Mong muốn có rau quả sạch 4 mùa cho gia đình và người thân, chị Phạm Liên (ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) bắt tay vào cải tạo sân thượng, làm thành khu vườn nhỏ "chẳng thiếu gì". Tính đến nay, chị đã thiết kế vườn "trên cao" được 5 năm. Khu vườn có diện tích 40m2, được phân chia thành góc trồng cây ăn quả và rau hái lá giúp nữ gia chủ thuận tiện chăm sóc. Nhờ thiết kế khoa học, gọn gàng mà không gian vườn tuy nhỏ nhưng chị Liên vẫn trồng được tới trăm loại rau trái khác nhau. Thời gian đầu làm vườn sân thượng, do chưa có kinh nghiệm nên chị Liên trồng cây thường bị bệnh và chết. Sau đó chị tìm tòi, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm từ những người có cùng đam mê trong các hội nhóm trên mạng.
Dần dần, chị làm vườn "lên tay", áp dụng kiến thức vào thực tế, chủ yếu trồng rau trái đúng vụ để quá trình chăm sóc thuận lợi hơn và giúp cây hạn chế được sâu bệnh. Trong vườn, chị Liên trồng rau quả 4 mùa với nhiều loại đa dạng như bắp cải, súp lơ, rau dền, xà lách, su hào, cà chua, khoai tây... Chị ưu tiên trồng giống rau ngắn ngày, cho thu hoạch thường xuyên gồm rau muống, rau cải, mồng tơi,... Ngoài ra còn có các cây ăn quả như ổi, lựu, mâm xôi, táo thái, chanh, sung Mỹ,... Đặc biệt gia chủ trồng nhiều giống dưa lưới, phục vụ sở thích thưởng thức trái cây đa dạng của các thành viên trong gia đình. Dưa lưới là giống ưa nắng, khó trồng, đòi hỏi quá trình chăm sóc kỳ công nhưng chị Liên vẫn kiên trì làm và cho kết quả ngoài mong đợi. Mỗi mùa vụ, chị và gia đình lại được dịp thu hoạch dưa "mỏi tay". Quả nào quả nấy đều to tròn, ngọt lịm. "Vì làm vườn thiên về hữu cơ nên mình phải dành nhiều thời gian để trộn đất, ngâm ủ các loại phân. Mình trộn đất với phân gà, đầu cá, vỏ cua, bột đậu tương, trấu hun, xơ dừa, phân dơi, vỏ trứng rồi rắc thêm trichoderma, tưới nước ẩm đậy kín và ủ trong 15 ngày. Sau đó mới đem phân ra bón, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây, đặc biệt là dưa lưới", chủ nhân khu vườn chia sẻ một trong những kinh nghiệm trồng trọt "trên cao" hiệu quả. Với dưa lưới, khi cây còn nhỏ, chị chú ý tưới nước đậu tương ngâm với dịch chuối 1 lần/tuần. Thời điểm cây ra hoa thì cần cung cấp hàm lượng kali tự nhiên nhiều hơn bằng cách nghiền vỏ trứng thật mịn, trộn với tro rơm, phân đậu tương rồi bón mỗi tuần hai lần cho cây để ra hoa to và dễ đậu quả hơn. Khi cây nuôi quả, chị Liên bón thêm phân chuồng cho cây một lần/tuần, đồng thời tưới đậu tương ngâm, chuối, phân dơi ngâm, trứng sữa và nước rác ủ mỗi tuần hai lần để bổ sung đủ dưỡng chất giúp cây nuôi quả. Nhờ thế mà quả đạt chất lượng, khi chín có vị ngọt đậm hơn. Để hạn chế nấm bệnh, gia chủ còn đều đặn phun phòng nấm trichoderma mỗi tuần một lần khi cây còn nhỏ và dùng hỗn hợp thuốc lào ngâm pha loãng với vài giọt dầu ăn để phòng bọ trĩ cho cây. Tuy trồng dưa lưới rất vất vả, cây dễ bị nấm bệnh và chết nhưng nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng, khoa học mà chị Liên đã gặt hái được thành quả lao động xứng đáng. Không chỉ có đủ hoa quả sạch cho gia đình sử dụng mà chị còn thoải mái chia sẻ với bạn bè, người thân và hàng xóm xung quanh. Bận rộn với công việc kinh doanh, thời gian eo hẹp nhưng chị vẫn tranh thủ vài tiếng đồng hồ lúc sáng sớm và tối muộn để chăm sóc khu vườn trên sân thượng. Rảnh rỗi, chồng con lại lên vườn phụ giúp chị tưới nước, kiểm tra, theo dõi sự phát triển của cây.
Giữa cuộc sống ồn ào, khói bụi nơi phố thị, khu vườn xanh mát trên "nóc nhà" không chỉ xoa dịu những cơn nóng bức, oi ả ngày hè mà còn cung cấp đa dạng nguồn rau trái sạch cho gia đình đông thành viên. Với chị Liên, vườn nhỏ ở trên cao còn là chốn thư giãn lý tưởng cho bản thân và gia đình, giúp mọi người xua tan mệt mỏi sau những giờ làm việc căng thẳng. Mỗi khi lên vườn, được hít hà không khí trong lành, ngắm nhìn cây cối phát triển khỏe mạnh, xanh tốt, chị lại thấy lòng an yên, dễ chịu, tràn đầy năng lượng hơn nhiều. Nhất là trong mùa dịch, khi thành phố thực hiện giãn cách, khu vườn trên sân thượng trở thành không gian yêu thích của các thành viên.