1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Xây dựng cơ chế đặc biệt cho vùng bão lũ miền Trung

Sáng 28/10, tại cuộc họp giữa Chính phủ với ba tỉnh, thành miền Trung bị ảnh hưởng nặng nhất trong cơn bão Xangsane vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Các bộ, ngành xem xét xây dựng cơ chế đặc biệt cho khu vực bão lũ miền Trung để kích thích nhà đầu tư, không để họ ngại khi quyết định đầu tư vào đây”.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho biết: khó khăn nhất của Đà Nẵng sau bão là việc sửa chữa nhà cửa cho dân và khôi phục sản xuất, nhất là các doanh nghiệp (DN).

 

Làm sao cho các DN phấn chấn trở lại sản xuất là một việc làm rất khó nếu không có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.

 

Các địa phương đã đồng tình kiến nghị với Chính phủ xem xét tìm hướng giải quyết cho các DN bị thiệt hại như khoanh nợ, giãn nợ và các ngân hàng tiếp tục cho vay vốn. “Chúng tôi đề nghị nên có cơ chế đặc thù cho vùng bão lũ miền Trung. Nếu không sẽ không có nhà đầu tư vào đây.

 

Ba tỉnh thành miền Trung bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão Xangsane vừa qua là Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế.

Qua trận bão này, Chính phủ cũng nên trang bị thêm phương tiện cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng vũ trang. Về lâu dài, Chính phủ nên xem xét hỗ trợ tiền để các địa phương tiến hành việc định cư cho các hộ dân sống dọc biển, đầm phá” - ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế, kiến nghị.

 

Ông Lê Đức Thúy - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - đề xuất với Chính phủ: đối với các DN bị thiệt hại từ 70% trở lên, có nợ ngân hàng thì đề nghị xóa nợ; từ 70% trở xuống thì ngân hàng sẽ tính toán lại tìm hướng xử lý.

 

Về việc cho vay mới, trước mắt ngân hàng sẽ xem xét cho các đối tượng trước bão có vay nhưng chưa lần nào thế chấp. Chính phủ dự kiến sắp tới sẽ hạ giá xăng dầu, nhưng ông Thúy kiến nghị vẫn giữ nguyên giá hiện nay; số tiền chênh lệch này sẽ trích ra để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão.

 

Qui hoạch công trình chịu được gió cấp 12

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: Qua cơn bão này cho thấy việc qui hoạch có tính chiến lược vô cùng quan trọng. Qui hoạch như thế nào để người dân, các khu công nghiệp, khu du lịch vẫn sống, vẫn phát triển cùng với bão.

 

Các hồ, đập, công trình phải chịu được sức gió cấp 12. Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả bão, huy động mọi nguồn lực có thể. Tuy nguồn ngân sách có hạn nhưng quyết không để một hộ dân nào đói vì bão, lũ.

 

Chính phủ không hạn chế về số lượng, các địa phương khẩn trương rà soát lại số hộ có khả năng thiếu lương thực trong mùa mưa bão này để Chính phủ kịp hỗ trợ. Trước mắt Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm 100 tỉ đồng cho các tỉnh, thành miền Trung khắc phục hậu quả bão (trong đó 80 tỉ đồng sẽ dành cho ba địa phương nói trên).

 

Đối với việc khôi phục cho các DN sản xuất, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét lại nguồn vốn vay để có hướng cho các DN được tiếp tục vay tái sản xuất.

 

Việc phân chia hàng, tiền cứu trợ cũng đã được Thủ tướng nhắc nhở phải công khai, minh bạch. Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong lúc này là các địa phương miền Trung phải khẩn trương chuẩn bị tư thế để đối phó với một cơn bão mới đang hình thành trên biển Đông - cơn bão Cimaron, tập trung kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh bão an toàn.

 

Theo Đặng Nam

Tuổi Trẻ