1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xác định vị trí xây cầu Khuyến học & Dân trí vượt sông Pô Kô

(Dân trí) - Ngay sau khi Quỹ Khuyến học Việt Nam cùng báo Dân trí phát động chương trình vận động ủng hộ xây cầu Khuyến học & Dân trí băng dòng Pô Kô, Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum đã tiến hành khảo sát thực tế và xác định được vị trí xây cầu.

Xác định vị trí xây cầu Khuyến học & Dân trí vượt sông Pô Kô  - 1
Cầu... khô củi, vị trí Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum đề nghị xây cầu Khuyến học & Dân trí (ảnh: Đinh Văn Truyền).
 
Chưa đầy một tuần sau ngày phát động, bạn đọc báo Dân trí đã ủng hộ 708.250.000 đồng, gần đủ kinh phí dự tính để xây dựng cầu Khuyến học & Dân trí. Vì thế, Quỹ Khuyến học Việt Nam và Dân trí đã cố gắng xúc tiến việc xây dựng cầu trong thời gian nhanh nhất để các em học sinh có cầu qua sông trong năm học mới.
 
Ông Ka Ba Tơ, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum cho biết: “Sau khi khảo sát và được sự nhất trí của UBND huyện Ngọc Hồi, chúng tôi đề nghị chọn xây cầu từ xã Đắk Nông bắc sang thôn Long Jôn, Đắk Blái, Đắk Rơme của xã Đắk Ang. Khu vực này tập trung dân cư của cả mấy làng và học sinh rất đông nên việc xây cầu Khuyến học & Dân trí tại đây sẽ đạt hiệu quả cao nhất”.
 
Vị trí này trước đây vốn đã có một cây cầu treo trụ sắt. Nhưng cơn lũ năm 2009 đã cuốn trôi cầu, chỉ còn lại một trụ cầu phía bờ thuộc xã Đắk Nông và một trong 4 sợi dây cáp chính của cầu.
 
Vì còn lại một sợi dây cáp nên những mảng khô củi trôi từ thượng nguồn về mắc lại tại đây, tích tụ dần tạo thành một cây cầu… củi nổi trên mặt sông. Đến mùa nước cạn, các em học sinh tận dụng cây cầu lạ kỳ này để vượt sông. Tuy nhiên, cách vượt sông này khá nguy hiểm vì nhiều chỗ củi mục có thể làm các em hụt bước rơi xuống sông.
 
Thầy Đinh Văn Truyền, Hiệu phó trường THCS Ngô Quyền cho biết: “Thực tế cũng xảy ra nhiều trường hợp các em hụt bước rơi xuống sông nhưng rất may là chưa có thiệt hại gì lớn xảy ra, các em vẫn an toàn”.
 
Xác định vị trí xây cầu Khuyến học & Dân trí vượt sông Pô Kô  - 2
Những vị trí không có khô củi thì được bắt một thanh gỗ (ảnh: Đinh Văn Truyền).
 
Dù nguy hiểm như thế nhưng nhiều em vẫn chọn vị trí này để băng sông. Bởi quanh vị trí này tập trung đến 3 thôn trong tổng số 8 thôn của xã Đắk Ang, số học sinh sống ở 3 thôn này rất đông. Các em đều chọn con đường này để băng sông Pô Kô đến trường thay vì đi ngược lên thôn Đắk Súp 1 để đi cầu treo tạm ra đường Hồ Chí Minh rồi lại phải quay ngược xuống để đến trường.
 
Chính vì vậy, sau khi khảo sát thực tế, Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum đã chọn vị trí này để xây dựng cầu Khuyến học & Dân trí nhằm tạo điều kiện cho các em được đến trường an toàn.
 
Về tình cảm của bạn đọc Dân trí nhiệt tình ủng hộ cuộc vận động xây cầu, ông Ka Ba Tơ xúc động: “Mùa mưa sắp tới, nếu có cầu cho các em học sinh qua sông thì quá tốt. Đó đều là nhờ tấm lòng hảo tâm của đông đảo bạn đọc, những cá nhân và doanh nghiệp giàu lòng nhân ái”.
 
Ông Trần Hồng Thái, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum nói: “Chúng tôi rất cám ơn các đơn vị truyền thông nói chung và báo Dân trí nói riêng đã kịp thời phản ánh những thông tin chân thực về khó khăn của nhân dân, học sinh Ngọc Hồi. Những thông tin ấy đã gây xúc động mạnh và cuối cùng là việc chung tay góp sức xây cầu Khuyến học & Dân trí, giúp các em học sinh sống ven sông Pô Kô được đến trường an toàn”.
 
Hiện Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum đã gửi kiến nghị về vị trí, dự toán kinh phí xây cầu Khuyến học & Dân trí đến Quỹ Khuyến học Việt Nam và lãnh đạo báo Dân trí, chỉ chờ tiếp nhận kinh phí là tiến hành khởi công ngay. Theo bản vẽ, cầu Khuyến học & Dân trí ở vị trí này sẽ dài 165m, khổ cầu rộng 1,2m, kinh phí dự kiến ban đầu là hơn 1 tỷ đồng.
 
Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm