường chính hiện hữu và các trục đường chính đã được qui hoạch như quốc lộ 22, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, các đường vành đai 1, 2, các đường Cộng Hòa, Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Văn Sĩ - Nguyễn Hữu Cảnh.
Thưa ông, tại sao không giải quyết trước dự án mở rộng đường Cách Mạng Tháng Tám đang bị ách tắc giao thông, vì đây cũng là tuyến trục bắc nam quan trọng và sau này có tuyến metro?
Trong điều kiện thực tế hiện nay, do chênh lệch cung cầu đất đai tăng nhanh và sự phức tạp về quyền sử dụng đất dẫn đến phát triển hạ tầng giao thông đòi hỏi vốn rất lớn và kéo dài. Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư ngày càng khó khăn, tốn kém. Việc đầu tư mở rộng đường Cách Mạng Tháng Tám nhằm giải quyết bài toán ách tắc giao thông cũng không nằm ngoại lệ.
Tuyến đường ven kênh và đường trên cao NL-TN sẽ giải tỏa áp lực cho trục đường Cách Mạng Tháng Tám thông qua việc thu hút luồng xe bắc nam từ cửa ngõ phía tây bắc lưu thông đường trên cao đáp xuống đường Trương Định - Bà Huyện Thanh Quan, qua cầu Ông Lãnh, cầu Kênh Tẻ - cầu Bà Chiêm. Ở các giai đoạn sau, việc mở rộng đường Cách Mạng Tháng Tám sẽ được tiếp tục xem xét. Tuy nhiên, khi xây dựng được tuyến metro trên đường Cách Mạng Tháng Tám, yêu cầu bức xúc mở rộng đường này sẽ giảm bớt.
Theo Ngọc Ẩn
Tuổi trẻ