1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hà Nam:

“Xã trường thọ” với gần 600 cụ già trên 80 tuổi

(Dân trí) - Nằm cách thành phố Phủ Lý gần 30km về phía Bắc, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam không chỉ nổi tiếng với làng ươm tơ Từ Đài mà còn được biết đến là “xã trường thọ” nhất vùng đồng bằng chiêm trũng Hà Nam.

Trong một lần về xã Chuyên Ngoại, chúng tôi được ông Phạm Văn Đình, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã “tiết lộ”, xã Chuyên Ngoại vốn được mệnh danh là xã “trường thọ”.

Những cụ già Chuyên Ngoại minh mẫn, khỏe mạnh.
Những cụ già Chuyên Ngoại minh mẫn, khỏe mạnh.

Xã Chuyên Ngoại nằm cách thành phố Phủ Lý 30km về phía Bắc, dọc theo đê sông Hồng. Được sông Hồng ban tặng những dải phù sa màu mỡ, nơi đây được nhiều người biết đến với nghề ươm tơ tằm lâu đời. Nơi đây cũng chính là vựa cung cấp tơ tằm cho làng dệt lụa nổi tiếng Nha Xá. Nhưng từ nhiều năm nay, xã Chuyên Ngoại còn nổi tiếng “trường thọ”, trong xã nhiều cụ đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn đốn tre, đan rổ. Có cụ đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn đọc truyện Kiều bằng chữ nôm vanh vách…

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Quyền (sinh năm 1914). Năm nay cụ đã 101 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Cụ Quyền thuộc hết mặt chữ Hán và chữ Nôm nên vẫn đọc Truyện Kiều bằng chữ Nôm vanh vách khiến mọi người ai cũng nể phục.

Cụ Quyền sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà Nho trí thức, cụ thân sinh ra cụ Quyền là ông đồ Thụy nổi tiếng hay chữ trong vùng. Nhưng thời ấy thân phận nữ nhi như cụ Quyền làm gì dám mơ đến “con chữ”! Mỗi khi cha dạy học, ở nhà bế em, cụ Quyền lén đứng bên ngoài học mót cha dạy, nhớ được chữ nào thì cụ lấy que làm bút, nền đất làm vở rồi nắn nón viết từng chữ. Thế nên cụ mới học thuộc làu làu mặt chữ Hán và Nôm trong khi không biết chữ Quốc ngữ.

Cụ Nguyễn Thị Quyền (101 tuổi) vẫn đọc truyện Kiều vanh vách mà không cần kính.
Cụ Nguyễn Thị Quyền (101 tuổi) vẫn đọc truyện Kiều vanh vách mà không cần kính.

Đã sống tròn một thế kỷ nhưng trông cụ vẫn còn minh mẫn và rất khỏe mạnh. Thậm chí đọc truyện Kiều cụ cũng không cần phải mang kính. Cụ Quyền tâm sự: “Cũng nhờ trời phú cho tôi sức khỏe, con cái trong gia đình cũng hết mực chăm sóc cho tôi. Quan trọng nhất là cái tâm phải được thanh thản, sống phải lạc quan chứ đừng quá bi quan. Thường thì trước khi đi ngủ tôi cũng đọc cuốn Kinh viết bằng chữ Nôm, để lòng thanh thản hơn”.

Hàng ngày cụ Quyền vẫn tự mình vệ sinh cá nhân, giặt giũ quần áo, cụ xem đó là một cách để rèn luyện sức khỏe.

Ngoài cụ Quyền, trong xã Chuyên Ngoại còn có 3 cụ khác trên 100 tuổi là các cụ Nguyễn Thị Nga (104 tuổi) ở xóm 8, thôn Yên Lệnh; cụ Lương Thị Mỵ (103 tuổi) và cụ Ngô Thị Hòa (100 tuổi).

Ở thôn Từ Đàm còn có đôi vợ chồng cao tuổi là cụ Nguyễn Văn Đàm (93 tuổi) và cụ Nguyễn Thị May (95 tuổi). Năm 2013, thôn Từ Đàm tổ chức “đám cưới vàng” cho 11 cặp vợ chồng trong thôn sống với nhau trên 60 năm, trong đó có vợ chồng cụ Đàm. Hai cụ lấy nhau năm 1948, đến nay vẫn khỏe mạnh và hạnh phúc.

Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Đàm đã sống với nhau 66 năm.
Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Đàm đã sống với nhau 66 năm.

So với các cụ cao tuổi khác, cụ Đàm vẫn được người trong xã mệnh danh là “ông thanh niên”. Đã sống gần 1 thế kỷ nhưng cụ vẫn khiến đám thanh niên làng “trố mắt” khi thường xuyên chặt tre tự vác về, rồi chẻ ra tự đan rổ rá; tự tay đẩy xe rùa đầy đá mỗi ngày...

Chị Lê Thị Phương - con dâu cụ Đàm - cho biết: “Hôm vừa rồi có đưa cụ đi thăm lăng Bác Hồ, tôi còn trẻ khỏe mà đi theo cụ thấy đến mệt! Cụ không hề kêu than gì, ở nhà cụ còn tự tay đi chặt tre về đan rổ rá, thằng cháu lớn nhà tôi nó ra vác cây tre không xuể, thế mà cụ nhấc cứ như không”.

Sống gần 1 thể kỷ, nhưng cụ Đàm vẫn minh mẫn và khỏe mạnh.
Sống gần 1 thể kỷ, nhưng cụ Đàm vẫn minh mẫn và khỏe mạnh.

Theo thống kê của Hội Người cao tuổi xã Chuyên Ngoại, hiện xã có 1.381 cụ thuộc Hội, trong đó có đến 577 cụ ở độ tuổi 80 - 99 và có 4 cụ trên 100 tuổi; còn lại là các cụ dưới tuổi 79.

Khi được hỏi “bí quyết sống lâu trăm tuổi” của người dân nơi đây, ông Phạm Văn Đình - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Chuyên Ngoại - dí dỏm: “Chắc đó là trời ban phúc thôi, chẳng có bí quyết gì gọi là bí mật cả. Người dân quê chúng tôi vốn thuần nông, quanh năm nghèo đói, trước đây chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, họ quen lao động mà chỉ có lao động thì mới có sức khỏe dẻo dai. Nói các anh không tin chứ bây giờ nhiều cụ còn khỏe hơn đám thanh niên trong làng ấy chứ”.

Nếu ai đó đến Chuyên Ngoại một lần không quá khó để thấy cảnh các cụ già đi bộ hàng cây số quanh sườn đê sông Hồng vào mỗi buổi sáng sớm tinh mơ hay buổi chiều tà. Nhiều người đến với Chuyên Ngoại thấy cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn, nhưng lại có nhiều cặp vợ chồng sống với nhau đến “bách niên giai lão”, thì đều nhận xét rằng nơi đây quả là một vùng đất đáng sống!

Đức Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm