Xăng dầu tăng giá, ngư dân lao đao
(Dân trí) -“Từ hôm giá xăng dầu tăng đến nay, gia đình tôi mới một lần ra khơi. Không biết rồi đây những ngư dân như chúng tôi có cơ hội bám biển nữa không” - Đó là nỗi niềm chung của hàng trăm ngư dân Cửa Lò (Nghệ An) trong thời điểm giá xăng dầu vừa tăng.
Biển nhớ ngư dân!
Không khác chị Hạnh, gia đình anh Nguyễn Văn Thọ (khối 6, phường Nghi Thủy) cũng có 2 đôi tàu “nằm ngủ” tại bến đã gần 1 tuần nay. Anh cho biết nguyên nhân chính là giá dầu tăng cao, sản lượng và giá cá lại không tăng nên đành chấp nhận cho tàu nghỉ. “Với giá dầu hiện nay, ngư dân như chúng tôi không dám ra khơi. Nếu như trước kia chi phí cho một chuyến đi khoảng 1 triệu đồng thì giờ phải 1,3 - 1,5 triệu mới đáp ứng được”, anh Thọ cho biết.
Theo người nhiều ngư dân cho biết, chi phí cho một chuyến đánh bắt cá, nếu là loại tàu từ 24 - 40 CV phải mất từ 800 - 1 triệu đồng, với 5 lao động, sau khi cập cảng mỗi lao động cũng kiếm được từ 70 - 80 ngàn. Giờ với mức giá mới, thu nhập giảm chẳng còn bao nhiêu. “Trước kia, một cây đá khoảng 7 ngàn thì nay đã tăng từ 12 - 15 ngàn đồng. Và với mức giá dầu như hiện tại, ngư dân rất khó có thu nhập”, bác Sơn (68 tuổi) khối 2 cho biết.
Anh Hoàng Văn Hoa (sinh 1962) trú ở khối 10, có trong tay 5 chiếc tàu trị giá hàng chục tỷ đồng với hàng trăm lao động, trong những ngày này cũng đang khốn khó, đau đầu tính chi phí cho mỗi lần ra khơi. “Một ngày đêm, đôi tàu của tôi thường chi phí gần 10 triệu đồng; nay số tiền đó phải tăng từ 13 - 14 triệu đồng. Đã thế các khoản chi phí phụ lại tăng theo. Trong 5 chiếc tàu giờ tôi chỉ đi 2 chiếc cũng đã cố gắng lắm rồi”, anh Hoa tâm sự.
Giải pháp nào cho ngư dân?
Năm 2009, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân. Nay, người làm ngư nghiệp lại mong nhận được một chính sách phù hợp cho thời điểm hiện tại.
Trước mắt, Quỹ Tín dụng của phường Nghi Thủy đã có phương án gia hạn nợ cho người dân. Người dân cũng tự xoay sở bằng cách các hộ gia đình tự liên kết với nhau hạn chế số tàu ra khơi để tránh lãng phí.
“Đối với Hội Nông dân chỉ khuyến khích động viên nhân dân vượt qua những khó khăn để tiếp tục bám biển, một số ngư dân đánh bắt phải tìm đến các chủ tàu lớn để làm thuê, và chờ giá dầu phù hợp để xuất bến”, ông Nguyễn Hồng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thủy cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Trung -Trưởng Phòng Kinh tế, phụ trách thủy sản thị xã Cửa Lò, cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, toàn thị xã có hơn 280 tàu đánh bắt thuỷ hải sản với gần 1.000 hộ dân có cuộc sống gắn liền với nghề biển. Tuy nhiên, số tàu lớn lại đang khiêm tốn, chủ yếu là tàu thuyền loại nhỏ và hầu hết là của các hộ ngư dân nghèo. Vì thế vấn đề cấp bách hiện nay là có phương án, chính sách cụ thể để người dân tiếp tục ra khơi, tiếp tục cuộc sống.
Chúng tôi có mặt tại bến Vạn Xuân thuộc xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An - dù đang là thời kỳ cao điểm của mùa đánh bắt, nhưng không khí ở đây có phần tĩnh lặng. Gần 10 chiếc tàu cá có công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ đang nằm im lìm. Anh Đậu Văn Phượng ở xóm Xuân Dương vừa trở về sau chuyến đi đánh bắt cá xa bờ cho biết: Gia đình anh hiện có 9 anh em đều sống dựa vào nghề đi biển. Trước đây, giá xăng dầu chưa tăng, mỗi chuyến đi mất khoảng 8 - 10 triệu đồng tiền dầu thì cũng kiếm lãi được vài triệu đồng. Nhưng bây giờ giá xăng dầu tăng cao, mỗi lần ra khơi về chỉ mong đủ tiền dầu là mừng rồi. Ngư dân tạm dừng ra khơi để tính toán lại chi phí Xóm Xuân Dương, xã Nghi Xuân hiện có 137 hộ với gần 700 nhân khẩu. Cuộc sống người dân Xuân Dương từ bao đời nay đều gắn chặt với nghề đi biển. Chỉ cần tạm dừng ra khơi trong vài ngày là người dân nơi đây không biết lấy gì trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, việc tăng giá xăng dầu cũng đã tác động đến các doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản. Doanh nghiệp Thuyết Nga cho biết: trong năm 2010, doanh nghiệp đã thu mua được 35 - 40 tấn thủy hải sản các loại cung cấp cho thị trường từ Quảng Bình đến Thanh Hóa. Nhưng với tình hình nhiều tàu cá nằm bờ như hiện nay, thì công việc thu mua sẽ gặp rất nhiều khó khăn và sản lượng thấp hơn năm ngoái. Ông Nguyễn Linh Biết - Xóm trưởng xóm Xuân Dương, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc - cho rằng: Nếu như xăng dầu tiếp tục tăng giá thì nghề đi biển sẽ bị bại vì không thể có lãi được… Người đi biển cũng không biết đổi sang nghề gì để kiếm kế sinh nhai… Trước vấn đề tăng giá xăng dầu, ngư dân ở một số địa phương trong nước đã tiến hành liên kết thành các tổ, đội sản xuất trên biển giúp đỡ, thông báo nhau về ngư trường, thời tiết, thành lập các tàu dịch vụ thương mại cung cấp vật dụng thiết yếu: nước ngọt, nước đá, xăng dầu và thu mua, vận chuyển những sản phẩm khai thác tạo điều kiện cho các tàu hoạt động dài ngày hơn trên biển, giảm chi phí mỗi chuyến đi biển. Đây cũng là một cách làm hay mà ngư dân ở Nghệ An có thể học tập để tiếp tục vượt khó ra khơi đánh bắt đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày. |