1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vượt biên đánh bạc với số phận

Nhiều người Việt Nam tìm cách vượt biên đến với "thiên đường mơ ước" bằng những con đường bất hợp pháp. Đó là một "canh bạc", mà họ có thể mất tất cả, tiền bạc, thậm chí tính mạng.

Cuối tháng 10, lực lượng kiểm tra liên ngành của Cảnh sát liên bang và hải quan khu vực Pasewalk thuộc bang Mecklenburd- Vorpommern - CH Liên bang Đức (gần biên giới Đức - Ba Lan) phát hiện một chiếc ôtô buýt Mercedes Benz mang BKS của Đức có nhiều biểu hiện nghi vấn.

 

Vào 6h ngày 29/10, khi chiếc xe trên xuất hiện, tổ công tác của lực lượng liên ngành đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, nhưng chiếc xe đã vọt qua, bỏ chạy với tốc độ rất cao. Cuộc rượt đuổi diễn ra trên nhiều cây số, người trong chiếc xe buýt bị chao đảo, xô đẩy theo những khúc cua liều lĩnh của tay lái xe người Ba Lan. Đến khu vực Bernsdorf, xe cảnh sát mới đuổi kịp và vượt lên chặn đầu, ép chiếc xe buýt phải đỗ sát lề đường.

 

Ngoài người lái xe mang quốc tịch Ba Lan, trên xe còn có 10 người Việt Nam (8 người đàn ông và 2 phụ nữ). Tất cả đều mặt mũi xanh nhợt vì vừa phải trải qua những giây phút chạy trốn nguy hiểm. Thậm chí, có một phụ nữ đang mang thai ôm ngực kêu đau, cảnh sát Đức phải đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Toàn bộ số người Việt Nam đều không có giấy tờ hợp pháp.

 

Theo lời khai thì họ đã phải chi 4.500-10.000 USD cho một đường dây "đen" để được nhập cảnh vào Đức, nơi họ có người thân hoặc sang lao động tự do. Sau khi nộp tiền, họ được tập trung đi tàu hỏa sang Trung Quốc dưới dạng khách du lịch. Từ Trung Quốc, họ được đón và đưa tiếp sang LB Nga, sau đó vận chuyển bằng xe buýt mini tới khu vực gần biên giới Ba Lan - Đức, tiếp đến đi bộ bằng đường rừng vào Đức. Vượt qua biên giới, đón họ là chiếc xe buýt của người lái xe Ba Lan bị bắt kể trên.

 

Ngày 30/10, Toà án khu vực Pasewalk đã ra quyết định trục xuất số người Việt Nam nhập cảnh trái phép trở lại Ba Lan.

 

Đây chỉ là một trong những nhóm người bị phát hiện khi trốn sang các nước châu Âu bằng những con đường bất hợp pháp. Cũng có thể những người này coi như họ tham gia vào một "canh bạc" và bị thua số tiền 5-15 nghìn USD tuỳ theo từng nước họ đến. Tuy nhiên, đối với một số người, vốn để tham gia trò "đánh bạc" này vay từ người quen, ngân hàng với hy vọng sẽ sang nước ngoài, lao động được thật nhiều tiền gửi về trả nợ. Vì thế, khi bị đẩy đuổi về, họ lâm vào tình trạng nợ nần, quẫn bách.

 

Ngoài ra, đi theo những con đường "đen", họ còn phải "đánh bạc" với cả tính mạng, số phận của mình, bởi bao nhiêu nguy hiểm rình rập trên những chặng đường phải vượt qua. Cướp bóc, tống tiền, hãm hiếp phụ nữ... thậm chí việc nguy hại đến tính mạng cũng có thể xảy ra.

 

Vào năm 2002, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội nhận được lá đơn tố cáo của hai mẹ con chị H. ở Hà Nội. Mẹ con chị đã đưa tiền cho một đường dây đưa người sang Cộng hòa Czech do Nguyễn Hữu Ngân, ở Nghệ An cầm đầu. Sau khi đưa mẹ con chị và một số người nữa đến Nga thì phải đi bộ mấy ngày liền trong rừng để đến biên giới Czech. Mệt mỏi, thế mà trong đêm tối âm u của rừng núi, một số phụ nữ còn bị các đối tượng làm hại. Mẹ con chị H. và nhiều người khác bị cướp sạch vàng và tiền mang theo.

 

Có một cạm bẫy nữa mà những người tham gia các đường dây "đen" thường gặp. Một số người được hứa hẹn đưa sang các nước châu Âu lao động, nhưng đến nơi thì đàn ông phải lao động thời vụ, phụ nữ bị bán vào hộp đêm, bị bắt trở thành "nô lệ tình dục". Vừa qua, cảnh sát Czech bắt giữ gần 20 đối tượng đã đưa 50 phụ nữ Việt Nam sang làm việc tại các hộp đêm.

 

Theo Công An Nhân Dân