1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xác minh tài sản ở nước ngoài của ứng viên Quốc hội

“Với nghi vấn về tài sản của ứng cử viên ở nước ngoài, chúng tôi liên hệ với Đại sứ quán, cơ quan chức năng bản địa để xác minh. Căn cứ tình hình thực tế, tiểu ban có thể đề nghị dừng việc đưa ứng viên đó vào danh sách bầu cử”, ông Lê Quang Bình, Trưởng tiểu ban khiếu nại, tố cáo về bầu cử cho biết.

Vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Lộc đã trả lời báo giới rằng, nhiều cán bộ có tài sản gửi ở nước ngoài, thậm chí sở hữu cả trang trại ở New Zealand... Khi có khiếu nại tố cáo ứng viên về vấn đề trên, việc giải quyết sẽ như thế nào, thưa ông?

 

Theo kế hoạch công tác, từ 21/3, ngày bắt đầu giai đoạn Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, Tiểu ban mới bắt đầu xác minh và trả lời các vụ việc cử tri nêu lên đối với người ứng cử.

 

Theo thông tin mới nhất mà tôi nhận được, tối 9/3, thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký để ban hành Nghị định về minh bạch tài sản thu nhập. Như vậy, các ứng cử viên phải dựa vào các quy định pháp luật, nhất là vào Nghị định nói trên để kê khai tài sản. Trong trường hợp công dân phát hiện thấy ứng cử viên nào đó kê khai không trung thực và có đơn tố cáo, chúng tôi sẽ chỉ đạo xác minh, làm rõ.

 

Nếu cần thiết, Tiểu ban sẽ huy động lực lượng đi xác minh. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu ứng cử viên có khối tài sản quá lớn mà không rõ nguồn gốc, kể cả tài sản trong nước hay ngoài nước, thì sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để đề nghị dừng việc đưa ứng cử viên đó vào danh sách bầu cử.

 

Đối với nghi vấn về tài sản của ứng cử viên ở nước ngoài, chúng tôi hoàn toàn có thể liên hệ với Đại sứ quán hoặc các cơ quan chức năng bản địa để xác minh.

 

Với đơn thư nặc danh, nhưng có nhiều thông tin đáng lưu ý thì Tiểu ban xem xét, giải quyết thế nào?

 

Chúng tôi không xem xét, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo nặc danh, tuy nhiên có thể để nghiên cứu. Bản thân tôi đã nhận được nhiều đơn thư không có danh, sau khi nghiên cứu nếu thấy cần thiết thì tôi có chuyển đơn thư đó cho các đồng chí có trách nhiệm.

 

Tiểu ban đã được chia thành 2 nhóm, trong đó 1 nhóm sẽ chuyên chỉ đạo giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với những ứng cử viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Vì sao có sự phân chia đó, thưa ông?

 

Điều này xuất phát từ tình hình thực tế là trong số các ứng cử viên, có một bộ phận là cán bộ, đảng viên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Do đó, trong Tiểu ban đã thành lập 1 nhóm do Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra TƯ Đảng Phạm Thị Hòe phụ trách, để chỉ đạo giải quyết và phối hợp với các cơ quan hữu quan xem xét, kết luận các đơn thư có liên quan đến những cán bộ ở diện nêu trên.

 

Tôi khẳng định, hoàn toàn không có phân biệt, hay là sự khác nhau trong chỉ đạo giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại về các ứng cử viên. Có khác chăng là với các ứng cử viên là đảng viên, thì bên cạnh việc căn cứ vào các quy định của luật pháp, còn phải căn cứ trên các quy định của Đảng.

 

Như ông nói, trong số các ứng cử viên có một bộ phận là cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Vậy trong trường hợp công dân tố cáo một ứng cử viên nằm trong bộ phận đó, kết luận của cơ quan chức năng sẽ được thông báo thế nào?

 

Người tố cáo được quyền biết kết luận của cơ quan chức năng về đơn tố cáo của mình. Thông thường, trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo đối với diện cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, chúng tôi sẽ báo lên Hội đồng bầu cử TƯ và sẽ cử người đi xác minh, làm rõ.

 

Có ý kiến cho rằng trong bầu cử Quốc hội, những ứng cử viên “có dư luận”, có đơn thư thì rất dễ bị “treo lại”, đồng nghĩa với việc bị loại ra khỏi danh sách cuối cùng?

 

Nếu có đơn thư khiếu nại, tố cáo dù phức tạp, cũng phải xác minh làm rõ để bảo vệ chân lý. Tuy nhiên, ở đây có vấn đề là theo quy định, hết ngày 10/5 sẽ ngưng việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị mới về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.

 

Như vậy, với tất cả đơn thư được gửi trước thời hạn cuối cùng, chúng tôi sẽ chỉ đạo để có kết luận kịp thời, với tinh thần đúng thì bảo vệ, sai thì xử lý, dứt khoát không để tình trạng đúng sai lẫn lộn. Kể từ sau ngày 10/5, toàn bộ hồ sơ khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đối với những người đã trúng cử sẽ được gửi đến Ủy ban Thường vụ khóa mới.

 

Nhưng vừa qua có trường hợp tướng Cao Ngọc Oánh, mặc dù trước đó có dư luận liên quan đến việc “chạy án”, nhưng sau đó lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã khẳng định tướng Oánh không liên quan đến việc chạy án trong vụ PMU 18?

 

Có thể nói trường hợp như vừa nêu là rất cá biệt. Tuy nhiên, qua đó có thể thấy việc xác minh “dư luận” cũng như giải quyết đơn thư nhiều khi rất phức tạp. Điều đó càng đòi hỏi Tiểu ban phải làm việc khách quan, chính xác để không ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị của các ứng cử viên.

 

Thưa ông, qua các kỳ bầu cử Quốc hội khóa trước, số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ ứng cử viên bị khiếu nại, tố cáo là bao nhiêu?

 

Thông thường có khoảng 20% (trên dưới 100 người) ứng cử viên bị khiếu nại, tố cáo và khoảng 25% đơn thư khiếu nại là đúng, 30% đơn thư là có phần đúng có phần sai. Khoảng 30 - 40% đơn thư là hoàn toàn sai.

 

Vậy các đơn thư chủ yếu tập trung vào những vấn đề nào?

 

Những kỳ bầu cử Quốc hội gần đây, đơn thư khiếu nại tập trung vào việc lập danh sách những người ứng cử, việc đưa người này, đưa người khác vào hoặc ra khỏi danh sách, rồi khiếu nại về kết quả bầu cử, trình tự thủ tục bầu cử... Về đơn thư tố cáo, chủ yếu là tố cáo về tham nhũng, không trung thực trong kê khai lý lịch.

 

Công dân có thể gửi đơn khiếu nại, tố cáo về bầu cử ở đâu, thưa ông?

 

Việc tiếp công dân khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử do Vụ Dân nguyện Văn phòng QH đảm nhiệm. Ngoài ra, công dân có thể trực tiếp đưa đơn thư tại Ủy ban bầu cử và Ban bầu cử ở từng địa phương. Về cá nhân tôi, với trách nhiệm là Trưởng Tiểu ban, trong các trường hợp thực sự cần thiết sẽ sẵn sàng tiếp công dân.

 

Theo Tiền Phong