1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Nông:

Xã nghèo nhất tỉnh “tiếc đứt ruột” nhìn công trình nước sạch bỏ không

(Dân trí) - Từ nhiều năm nay, công trình nước sạch của xã Quảng Hòa bị bỏ không, người dân phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn được lấy từ giếng khoan, giếng đào và sông suối tự nhiên. Công trình nước sạch nằm “chết” một chỗ còn khiến các hạng mục bị xuống cấp, có dấu hiệu hư hỏng.

Xã Quảng Hòa là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Theo thống kê sơ bộ của địa phương này, toàn xã hiện có 65% hộ nghèo và khoảng 20% là hộ cận nghèo.

Năm 2003-2004, địa phương này được đầu tư xây dựng công trình nước sạch, cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân tái định cư trước tình trạng nguồn nước bị nhiễm phèn nặng. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, từ ngày xây dựng tới nay, người dân chưa được sử dụng nước từ công trình này.

Xã nghèo nhất tỉnh “tiếc đứt ruột” nhìn công trình nước sạch bỏ không - 1
Công trình nước sạch tại xã Quảng Hòa bị bỏ không hơn 10 năm qua

Bà Phạm Thị Xuân (trú xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long) cho biết, bà sinh sống ở đây đã hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ được sử dụng nước từ công trình. Công trình bị bỏ không nhưng người dân địa phương cũng không rõ vì sao. Hàng ngày để có nước, gia đình bà Xuân phải lấy nước suối, sau đó để lắng cặn rồi dùng hoặc sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn.

Tại công trình nước sạch này, các hạng mục như bể chứa nước, ống dẫn đều bị cỏ xâm lấn, mọc um tùm. Phòng kỹ thuật, nơi đặt các thiết bị điện trống hoác, đầy rác thải và ẩm mốc. Một số thiết bị đã có dấu hiệu bị hư hỏng do lâu ngày không được sử dụng và bảo trì.

Xã nghèo nhất tỉnh “tiếc đứt ruột” nhìn công trình nước sạch bỏ không - 2

Một số thiết bị có dấu hiệu bị hư hỏng do lâu ngày không sử dụng

Trước việc công trình nước sạch tại xã bị bỏ không, nhiều người dân địa phương cũng tỏ ra tiếc nuối vì sự lãng phí này. Theo người dân sinh sống tại gần khu vực, trước đây còn ít người, công trình là nơi tụ tập của những đối tượng lạ mặt, rất ít người dân lui lại đây.

“Đối với xã, việc được đầu tư hàng tỷ đồng để làm công trình nước sạch này là một điều rất đáng mừng, là niềm ao ước của đồng bào địa phương. Nhưng hiện nay công trình không được vận hành và sử dụng, trong khi người dân phải sử dụng nước bẩn, nước nhiễm phèn, ai cũng thấy tiếc, thấy “xót” vì hàng tỷ đồng nằm phơi nắng, phơi mưa, hoang hóa nhiều năm qua”, anh Lanh, một người dân địa phương cho hay.

Xã nghèo nhất tỉnh “tiếc đứt ruột” nhìn công trình nước sạch bỏ không - 3

Đối với xã nghèo Quảng Hòa, công trình là niềm ao ước của đồng bào địa phương

Không chỉ người dân, học sinh của Trường THCS Quảng Hòa và Tiểu học Bế Văn Đàn cũng chưa một lần được sử dụng nước sạch từ công trình này. Theo lãnh đạo Trường THCS Quảng Hòa, trước đây nhà trường được một tổ chức xây tặng một công trình nhà vệ sinh. Thế nhưng vì không có nước nên nhà vệ sinh này phải đóng cửa, các em học sinh cứ ra ngoài rẫy cà phê của người dân xung quanh để đi vệ sinh.

Trong khi đó, hàng chục học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 9 đang trọ học xung quanh trường phải dùng những can nhựa để đi lấy nước giếng, nước suối về sử dụng. Một số em khác "may mắn" hơn là sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn từ bể nước của hàng xóm.

Xã nghèo nhất tỉnh “tiếc đứt ruột” nhìn công trình nước sạch bỏ không - 4

Hàng ngày học sinh phải đi xin nước về sinh hoạt

Hàng ngày sau giờ học, em Sồng Thị D. (học sinh lớp 7, THCS Quảng Hòa) cùng 10 đứa trẻ khác trong nhà trọ xách can nhựa đi lấy nước từ giếng tưới cà phê của người dân về sử dụng. Mỗi đứa chỉ có 2 can nhựa, nên toàn bộ việc nấu nướng, rửa ráy đều gói gọn trong hai can nước này. Còn tắm rửa sẽ ra sông, ra suối hoặc tắm bằng nguồn nước nhiễm phèn.

Để khắc phục tình trạng các em phải đi xách nước xa nhà, nhà trường đã bố trí cho mỗi nhà trọ của các em một thùng nước lớn, tuy nhiên cũng chỉ đủ sử dụng trong ngày.

Xã nghèo nhất tỉnh “tiếc đứt ruột” nhìn công trình nước sạch bỏ không - 5
Mỗi nhà trọ được cấp một thùng đựng nước nhưng chỉ đủ sử dụng trong ngày

Ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho hay, công trình do Ban quản lý dự án Thủy điện Đồng Nai 5 làm chủ đầu tư. Khoảng năm 2003, họ đến đây làm thủy điện Buôn Tua Sarh. Sau khi di dời dân đến khu tái định cư thì làm công trình này để cấp nước sạch cho người dân. Thế nhưng từ khi xã được thành lập đến nay (năm 2007), công trình không được sử dụng, gây lãng phí.

“Hàng ngày, người dân địa phương vẫn phải sử dụng nước từ nguồn giếng khoan hoặc nước sông suối, ao hồ và giếng đào. Địa phương cũng rất mong muốn, có biện pháp để cải tạo, sửa chữa và vận hành lại công trình để bà con nhân dân được hưởng lợi tư công trình này”, ông Thủy mong mỏi.

Dương Phong