Thanh Hóa:
Người nghèo chật vật với tăng giá
(Dân trí) - Sau thời điểm xăng dầu tăng giá và tới đây là giá điện, hàng loạt các mặt hàng thiết yếu cũng bắt đầu tăng giá, khiến giá cả thị trường biến động. Người dân nghèo đang đối diện với áp lực không nhỏ từ việc tăng giá.
Các mặt hàng thực phẩm như dầu ăn, bột ngọt, đường, nước mắm… tăng giá rất nhanh. Một chai dầu ăn hãng Medan loại 2 lít tăng từ 75.000đ lên 80.000đ/chai, có nơi bán 82.000đ/chai. Các loại mỳ tôm, đường cũng lên từng ngày. Trước thời điểm giá xăng tăng, một thùng mỳ tôm Hảo Hảo có giá 85.000đ/thùng loại 30 gói, nay lên 95.000đ/thùng. Mỹ phẩm cũng tăng từ 2 - 5.000đ/1sản phẩm, vải tăng 15% mỗi sản phẩm. Các mặt hàng như gạo, bánh kẹo cũng tăng không kém. Trước tết, thạch rau câu có giá 85.000đ/thùng, nay lên 100.000đ/thùng, có loại tăng lên 125.000đ/thùng.
Không chỉ dừng lại ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng về nguyên nhiên vật liệu cũng “chạy đua” theo giá xăng dầu. Ga, than đốt là mặt hàng nhiên liệu được người dân sử dụng hàng ngày cũng tăng nhanh. Một bình ga trọng lượng 12 kg có giá xê dịch từ 305 - 315 .000đ/bình, hiện lên 330 - 350.000đ/bình, tăng trên 10%. Nhiều người dân đã chuyển từ bếp gas sang bếp than tổ ong hoặc nhà nông chuyển dùng bếp củi.
Không chỉ các mặt hàng tăng giá, giá điện sắp tăng cũng đã khiến các dịch vụ vui chơi, giải trí như karaoke, Internet…cũng nhảy vọt về giá cả từ 10 - 20%, dịch vụ rửa xe tăng từ 10 - 15.000đ/1 xe.
Duy chỉ có mặt hàng xe máy lại giảm xuống sau Tết Tân Mão. Trung bình mỗi loại xe giảm từ 500.000 - 700.000đ, có loại xe giảm xuống hơn 1 triệu đồng như xe Airblade từ 43,5 triệu xuống còn 42 triệu đồng/chiếc, xe Wave của Honda trước Tết có giá 16,5 triệu, nay còn 16 triệu đồng.
Xăng dầu, điện tăng giá, kéo theo tiền nước, tiền sinh hoạt, vệ sinh, thực phẩm cũng tăng, khiến cho đời sống hàng nghìn người dân nghèo, sinh viên, những người có thu nhập thấp phải lao đao, chật vật với nỗi lo “cơm áo, gạo tiền”, học hành...
“Gia đình tôi một tuần chỉ đi chợ ba lần. Cả hai vợ chồng đều làm nông, cuộc sống gia đình đang còn túng bấn lắm. Nay, dầu ăn, mắm, muối, đường… đều tăng cao, tôi rất lo lắng cho cuộc sống của gia đình tới đây”, chị Hằng tâm sự.
Cơn bão tăng giá cũng đã tràn về nông thôn, các chợ, đại lý nhỏ ở nông thôn cũng đua nhau tăng giá. Tại huyện Tĩnh Gia, các mặt hàng tăng cao nhất phải kể đến sắt, thép, sữa tươi… sau Tết giá cả vừa hạ nhiệt chưa được bao lâu, thì giá xăng dầu tăng, các mặt hàng ở đây cũng “té nước theo mưa”. Cụ thể giá thịt lợn nạc, tăng từ 85.000đ lên 95.000đ, thịt ba chỉ giao động từ 60.000đ - 70.000đ, thịt bò tăng từ 130.000đ lên 150.000đ/1kg, giá rau quả có lẽ là mặt hàng tăng ít nhất.
Chị Hoàng Thị Hằng, một người mua hàng tại chợ Kho, xã Hải Ninh cho biết: “Sau tết giá cả có xu hướng giảm, nhưng mấy ngày hôm nay giá cả cứ tăng liên tục, mỗi ngày mỗi giá, mấy hôm trước tôi mua thịt lợn nạc có 80.000đ 1kg, bây giờ lên đến 94.000đ 1kg”.
Anh Lương Đình Phương chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng ở xã Thanh Thủy cho biết: “Giá sắt thép trước tết đã tăng chóng mặt rồi, từ 13.500đ/1kg lên đến 16.000đ/1kg, mấy hôm nay giá lại tiếp tục tăng lên 16.500đ/1kg”. cũng theo anh Phương cho biết vài ngày tới giá thép sẽ tiếp tục tăng.
Bạn Đào Thị Duyên, sinh viên trường ĐH Hồng Đức chia sẻ: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo nên bố mẹ nuôi được em ăn học là điều rất khó khăn. Nay tiền phòng, tiền nước, tiên điện... đều tăng nên em không thuê trọ được. Hàng ngày, học xong là em đạp xe hơn 20 km về nhà rồi sáng mai lại đạp xe lên đi học”.
Chưa có thu nhập, giá cả tăng, nhiều sinh viên đã nghĩ ra đủ cách để giảm bớt các khoản chi phí trong tháng. Nhiều bạn đem đồ ở quê lên, ăn uống tiết kiệm, nhiều sinh viên nhịn ăn sáng để tiết kiệm.