(Dân trí) - Lặn lội vượt hàng trăm cây số xuống Vũng Tàu xin đất thịt rồi vác từng viên gạch, bao đất lên cao, anh Minh làm khu vườn tràn ngập rau trái, giúp gia đình yên tâm sống khỏe suốt mùa dịch.
Từng có kinh nghiệm trồng trọt nhiều năm nhưng đến tháng 4/2021, anh Võ Xuân Minh (SN 1988, sống ở quận Tân Bình, TPHCM) mới bắt đầu cải tạo lại sân thượng để làm vườn lớn hơn, trồng đủ các loại rau trái.
Người đàn ông quê Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quen cảnh sống bình dị vùng biển, yêu thích cảm giác thu hoạch thành quả lao động vào mỗi buổi sáng nên quyết tâm dựng khu vườn trên cao một cách bài bản, quy củ hơn, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho cả gia đình yên tâm thưởng thức.
"Mình làm bồn to, rộng sẽ trồng được nhiều loại rau trái. Cùng diện tích đó mà bố trí thùng xốp hoặc chậu nhựa thì chiếm hết chỗ, lãng phí không gian. Với những bồn gạch lớn như vậy thì mình có thể trồng các loại rau khác nhau và quá trình chăm sóc cũng thuận tiện hơn", anh Minh nói.
Người đàn ông 33 tuổi cũng đầu tư làm vườn công phu, di chuyển cả trăm cây số xuống nhà người quen ở Bà Rịa - Vũng Tàu để "tậu" đất thịt về trồng cây. Anh cặm cụi leo cả trăm bậc thang để vác từng viên gạch, bao đất lên sân thượng.
Để trồng trọt trên cao hiệu quả, người đàn ông quê Lý Sơn cho rằng khâu trộn đất là quan trọng nhất. "Mình trộn 40% đất thịt, 40% đất sạch mua ngoài tiệm về và 20% là phân bò, phân hữu cơ. Hàng ngày, mình tưới bổ sung cho cây bằng nước vo gạo và tự ủ phân hữu cơ từ rác nhà bếp với ít nấm trichoderma. Lúc trồng lấy ra trộn với đất rất tốt, giúp rau trái phát triển mà lại tận dụng rác, bảo vệ môi trường", anh Minh chia sẻ.
Chi phí anh Minh mua phân bón, đất... và xây bồn tốn khoảng 20 triệu đồng. Gia chủ cho rằng, mức đầu tư trên khá hợp lý để gia đình có vườn rau trái xanh mát tại nhà, hạn chế phải đi chợ và yên tâm sử dụng nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe.