Vườn hoa hồng ngũ sắc hơn 70 gốc trên sân thượng của mẹ đảm tại TPHCM
(Dân trí) - Từ vài giống hồng cổ ban đầu, chị Candy tăng số lượng lên hàng chục loại, tạo thành khu vườn hoa hồng tràn ngập hương sắc "trên nóc nhà", thỏa mãn niềm đam mê ấp ủ từ lâu.
Chị Châu Hữu Chí (Candy Chau, SN 1980) sống ở quận Gò Vấp, TPHCM, hiện đang làm việc tại một công ty kinh doanh về lĩnh vực thép và dầu khí. Cách đây 5 năm, chị bắt đầu cải tạo sân thượng để thiết kế vườn hoa hồng "trong mơ" ngay tại gia, thỏa mãn niềm đam mê từ thuở nhỏ.
Những ngày đầu tiên làm vườn, chị ưu tiên trồng các giống hồng thuần chủng của Việt Nam như hồng tường vi, hồng cổ Sapa, hồng cổ Hải Phòng. Đây là những giống có khả năng kháng bệnh tốt, dễ thích nghi với điều kiện khí hậu hai mùa mưa, nắng và độ ẩm cao ở miền Nam.
Cũng như nhiều người yêu hoa hồng khác, những ngày đầu mới bước chân vào con đường đam mê trồng "nữ hoàng của các loài hoa", chị Candy nghĩ rằng quá trình chăm sóc cây này khá đơn giản, chỉ cần tưới nước là hoa sẽ nở đẹp.
"Lúc mới trồng, mình nhìn giống hồng nào cũng thấy mê, muốn săn tìm cho bằng được. Chẳng may cây bị bệnh tí là lo lắng không yên. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ khí hậu vùng miền và đặc tính từng loại hoa hồng, mình chọn lọc giống cẩn thận hơn cũng như điều chỉnh lại cách chăm sóc để tiết kiệm thời gian, công sức hơn", chị nói.
Về giá thể, do trồng trong chậu nên cần đảm bảo tơi xốp. Chủ nhân khu vườn trộn đất sạch với tro trấu (trấu hun), trấu tươi, xơ dừa đã qua xử lý theo tỉ lệ như nhau và cho thêm 10% đá perlite, 10% phân hữu cơ chậm tan.
Thông thường, chị thay giá thể cho vườn mỗi năm một lần trước mùa mưa. Khi thay giá thể cần lưu ý đặt cây ở khu vực tránh nắng gắt, tưới đẫm lần đầu đến lúc thấy nước thoát ra từ đáy chậu. Các lần sau tưới ít lại. Sau một tuần, lúc cây đã ổn định bộ rễ thì mới chuyển dần ra nắng và tăng lượng nước tưới.
"Tùy quỹ thời gian của mỗi người mà có cách bón phân riêng. Mình chọn cách bón phân không cầu kỳ, sử dụng phân bò hoặc phân gà, phân dê đã qua xử lý với phân trùn quế. Cứ 2 tuần/lần, mình bón định kỳ cho cây và bồi thêm đậu nành ủ lên men, pha loãng tưới gốc mỗi tuần một lần hoặc có thể thay phiên bằng dịch chuối ủ lên men cho đậu nành để hoa đậm màu hơn. Lưu ý là hoa hồng cần phân nhưng phải bón với lượng vừa đủ", chủ nhân khu vườn chia sẻ kinh nghiệm bón phân cho hoa hồng.
Hoa hồng là giống cây dễ bị các bệnh như sâu, bọ trĩ và nhện đỏ hay bệnh do nấm tấn công nên gia chủ thường chủ động phòng ngừa bằng cách thường xuyên dọn dẹp vườn, kê cao chậu, cắt tỉa cây, vặt lá già,... Ngoài ra, chị còn dùng dầu neem phòng ngừa mỗi tuần hoặc phun luân phiên bằng dung dịch tỏi ớt gừng, rượu. Nhờ đó mà cây ít bị bệnh, sống khỏe và nở hoa đẹp.
Dù hoa hồng được nhiều người nhận xét là khó trồng, khó chăm sóc nhưng chị Candy vẫn trồng thành công, sở hữu khu vườn sân thượng tràn ngập hương sắc. Không chỉ thực hiện được niềm đam mê từ bé, gia chủ còn có thêm không gian thư giãn, giải tỏa tinh thần nhờ vườn hoa hồng trên cao.
"Trong mùa dịch, nhất là khi thành phố thực hiện giãn cách, gia đình mình vẫn cảm thấy tràn đầy năng lượng và tăng sự kết nối, quan tâm lẫn nhau nhờ có khu vườn tràn ngập các loại hoa hồng. Mỗi lần ngắm hoa nở, mình thấy lòng nhẹ nhõm, mọi mệt mỏi như được xua tan. Các con cũng thích lên vườn vui chơi, phụ mẹ một số việc vặt như tưới nước, hái hoa, thu hoạch rau trái và trau dồi tình yêu với thiên nhiên, cây cỏ", chị Candy bày tỏ.