1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

WTO - Phải đặt mình trong mối liên kết toàn cầu

Sáu tháng sau khi Việt Nam gia nhập WTO, sự cọ xát trong cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và của cả nền kinh tế ngày càng khốc liệt hơn trong sân chơi toàn cầu. Đã có những bộ phận doanh nghiệp phải trả giá và có những bộ phận doanh nghiệp bứt phá vì đã thích nghi được với luật chơi.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - người dày dạn kinh nghiệm trong đàm phán qua các kỳ hội nhập - đã bày tỏ những quan điểm về vấn đề này.

Thưa ông, vào được WTO chỉ mới là bước khởi đầu, bây giờ mới chính là thời điểm "lửa thử vàng" với các DN?

Thực tế DN mình đều được cọ xát với hội nhập khi chính thức ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Mỹ, có chao đảo gì đâu, mà còn có lãi. Hồi tôi đi ký BTA về, cũng có những ý kiến này kia.

Lúc đó kim ngạch thương mại song phương với Mỹ chỉ có 700 triệu USD thôi, nhưng bây giờ đã lên đến gần 10 tỉ USD, trong đó mình xuất 7, nhập 3, như vậy là mình thắng hay không thắng? Thử trận đó là thấy ổn rồi.

Trước đó, chúng ta cũng thử sức "trận" AFTA với ASEAN, mức thuế hạ xuống còn từ 0-5%, chứ không như WTO còn giữ được mức trung bình 13,6% đâu. Nhưng mình cũng có bị hàng hoá ASEAN ào ạt chiếm lĩnh đâu. Nói như thế không có nghĩa là DNVN được chủ quan, mà vấn đề là phải biết mình, biết người để đánh thắng.

Vậy, ông đánh giá thế nào về năng lực cạnh tranh của DNVN sau một thời gian thực sự cọ xát?

Năng lực cạnh tranh của các DNVN ai cũng biết là còn hạn chế và chúng ta cạnh tranh trong bối cảnh rất đặc thù.

Thứ nhất là trong khuôn khổ quốc gia của ta 85 triệu dân thôi, giờ phải vươn ra cạnh tranh trong môi trường toàn cầu với hơn 6 tỉ dân.

Hai là, chúng ta phải cạnh tranh trong thời đại mới, khi mà cơ cấu kinh tế thế giới đã thay đổi rất mạnh mẽ, kinh tế tri thức, kinh tế dịch vụ phát triển rất mạnh, trong khi ta lại rất yếu.

Thứ ba, ta khác hẳn các nước công nghiệp hoá mới ở chỗ ta phải cạnh tranh trong hoàn cảnh tất cả các nước đều mở cửa, khác khi họ làm, nhiều nước còn đang đóng cửa. Vì vậy, năng lực cạnh tranh yếu của DNVN lại càng bộc lộ rõ.

Các DNVN tham gia vào sân chơi toàn cầu phải trang bị cho mình một vốn kiến thức toàn diện và đặt mình trong mối liên kết toàn cầu. Thế giới bây giờ là thế giới mạng (network), nếu DN của ta đứng ngoài mạng đó thì sức mạnh không thể nào có được.

Muốn có, anh phải nằm trong chuỗi liên kết, ở đây có cả liên kết bên trong và liên kết bên ngoài, liên kết giữa các DN với nhau, giữa DN và Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Còn liên kết bên ngoài là liên kết trong mạng toàn cầu là các DN, hiệp hội DN, các tổ chức...

Thưa ông, một trong những lĩnh vực hội nhập là nông nghiệp, nhưng bản thân người nông dân chưa có đủ kiến thức để nắm bắt về hội nhập, vấn đề này có đáng lo ngại không?

Ngay khi trong đàm phán cam kết gia nhập WTO, Nhà nước ta cũng rất quan tâm đến nông nghiệp nông thôn, do đó, thuế nông sản bình quân chúng ta giảm rất ít (10%) trong khi thuế công nghiệp giảm tới 23%.

Thứ hai là đối với những mặt hàng nhạy cảm, chúng ta vẫn giữ hạn ngạch, tức là trong hạn ngạch thuế thấp, nếu NK các mặt hàng này vào nội địa càng nhiều, thuế càng cao, trong đó có đường, lá thuốc lá, trứng, một số sản phẩm khác từ nông nghiệp.

Thứ ba là, mình giữ rất mạnh quyền trợ cấp cho nông nghiệp, dành quyền 10% giá trị CN để trợ cấp cho nông dân, trong khi các nước CN phát triển chỉ được dành 3%.

Tuy nhiên, đối với bà con nông dân, mà không chỉ bà con, ngay cả các DN nhà nước lớn cũng chưa thực sự đi sâu, tìm hiểu về hội nhập, mặc dù hội nhập và những tác động của nó liên quan thiết thực, sát sườn đến quyền lợi của mình.

Gia nhập WTO, DNVN cũng đã phải đối mặt với những rào cản thương mại bất bình đẳng mà các nước dựng lên để bảo hộ sản xuất nước họ. Ông suy nghĩ gì về điều này?

Tất nhiên rào cản là ưu thế không lành mạnh của thế giới. Họ nói là "tự do thương mại" thế thôi, nhưng nước nào cũng nghĩ đến mình cả. Thế nên rào cản chắc chắn đang được dựng lên dưới nhiều dạng thức rất khác nhau.

Khi hội nhập, chính chúng ta cũng phải thiết lập được những rào cản mang tính kỹ thuật phù hợp với quy định của WTO để bảo vệ hàng hoá trong nước. Tuy nhiên, ta còn thiếu kinh nghiệm về vấn đề này, bộ máy của chúng ta còn nặng về cấm đoán, chưa có những rào cản kỹ thuật trong thương mại.

Theo Quỳnh Trang
Báo Lao động