Xây biệt thự trên quỹ đất được bố trí tái định cư
(Dân trí) - Hàng loạt biệt thự được xây dựng trên đất nông nghiệp mà đất này lại nằm trong quỹ đất được thành phố bố trí tái định cư chính là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án đường vành đai 3.
Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm quỹ đất huyện Từ Liêm thì năm 2004, tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, đã diễn ra việc mua bán, chuyển nhượng trái phép hơn 10.000m2 đất nông nghiệp giữa Công ty TNHH Du lịch Sinh thái Yến Long (Từ Liêm - Hà Nội) và 12 hộ dân tại đây.
Đây là đất do UBND xã Mỹ Đình được giao quản lý, các hộ gia đình đang sử dụng để canh tác nông nghiệp. Nhưng từ khoảng năm 2004, 2005, Công ty Yến Long đã tự liên hệ mua bán hơn 10.000m2 với 12 hộ dân sau đó tổ chức xây dựng nhà ở, biệt thự, sân tennis… để kinh doanh.
Mặc dù chính quyền xã Mỹ Đình và Thanh tra xây dựng đã không ít lần lập biên bản, yêu cầu phía Yến Long ngừng thi công biệt thự trên đất nông nghiệp nhưng công ty không chấp hành.
Điều đáng nói hơn là toàn bộ diện tích nông nghiệp mà Công ty Yến Long đang sử dụng nằm trong khu vực UBND thành phố đã có quyết định thu hồi từ 5/12/2008 để xây dựng khu tái định cư cho dự án đường Vành đai 3 và đường 32 - dự án trọng điểm của thành phố.
Trao đổi với báo Dân trí, Bà Nguyễn Thị Liên, Phó trưởng ban bồi thường GPMB huyện Từ Liêm cho biết: Việc mua bán đất nông nghiệp giữa Yến Long và 12 hộ dân là hoàn toàn trái pháp luật, UBND huyện Từ Liêm đã nhiều lần mời đại diện công ty lên làm việc nhưng họ không lên.
“Cho đến thời điểm này, trong số 22.794m2 diện tích đất tại xã Mỹ Đình nằm trong diện bị thu hồi thì chỉ còn “mắc” mỗi Công ty Yến Long với diện tích trên 10.000m2” - bà Liên than thở.
Ngay sau khi làm việc với chính quyền địa phương, Dân trí đã đến tận trụ sở của Công ty Yến Long với mong muốn làm rõ hơn vấn đề. Tuy nhiên, đại diện công ty là bà Yến đã không tiếp PV với lý do bận và hẹn “sẽ gọi lại sau” nhưng không nói rõ là thời gian nào!.
Nhà nước đền bù - có bị thiệt?
Được biết, cách đây 4,5 năm, khi Công ty Yến Long thoả thuận mua bán chuyển nhượng trái phép với người dân thì công ty đã trả cho người dân khoảng 300 - 400.000 đồng/m2.
Lúc đó, đã có nhiều người nghĩ rằng, bán như vậy là lời vì tại thời điểm đó, giá đền bù của nhà nước đối với đất khu vực này khoảng 165.000 đồng/m2. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, nếu 12 hộ dân đựơc đền bù thì chưa hẳn điều đó đã đúng!
Bà Liên cho biết, theo quy định, giá đất được bồi thường tại thời điểm này là 201.600 đồng/m2. Ngoài ra, các hộ dân còn được hỗ trợ ổn định đời sống với giá trị là 35.000 đồng/m2, chuyển đổi nghề và đào tạo việc làm là 30.000 đồng/m2, đó là chưa kể tiền bồi thường hoa màu trên diện tích đất nông nghiệp mà họ bị thu hồi…
Thậm chí, đối với những hộ dân bị thu hồi quá 30% tổng diện tích đất của mình (mà đây là thửa đất cuối cùng của gia đình) thì theo quy định, họ còn được hưởng thêm suất đất dịch vụ 60m2 hoặc 685 triệu đồng.
Như vậy thì rõ ràng, việc tự ý mua bán chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp của 12 hộ dân cho Công ty Yến Long không chỉ là hành vi trái pháp luật mà nó còn khiến người dân có thể bị thiệt hại về mặt kinh tế mà đáng lẽ họ được phép hưởng.
Chỉ còn hơn một năm nữa là đến Đại lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó, dự án đường Vành đai 3 là một trong những công trình trọng điểm của Thành phố đang gấp rút phải hoàn thành để chào mừng ngày lễ trọng đại này.
Do vậy, việc một Công ty TNHH tự ý xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là quỹ đất được bố trí tái định cư, làm ách tắc kéo dài tiến độ tái định cư, GPMB cho một dự án lớn là không thể chấp nhận được.
Nhưng vấn đề khiến dư luận đặt ra ở đây là tại sao một khu đất có diện tích đến cả 1 ha đã bị chuyển nhượng trái phép trong suốt một thời gian dài, thậm chí đã nhiều lần bị chính quyền lập biên bản xử lý nhưng vẫn tồn tại và được xây dựng ngày càng quy mô, phải chăng các cơ quan chức năng chưa làm triệt để hay vì một lý do nào khác?
Bằng Linh