1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngày đô thị Việt Nam 8/11:

Xây dựng đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Hệ thống đô thị Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức mới do tác động của bão, mưa lụt, lũ quét, sạt lở, hạn hán, nước biển dâng... Chính vì vậy, chủ đề “xây dựng đô thị xanh” năm nay được xác định cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sáng ngày 8/11, tại Hà Nội đã diễn ra lễ chào mừng ngày đô thị Việt Nam 8/11 và phát động chủ đề năm nay là “Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh”.

Theo báo cáo buổi lễ, tính đến tháng 9/2013, mạng lưới đô thị Việt Nam đã được phát triển với gần 770 đô thị, với tỷ lệ đô thị hoá đạt hơn 33%. Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.
 
Chủ đề “xây dựng đô thị xanh” được xác định cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu

Chủ đề “xây dựng đô thị xanh” được xác định cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đô thị Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều quy hoạch còn thiếu và chất lượng quy hoạch còn thấp; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị triển khai chậm, thiếu đồng bộ, môi trường đô thị vẫn còn nhiều tồn tại; phát triển nhà ở còn nặng về nhà ở thương mại; hiệu quả đầu tư xây dựng thấp…

Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức mới do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Đây là những hạn chế, thách thức lớn, đòi hỏi được cần được giải quyết một cách đồng bộ để đô thị Việt Nam phát triển bền vững.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã khẳng định: Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả bền vững và góp phần thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu.

Theo đó, xây dựng đô thị Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Quy hoạch, quản lý quy hoạch theo hương tiếp cận đô thị bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế-sinh thái; công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải đồng bộ, tiết kiệm năng lượng, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường và thích ứng BĐKH; phát triển các loại hình đô thị xanh, đô thị sinh thái, công trình xanh cùng với nâng cao diện tích không gian cây xanh, mặt nước… Bên cạnh đó, để phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh thì cần phải có giải pháp tổng thể, phù hợp để thích ứng BĐKH.

Bộ Xây dựng cũng đang tổ chức xây dựng “Chiến lược phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050” và thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến tiết kiệm năng lượng và tài nguyên của ngành; hoàn thiện tiêu chí đánh giá công trình xanh, các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các hướng dẫn kỹ thuật về công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó BĐKH làm tiền đề triển khai các chương trình, dự án phục vụ định hướng phát triển đô thị xanh, ứng phó BĐKH tại Việt Nam.

Lan Hương