Vườn hồng trĩu quả giữa Đà Lạt của vợ chồng "bỏ phố về núi"
(Dân trí) - Không cần đến Nhật Bản xa xôi để chiêm ngưỡng mùa hồng chín đỏ đẹp tựa tranh vẽ, vợ chồng chị Việt Anh giờ đã sở hữu cả khu vườn 50 gốc hồng già nổi bật giữa thành phố ngàn hoa.
Suốt một thập kỷ qua, năm nào chị Việt Anh (34 tuổi) và người chồng cùng tên cũng từ TPHCM lên Đà Lạt du lịch, nghỉ dưỡng và dành thời gian nghiên cứu, đầu tư kinh doanh mô hình trải nghiệm thiên nhiên nông trại.
Tháng 5/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, cả gia đình gần 10 người gồm hai vợ chồng chị, con trai 5 tuổi, mẹ chị, bố mẹ chồng, anh và em trai chị cùng hai người em thân thiết khăn gói lên Đà Lạt định cư, bắt đầu một cuộc sống an nhiên, tự tại.
"Ban đầu mình chỉ định đưa cả nhà lên chơi trong lúc hai vợ chồng tìm kiếm mảnh đất phù hợp ở Đà Lạt nhưng thương con cái xa xôi cực khổ, bố mẹ và các anh em trong nhà đề nghị lên đây ở chung để tiện hỗ trợ hơn", chị Việt Anh nói.
Sau khi tìm được mảnh đồi trọc rộng hàng nghìn m2 nằm lọt thỏm giữa bốn bề là rừng thông xanh mát, cặp đôi trẻ quyết định "hô biến" nơi đây thành trang trại đẹp như mơ. Hiện cả gia đình sinh sống bằng việc kinh doanh, kết hợp làm mô hình trải nghiệm thiên nhiên và quán cà phê và khu cắm trại.
Thậm chí, đôi vợ chồng cùng tên còn sở hữu cả vườn hồng Mama Dala rộng tới 2.000 m2, vừa để thu hoạch trái làm nông sản, vừa tạo không gian trải nghiệm thú vị cho du khách thập phương ghé thăm.
Trước đây, chị Việt Anh cùng chồng từng có cơ hội khám phá Nhật Bản vào đúng mùa hồng chín. Chiêm ngưỡng khung cảnh những cây hồng chín đỏ nép mình bên các nhà gỗ ở Kyoto đẹp như tranh, anh chị không khỏi mê mẩn và thích thú. Cả hai chưa từng nghĩ, một ngày nào đó cũng sở hữu vườn cây đẹp chẳng kém xứ hoa anh đào.
Vườn hồng của gia đình chị Việt Anh nằm ở xã Xuân Thọ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 12km. Trong vườn có hơn 50 gốc hồng già, mùa nào cũng sai trĩu quả. Những cây này thuộc giống hồng trứng đặc sản của thành phố ngàn hoa.
Vì trong vườn toàn gốc hồng già, lại được trồng ở nơi có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp nên gia đình chị Việt Anh không phải vất vả chăm sóc kỳ công. Cả năm, anh chị chỉ cần bón phân hữu cơ rồi chờ đến mùa là thu hoạch những trái hồng đỏ rực, to và ngọt.
Mùa hồng ở Đà Lạt kéo dài từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10. Vào thời gian này, khung cảnh nơi đây hiện lên đẹp như tranh vẽ. Những trái hồng chín đỏ, nổi bật giữa lùm cây xanh cao vút, tỏa tán lá rộng sum suê.
Với hơn 50 gốc, nếu trúng mùa, vợ chồng chị Việt Anh thu hoạch được khoảng 3 tấn hồng. Năm nay, do mưa bão đến sớm nên hồng rụng nhiều, chủ vườn chỉ thu được sản lượng đạt hơn 2 tấn.
Hồng sau khi thu hoạch sẽ được chọn lọc những quả tròn căng tròn, không dập úng rồi phân chia thành từng loại riêng biệt để chế biến ra những món đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt.
Để thưởng thức hồng chín cây chất lượng thì phải chọn quả đỏ mọng, vỏ mỏng, thịt mềm, khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt lịm. Người Đà Lạt còn có một cách truyền thống là ủ quả trong thùng gạo để hồng chín tự nhiên, hương vị ngọt đậm đà hơn.
Với những quả còn cứng và màu hơi ngả vàng, chị Việt Anh đem đi ủ hơi để làm hồng giòn và gửi bán khắp các tỉnh thành trong cả nước. Từng quả hồng được bọc kín trong túi bóng, xếp xen kẽ với giấy báo rồi ủ liên tục trong 10 ngày. Hồng thành phẩm có độ giòn, ngọt và không chát nên rất dễ ăn, được nhiều du khách yêu thích.
Đặc biệt là món hồng treo gió nổi tiếng Đà Lạt, khi thu hoạch, chủ vườn phải hái cả cuống để về nhà có thể cột dây treo lên. Để làm món đặc sản này, chị phải chọn những quả hồng chín vàng đậm nhưng vẫn còn cứng thì khi treo gió mới cho tươm mật.
Hồng đem gọt vỏ, ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 10 phút để quả không thâm đen. Sau đó nhúng quả sơ qua rượu trắng có độ cồn cao rồi treo lên nơi đủ nắng và gió. Tránh treo hồng nơi nắng gắt hoặc dễ bị tạt nước mưa. Phơi từ 20-30 ngày là có thể thu được thành phẩm hồng treo gió hấp dẫn.
Ngoài thu hoạch quả làm nông sản, vợ chồng chị Việt Anh còn thiết kế thêm một số hạng mục để phục vụ mục đích kinh doanh du lịch như như cải tạo lối đi gỗ len lỏi giữa vườn hồng, giúp khách tới đây dễ dàng di chuyển qua lại.
Cặp đôi trẻ còn dựng vài túp lều dưới tán cây và bố trí các sàn gỗ để du khách đến vườn hồng có chỗ nghỉ chân, thoải mái hái hồng và chụp ảnh check-in như những trải nghiệm mà anh chị từng có ở đất nước mặt trời mọc.
Ngoài ra, giữa vườn hồng còn có một căn nhà gỗ nằm lọt thỏm, rộng khoảng 20m2, được cải tạo trên sàn gỗ cũ với vật liệu chủ đạo là gỗ me, làm toát lên không gian mang phong cách hoài cổ, ấm cúng.
Vườn hồng mở cửa cho khách tham quan từ cuối năm 2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh mà mọi hoạt động trải nghiệm tại đây phải tạm dừng. Vào thời điểm này các năm trước, vườn hồng đang tấp nập khách check-in hoặc tự tay hái và thưởng thức thứ quả chín đỏ mọng - đặc sản của núi rừng Đà Lạt.