1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ninh Bình:

Vùng lõi di sản Tràng An bị công trình “khủng” xâm hại giờ ra sao?

(Dân trí) - Cả một vùng lõi di sản thế giới bị công trình “khủng” do Công ty CP Du lịch Tràng An xây dựng xâm hại nghiêm trọng trong thời gian dài. Sau khi doanh nghiệp tháo dỡ công trình sai phạm, vùng di sản không còn nguyên trạng, nhiều nơi trở nên nham nhở, nhếch nhác.

Xâm hại di sản để làm gì?

Ngày 13/7, PV Dân trí quay trở lại điểm du lịch trái phép “Tràng An cổ” do ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty CP Du lịch Tràng An làm chủ. Trái ngược với sự nhộn nhịp khách ra vào tham quan như trước kia là cảnh sắc tiêu điều, hiu quạnh, vắng vẻ lạ thường.

Điểm du lịch trái phép Tràng An cổ điều hiu, vắng vẻ khác với sự nhộn nhịp, huyên náo như trước kia.
Điểm du lịch trái phép "Tràng An cổ" điều hiu, vắng vẻ khác với sự nhộn nhịp, huyên náo như trước kia.

Trước khi báo Dân trí phản ánh, bị Thanh tra Bộ VH-TT&DL và Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh Ninh Bình chỉ rõ hàng loạt sai phạm, “Tràng An cổ” là một trong những điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước trong chuyến hành trình về với miền đất cố đô Hoa Lư lịch sử, nơi có Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Sở dĩ “Tràng An cổ” hút khách bởi những chứng tích lịch sử mà ông Son đưa ra như: Đàn kính thiên, thung lau, giếng giải oan, hang luồn… khiến nhiều người hiếu kỳ. Tuy nhiên, chưa có căn cứ nghiên cứu khoa học nào khẳng định điều ông giám đốc nói là đúng, là phù hợp với những gì đã trải qua trong lịch sử hơn 1.000 năm trước.

Trước khi công trình “khủng” bị phá bỏ, khi ông Son mới mở cửa đón khách lên tham quan núi Cái Hạ (ông Son gọi là đường lên đàn kính thiên – nơi vua Đinh lần đàn tế trời), PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với vị giám đốc này. Ông lý giải, làm đường lên núi là để mừng lễ kỷ niệm 1.050 Đinh Tiên Hoàng lên ngôi hoàng đế. Ông này nói Đàn kính thiên trên núi Cái Hạ chính là nơi vua Đinh tế trời đất, bố cáo thiên hạ lập ra nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam.

Toàn bộ công trình khủng xâm hại di sản đã bị đập bỏ, riêng chiếc cổng tại đường lên núi vẫn chưa bị tháo dỡ.
Toàn bộ công trình "khủng xâm hại di sản đã bị đập bỏ, riêng chiếc cổng tại đường lên núi vẫn chưa bị tháo dỡ.

Công trình “khủng” xâm hại nghiêm trọng di sản thế giới được ông Son xây dựng chưa khô ráo xi măng (theo ông chỉ mới hoàn thành được trên 90%), nhiều hạng mục như dự kiến chưa xây xong thì hàng vạn du khách hiếu kỳ đã ùn ùn kéo đến.

Cả một vùng lõi di sản bị xâm hại trong thời gian dài, không thể khôi phục lại nguyên trạng.
Cả một vùng lõi di sản bị xâm hại trong thời gian dài, không thể khôi phục lại nguyên trạng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Son chia sẻ, bản thân cũng chưa muốn mở cửa đón khách, nhưng vì nhu cầu quá lớn nên ông đành phải chiều theo và có những khuyến cáo đối với những người khi leo lên đỉnh “Huyền Vũ”. Ông không thu bất cứ một đồng nào của khách mà mở cửa miễn phí cho dân chúng lên chiêm ngắm đàn kính thiên.

Vùng lõi di sản bị xâm hại giờ ra sao?

Khi ông Son mới mở cửa đón khách lên núi Cái Hạ, PV Dân trí đã trực tiếp mục sở thị công trình “khủng” này. Như ông Son nói, toàn bộ cầu thang lên xuống dài hơn cây số với tổng số trên 2.000 bậc thang cùng với cầu nối hai đỉnh núi (nối đường lên và đường xuống). Sau này, cơ quan có thẩm quyền vào kiểm tra, xác minh thì công trình chỉ dài 510m với trên 900 bậc thang (?).

