1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Vùng thông báo bay” có tầm quan trọng như thế nào đối với quốc gia?

(Dân trí) - Về mặt quốc phòng, vùng FIR Việt Nam ở biển Đông là sự mở rộng không gian “sinh tồn” của lãnh thổ Việt Nam, là “phên dậu, bờ cõi” của quốc gia trên không và trên biển, là sự kiểm soát có ý nghĩa to lớn đối với an ninh và vùng trời...

Phóng viên Dân trí vừa có cuộc trao đổi với Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch An ninh Hàng không dân dụng (HKDD) về “vùng thông báo bay” hay còn gọi là FIR Việt Nam, sau tròn 20 năm Việt Nam giành lại quyền quản lý FIR phía Nam.

Dư luận vừa qua nghe nhiều về vùng FIR, vậy vùng FIR có tầm quan trọng như thế nào với lĩnh vực hàng không của Việt Nam nói chung và Bộ Quốc phòng nói riêng? Vùng FIR có phải chủ quyền của mỗi quốc gia, thưa Trung tướng?

Về mặt thuật ngữ, vùng FIR không thuộc pháp lý chủ quyền. Tuy nhiên, thực tế vùng FIR của mỗi quốc gia được quản lý đều có giá trị chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích.

Về mặt quản lý và điều hành bay, vùng FIR thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng hàng không quốc tế và nó mang lại lợi ích hàng triệu USD cho ngân sách khi các chuyến bay quốc tế bay qua vùng FIR của Việt Nam…

Trung tướng Võ Văn Tuấn trả lời phỏng vấn phóng viên báo Dân trí.

Trung tướng Võ Văn Tuấn trả lời phỏng vấn phóng viên báo Dân trí.

Về mặt quốc phòng, vùng FIR Việt Nam ở biển Đông là sự mở rộng không gian “sinh tồn” của lãnh thổ Việt Nam, là “phên dậu, bờ cõi” của quốc gia trên không và trên biển, là sự kiểm soát có ý nghĩa to lớn đối với an ninh và vùng trời, ngăn ngừa từ xa các hoạt động đe dọa đến an ninh quốc phòng và chủ quyền của Việt Nam.

Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn sâu sát chỉ đạo chặt chẽ, Bộ Quốc phòng thường xuyên quan tâm đến sự phát triển ngành hàng không, chỉ đạo các đơn vị quân đội giúp đỡ về cơ sở hạ tầng, xây dựng văn bản pháp quy, phát triển hệ thống đường hàng không, thết lập và duy trì cơ chế hiệp đồng giữa quân sự và dân dụng… vừa bảo đảm quản lý bảo vệ chủ quyền vững chắc vừa làm tốt công tác quản lý vùng trời, quản lý bay và sẵn sàng chiến đấu cao.

Sau năm 1975, vùng FIR của Việt Nam được quản lý như thế nào, thưa Trung tướng?

Vùng trời Việt Nam được tổ chức 2 FIR, FIR Hà Nội và FIR Sài Gòn. FIR Sài Gòn được thành lập từ năm 1959. Tháng 4/1975, trước ngày giải phóng Sài Gòn, ICAO (Tổ chức hàng không Dân dụng quốc tế) đã quyết định chia FIR Sài Gòn trên biển Đông thành 3 vùng trách nhiệm tạm thời (AOR), giao cho Hồng Kông, Thái Lan, Singapore quản lý. Việt Nam quản lý FIR Hà Nội và FIR trên vùng trời lãnh thổ phía Nam.

Nhận thấy vấn đề FIR (nhất là FIR trên biển Đông) là vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và có nhiều lợi ích nên Bộ Chính trị, Nhà nước, Bộ Quốc phòng theo dõi sát sao và chỉ đạo cụ thể. Từ tháng 12/1975, Bộ Quốc phòng triển khai phương án đấu tranh thu hồi lại toàn bộ diện tích FIR Sài Gòn đã bị mất trước kia.

Sau 18 năm đấu tranh, đàm phán với ICAO và một số nước cùng với những nỗ lực về đầu tư, trang thiết bị, con người, công nghệ quản lý điều hành bay, đến ngày 7/12/1994, Việt Nam chính thức nhận lại vùng AOR Thái Lan và AOR Sigapore, trong FIR Sài Gòn cũ. Từ đây Việt Nam đặt tên vùng trời thu hồi được là FIR Hồ Chí Minh.

