“Xây dựng cơ chế giám sát để cán bộ không dám tham nhũng”

(Dân trí) - Phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 2/11, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị ban hành bộ tiêu chí đánh giá theo từng hành vi công vụ để có thể loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng ra khỏi bộ máy. Đồng thời xây dựng cơ chế giám sát bên trong, bên ngoài để cán bộ công chức không thể, không dám và không muốn tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh: Quochoi.vn)

Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, 2016 là năm đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, với sự tiếp cận, vào cuộc nhanh của Chính phủ khóa mới cùng với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã đưa ra nhiều phản ứng kịp thời, giải quyết nhanh gọn nhiều vấn đề bức xúc đặt ra.

Ông Vân đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và cần có cơ chế đối thoại của người được đứng đầu các cơ quan nhà nước với người dân, “để lắng nghe lòng dân, kịp thời sửa sang chính sách và điều chỉnh phương pháp quản lý, điều hành”.

“Với những chức danh do bầu cử thì phải có chương trình, hành động cụ thể. Với những chức danh do bổ nhiệm thì phải thi tuyển nghiêm ngặt. Phải ban hành bộ tiêu chí đánh giá theo từng hành vi công vụ để trên cơ sở đó loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng ra khỏi bộ máy. Đồng thời cải cách tiền lương gắn với khoán chi hành chính, xây dựng cơ chế giám sát bên trong bên ngoài để cán bộ công chức không thể, không dám và không muốn tham nhũng” - ông Vân thẳng thắn.

Dẫn lại báo cáo Chính phủ nêu năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính còn chưa nghiêm, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng: “Tôi thấy hầu như năm nào trong báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội đều có hạn chế này. Vì sao tình trạng này lại tồn tại dai dẳng như vậy?. Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra, kiểm tra để xác định bản chất vấn đề và xử lý nghiêm sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục. Đại biểu Quốc hội và người dân cần có câu trả lời của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ là có chấn chỉnh được thực trạng này hay không và khi nào sẽ khắc phục được yếu kém này”.

Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng nêu một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, quản lý tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Trong tình hình ngân sách khó khăn, đại biểu Học đánh giá, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn thì khuyết điểm này làm cho người dân bức xúc và bất bình.

“Chúng ta có Luật đầu tư công, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng vì sao còn tồn tại thực trạng này? Trách nhiệm của những người có trách nhiệm ra sao? Đề nghị Chính phủ công khai địa chỉ vi phạm, không nêu chung chung và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân” - ông Học nói.

Mua nhầm phân bón giả gây thiệt hại to lớn

Từ thực tế ở địa phương, đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) cho biết, các dự án, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp đem lại hiệu quả không cao, còn rừng thì mất, đất bị lấn chiếm, mua bán trái pháp luật gây ra nhiều hệ lụy.

Trong khi đó, dân di cư tự do đến Tây Nguyên ngày càng nhiều, áp lực lớn trong xóa đói, giảm nghèo, học tập, chữa bệnh, đi lại... làm ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý địa bàn, dân cư...

Đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại hội trường ngày 2/11 (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại hội trường ngày 2/11 (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) đánh giá, 2016 là một năm không thuận lợi đối với ngành nông nghiệp. Tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp phục hồi chậm cho thấy những bất cập của nền nông nghiệp sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, hiệu quả thấp, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên nhiên.

“Chi phí đầu vào cho sản xuất quá lớn như vấn đề năng suất sử dụng đất đai, giống cây trồng, năng suất lao động nông thôn thấp, dựa quá nhiều vào sức lao động thủ công, mức độ sử dụng máy móc khoa học, công nghệ vào sản xuất còn ít. Sử dụng quá nhiều phân bón hóa chất gây lãng phí, tăng ô nhiễm môi trường, chưa kể đến việc người nông dân mua nhầm phân bón giả gây thiệt hại to lớn trong sản xuất, ước thiệt hại 50.000 tỷ đồng/năm”- bà Hạnh nói.

Theo đại biểu Hạnh, do dùng phân bón giả mà hiện nay trên thị trường có hơn 7.000 loại phân bón khác nhau và hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón. Hàng hóa Việt Nam được bán dưới dạng nguyên liệu thô, chủ yếu chưa qua chế biến, giá thấp, sức cạnh tranh hạn chế so với các nước và thua kém về chất lượng. Các mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt ở nhiều nước quốc gia trên thế giới nhưng chưa được biết đến vì chưa được khẳng định vị trí, chưa có thương hiệu.

“Các hội nông dân còn sản xuất theo truyền thống tự phát, chưa được tư vấn, hướng dẫn cụ thể về chính sách và quy trình sản xuất hiện đại như định hướng và các phương pháp tái cấu trúc, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong khi hơn 60% lao động ở nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản chiếm hơn 44%. Từ đó ảnh hưởng và tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nếu người nông dân thiếu kiến thức phương pháp sản xuất theo hướng hiện đại”- bà Hạnh lo lắng.

“Chính phủ phải chủ động khởi xướng chính sách để mở đường cho sự giải phóng mọi nguồn lực cho xã hội, tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ phải rà soát lại các quan hệ xã hội, quan hệ kinh tế, quan hệ pháp luật căn bản để có phương pháp tác động thích hợp. Lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh để tập trung đầu tư có sức lan tỏa rộng, có sức kích hoạt sâu, dẫn đường cho các quan hệ kinh tế - xã hội phát triển. Tôi thấy hiện nay có ba lĩnh vực lợi thế của chúng ta đó là địa lý, truyền thống và sáng tạo, là nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và khoa học, công nghệ cao, thế hệ mới. Đấy là những vấn đề nên tập trung đầu tư cho chiến lược lâu dài. Để chấn hưng giáo dục, trọng dụng nhân tài Chính phủ nên kế thừa và phát triển kế sách trị quốc của cha ông ta. Đó là lập quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp. Tức là xây dựng đất nước thì coi giáo dục làm đầu, mà tìm lẽ trị bình coi nhân tài làm trọng. Đây cũng là chính sách phát triển của nhiều nước trên thế giới”- đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói tại phiên thảo luận.

Thế Kha