Thời điểm công trình mới xây dựng xong, nhiều nơi bê tông cốt thép, các bậc thang chưa gắn kết với nhau nhưng có thời điểm hàng vạn du khách ùn ùn kéo lên núi bất chấp những nguy hiểm rình rập. Để làm được công trình “khủng” này, cả một vùng di sản đã bị ông Son xâm phạm nghiêm trọng. Rừng bị chặt phá, núi đá bị khoan thủng, đục đẽo.

Hệ thống cầu thang vẫn còn án ngữ, cắm sâu vào lòng núi tạo nên sự nham nhở, nhếch nhác.
Hệ thống cầu thang vẫn còn án ngữ, cắm sâu vào lòng núi tạo nên sự nham nhở, nhếch nhác.

Cụ thể, ông đã cho người phá đá mở đường, dùng khoan khoan sâu vào lòng núi, sau đó cắm sắt thép vào rồi dựng cốt pha đổ bê tông cột cũng như đà của bậc cầu thang. Các bậc thang được ông Son cho đúc sẵn sau đó đưa lên lắp ghép bằng hệ thống ròng rọc kéo. Trên đỉnh núi, ông cho xây dựng nhà vệ sinh kiên cố, hệ thống tường bao, các cột mốc bê tông, cầu bê tông kiên cố… làm biến đổi hoàn toàn vùng di sản.

Khi báo Dân trí phản ánh về việc xâm hại của Công ty CP Du lịch Tràng An, chính quyền địa phương mới ráo riết vào cuộc kiểm tra xử lý. Trước sức ép của chính quyền, dư luận trong và ngoài nước, ông Son đã có đơn xin tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm. Như cam kết, khi tháo dỡ sẽ trả lại nguyên trạng, không xâm hại thêm vào di sản nhưng ai cũng hiểu được rằng, xây dựng đã khó giờ phá bỏ đi còn khó hơn.

Sau hơn 3 tháng phá bỏ công trình sai phạm, đến nay công việc tháo dỡ mới chỉ hoàn thành được trên 90%. Ghi nhận của PV Dân trí, nhiều nơi hệ thống cầu thang lên xuống mới chỉ bị tháo bậc, tháo lan can còn hệ thống cột chống và đà vẫn còn án ngữ, bám chặt vào lòng núi. Trái ngược với thông tin ông Vũ Văn Huân – Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư đưa ra trước đó là toàn bộ công trình xâm hại di sản đã bị phá bỏ hoàn toàn.

Dấu vết của sự xâm hại di sản vẫn còn rõ trên thân núi Cái Hạ.
Dấu vết của sự xâm hại di sản vẫn còn rõ trên thân núi Cái Hạ.

Thời điểm phóng viên có mặt chiều 13/7, cổng lên núi Cái Hạ ông Son xây dựng dưới chân núi vẫn còn tồn tại mà chưa bị tháo dỡ. Sau cánh cổng, hệ thống cầu thang vẫn còn dài hơn chục mét. Nhìn từ xa, có thể thấy rõ đường nét của chiếc cầu thang khổng lồ lên xuống núi, đây cũng chính là những nơi vùng lõi di sản bị xâm hại không thương tiếc trong thời gian dài.

Sau khi phá bỏ công trình “khủng”, núi Cái Hạ trở nên nhếch nhác, nhất là khu vực đường lên và đường xuống. Trên khu vực lưng chừng và đỉnh núi, bằng mắt thường cũng có thể quan sát được những vết đục đẽo, khoan đá vẫn còn nguyên vẹn khiến vùng di sản trở nên nham nhở. Người dân mỗi khi đi qua đây, dù không còn thấy công trình “khủng” nữa nhưng vẫn xót xa cho cả một vùng lõi di sản giờ không còn hoang sơ như ban đầu.

Công trình khủng xâm hại di sản sau khi bị đập bỏ, để lại những dấu vết ăn sâu vào thân núi.
Công trình "khủng" xâm hại di sản sau khi bị đập bỏ, để lại những dấu vết ăn sâu vào thân núi.

Chứng tích của sự xâm hại vẫn còn tồn tại.
Chứng tích của sự xâm hại vẫn còn tồn tại.

Cầu nối đường lên xuống bị đập bỏ nhưng những vết phá đá mở đường vẫn còn in rõ di sản.
Cầu nối đường lên xuống bị đập bỏ nhưng những vết phá đá mở đường vẫn còn in rõ di sản.


Bến thuyền hang Luồn (di tích thời vua Đinh) nhếch nhác.

Bến thuyền hang Luồn (di tích thời vua Đinh) nhếch nhác.

Thái Bá

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm