Vườn hồng rực rỡ, giàn mướp sai trĩu giữa mùa dịch của mẹ đảm tại TPHCM
(Dân trí) - Trong những ngày ở nhà giãn cách xã hội, khu vườn sân thượng thơm ngát hương hoa hồng, xanh mướt rau trái là nơi thư giãn yêu thích của gia đình chị Châu Hữu Chí.
Với mong muốn có một góc thư giãn tại nhà sau những giờ làm việc căng thẳng, đồng thời có không gian để các con làm quen với thiên nhiên, chị Châu Hữu Chí (Candy Châu, sinh năm 1980, Quận Gò Vấp, TPHCM) đã quyết định cải tạo sân thượng tầng 4 của gia đình thành khu vườn nhỏ.
Trên sân thượng rộng 50m2, chị Chí chia làm hai phần: phần phía trước nhiều nắng để trồng hồng, phần phía sau làm vườn rau xanh. Từ một vài gốc hoa hồng ban đầu, tới nay, chị Chí đã sở hữu tới 70 giống hồng nội và ngoại khác nhau, quanh năm khoe sắc.
"Hồng là loại hoa không dễ chăm. Thời gian đầu, do mình chưa có kinh nghiệm, không hiểu đặc tính của hoa nên nhiều cây nhiễm nấm bệnh, chết hàng loạt sau mùa mưa, nhìn mà xót lắm", chị Chí nhớ lại.
Chị lên các hội nhóm tìm đọc kinh nghiệm thực tế chăm hồng ở nhà phố của mọi người để học hỏi. "Lâu dần mình cũng rút ra kinh nghiệm về ánh sáng, giá thể, lượng nước phù hợp với từng giống hồng khác nhau", chị Chí chia sẻ.
Chị Chí làm hệ kệ sắt để đặt các chậu hồng lên cao. Theo chị, cách này giúp cho cây thoát nước tốt vào mùa mưa và rất dễ lau dọn sàn nhà, tránh bớt nấm bệnh. Chị đặt các chậu hoa ở khu vực đón trọn ánh nắng mặt trời. "Mình ưu tiên các loại chậu nhựa để dễ vận chuyển lên sân thượng và di chuyển khi cần. Khi mua chậu về, mình tự khoan thêm lỗ thoát nước dưới đáy chậu", chị Chí cho biết.
Về giá thể, chị Chí chia sẻ bí quyết riêng: "Mình trộn 50% là vỏ trấu, 10% đất sạch Tribat, 10% tro trấu (loại trấu đã hun), 10% đá trân châu Perlite (có thể thay bằng xơ dừa, vỏ đậu đều được), 20% phân hạt hữu cơ chậm tan (có thể dùng phân bò, phân gà nhưng bắt buộc phải qua xử lý, nếu không một thời gian, giá thể sẽ sản sinh nhiều con sùng đất ăn rễ non của hồng). Nếu có đất thịt thì mình có thể trộn một ít vào để tạo chất kết dính".
Trước mỗi mùa mưa, chị Chí thường trộn lại giá thể và thay dần cho các chậu hồng. Khi thay giá thể, chị tưới đẫm nước lần đầu. Hai ngày sau, giá thể khô, chị sẽ tưới lại lần hai và đặt chậu cây trong khu vực ít nắng gắt khoảng một tuần.
"Theo kinh nghiệm của mình, cách ngừa bệnh hiệu quả là tưới đủ nước cho cây. Vào mùa khô, cần phải tưới lên lá nhiều hơn, dùng vòi xịt mạnh để loại trừ sâu bệnh bám ở lá. Mình thường xuyên quan sát, làm sạch gốc hồng để chúng thoáng; vặt lá già, quét dọn vườn thường xuyên. Mình đặt các chậu có khoảng cách để tránh lây lan bệnh", chị Chí cho hay.
Trước đây, do công việc bận rộn, chị Chí chỉ có thể lên tưới và chăm vườn mỗi sáng, bón phân, tỉa cành vào cuối tuần. Từ khi ở nhà giãn cách xã hội, chị có nhiều thời gian hơn để chăm sóc khu vườn nhỏ, cùng các con tìm hiểu về rau xanh, hoa hồng.
"Khu vườn tuy không lớn nhưng mang lại cảm giác thư thái, bình yên cho mình mỗi khi trở về nhà. Mùa dịch này, khu vườn mang tới năng lượng tích cực cho cả gia đình, là khu vui chơi cho các con đỡ buồn chán. Các bé cũng hiểu và yêu cây cỏ, thiên nhiên, biết quý trọng sức lao động hơn", chị Chí tâm sự.