Năm nay 2014, cũng là năm mà chúng ta sẽ tổ chức kỷ niệm sự kiện trọng đại - 20 năm sau ngày Việt Nam giành lại được quyền quản lý FIR trên vùng trời biển Đông do các nước ngoài trước đây quản lý, mà giờ đây người ta quen gọi là FIR Hồ Chí Minh.

Riêng vùng AOR Hồng Kông (phía Bắc FIR Sài Gòn cũ), năm 1997, Trung Quốc thu hồi Hồng Kông và muốn thiết lập, mở rộng vùng FIR Sanya trên vùng AOR Hồng Kông. Trong khoảng thời gian từ năm 1997 - 2001, Việt Nam tiếp tục đàm phán với ICAO và Trung Quốc nhằm xóa bỏ vùng AOR Hồng Kông và đã đồng ý với đề xuất của ICAO áp dụng “gói thử nghiệm đường bay thẳng trên biển Đông, thử nghiệm các điểm chuyển giao kiểm soát giữa ACC Hà Nội/ Hồ Chí Minh với ACC Sanya”.

1/11/2001, gói thử nghiệm có thời hạn 3 năm có hiệu lực, theo đó Việt Nam đã mở rộng vùng FIR Hồ Chí Minh lên phía Bắc, thu hồi được khoảng 116.000km2 của AOR Hồng Kông; đẩy đường ranh giới AOR Hồng Kông ở phía Tây giáp gần với đường lãnh hải vùng biển miền Trung về phía Đông, đẩy ranh giới phía Nam của FIR Hồ Chí Minh từ vĩ tuyến 12độ22 phút lên 14độ30 phút N. Vùng AOR Hồng Kông quản lý còn lại được đặt tên mới là AOR Sanya do Trung Quốc tạm thời quản lý.

Ngày 8/6/2006, ICAO quyết định chuyển vùng AOR Sanya thành FIR Sanya. Từ đây, hình thành 2 FIR (FIR Hồ Chí Minh và FIR Sanya) có ranh giới rõ ràng.

Thưa Trung tướng, hiện nay Việt Nam quản lý, khai thác FIR như thế nào?

Hiện nay chúng ta đã quản lý và điều hành hàng vạn chuyến bay quốc tế trật tự, an toàn. Không để xảy ra bất kỳ sự cố nào đe dọa đến an ninh, an toàn hàng không, gánh vác, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả có trách nhiệm với cộng đồng hàng không quốc tế về các yêu cầu của ngành hàng không. Chúng ta tự hào về trách nhiệm, nghĩa vụ của chúng ta và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Trung tướng Võ Văn Tuấn trả lời phỏng vấn phóng viên báo Dân trí.

Sau nhiều năm đấu tranh, đàm phán, Việt Nam đã giành lại quyền quản lý FIR phía Nam và thể hiện trách nhiệm với Tổ chức HKDD quốc tế (ICAO).

Ví dụ như vụ máy bay MH370 của Malaysia vừa rồi khi chỉ còn 2 phút nữa là vào vùng FIR Hồ Chí Minh, tuy nhiên khi Việt Nam mới nhận được tín hiệu máy bay MH370 sẽ vào vùng trời Việt Nam thì đột nhiên mất tín hiệu. Sau đó Việt Nam đã tích cực tìm kiếm máy bay bị mất tích, đó là Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm của mình trước cộng đồng quốc tế trước những sự kiện tương tự.

Thưa Trung tướng, vậy có thể hiểu đúng thuật ngữ FIR như thế nào?

FIR tên đầy đủ bằng tiếng Anh là Flight Information Region, để chỉ “vùng thông báo bay” sử dụng trong ngành quản lý bay ở một vùng trời với giới hạn xác định trong đó có cung cấp dịch vụ thông báo bay và dịch vụ báo động theo quy định của ICAO.

Về mặt pháp lý quốc tế, FIR bao gồm vùng trời thuộc chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia, vùng trời được ủy nhiệm quản lý hoặc vùng trời trên công hải được ICAO xác lập và giao cho các thành viên của ICAO quản lý để cung cấp các dịch vụ không lưu, phụ thuộc và hoạt động HKDD. Việc ra quyết định ranh giới FIR của ICAO phụ thuộc vào bảo đảm trang thiết bị quản lý bay và năng lực quản lý không lưu của mỗi quốc gia.

Xin cảm ơn Trung tướng!

Tuấn Hợp (thực hiện)