Vùng dự báo tâm bão sẵn sàng... đón bão

(Dân trí) - Đến chiều 16/7, hầu hết các địa phương dự báo bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 1 đã đưa ra các phương án phòng chống bão tại chỗ và yêu cầu tàu thuyền về nơi trú ẩn. TP Hải Phòng, nơi dự báo tâm bão đổ bộ, tất cả như nín thở đón cơn bão đầu tiên của năm.

19h ngày 16/7, TP Hải Phòng yên ắng lạ thường. Đường phố phần nào giảm đi sự nhộn nhịp vốn có. Không khí oi bức, không mảy may một ngọn gió, dấu hiệu đặc trưng khi một cơn bão sắp tràn về.

Các hộ dân thành phố đang gấp rút thu dọn nhà cửa gọn gàng hơn, sẵn sàng đón cơn bão lớn đầu tiên trong năm. Bác Nguyễn Văn Quang (phố Nguyễn Văn Linh) cho biết: “Thấy truyền hình liên tục thông tin về cơn bão, chúng tôi cũng lo lắm. Các năm trước, tâm bão đều “tránh” Hải Phòng. Năm nay, sát đất liền rồi mà “nó” vẫn nhằm thẳng hướng này thì chắc sẽ đổ bộ thẳng vào đây thôi. Chúng tôi đã dọn dẹp, chuẩn bị xong rồi.”

Vùng dự báo tâm bão sẵn sàng... đón bão - 1

Hải Phòng "nín thở" chờ bão

Tại trụ sở Ban chỉ huy PCLB và TKCN TP Hải Phòng, các cán bộ liên tục cập nhật thông tin từ các quận huyện chuyển về. Các lãnh đạo BCH đều trực tiếp xuống các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác PCLB.

Sáng 16/7, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tổ chức cuộc họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 1. Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đỗ Trung Thoại đã chỉ đạo triển khai các biện pháp khẩn cấp đối phó bão.

Công tác sơ tán nhân dân cũng được gấp rút triển khai. Huyện Cát Hải đã triển khai phương án sơ tán tại chỗ cho 1.910 người của các xã, thị trấn trũng thấp ven biển. Tại huyện Tiên Lãng, đã triển khai sơ tán 1.417 người ở khu vực ngoài đê, ven đê về trụ sở UBND xã, các trường học, nhà kiên cố. Huyện Vĩnh Bảo sơ tán 1.429 người ở khu vực xung yếu về nơi an toàn.

Đến 20h tối nay, toàn thành phố đã hoàn thành công tác sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

22h, đường phố Hải Phòng vắng tanh, chỉ còn những chiếc xe container uỳnh uỳnh chạy ngược chạy xuôi. Các hàng quán dọc đường cũng dần thu dọn vì không có khách dù nay là cuối tuần.

Cơn bão đầu mùa sắp đổ bộ, Hải Phòng đang “nín thở” chờ bão tới.

Nam Định : Trong ngày 16/7, ban chỉ huy PCLB tỉnh Nam Định tổ chức các đoàn công tác trực tiếp xuống 3 huyện ven biển là Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng để đôn đốc công tác phòng chống bão số 1. Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, một số tuyến đê biển đang thi công dở dang rất dễ xảy ra sự cố khi sóng và triều cường dâng cao kết hợp mưa to.

Vùng dự báo tâm bão sẵn sàng... đón bão - 2

Thành phố Nam Định đã có mưa và gió trên diện rộng

Tại huyện Nghĩa Hưng, kè biển xã Nghĩa Phúc đang trong quá trình nâng cấp, cao trình đê PAM đạt dương 5m chỉ chịu đựng được bão cấp 9, cấp 10. Phía trong đê đang có 2000 dân sinh sống, Chính quyền huyện cho biết đã xây dựng dự lệnh sơ tán dân tại xã Nghĩa Phúc và 6000 dân xã Nam Điền, 1000 dân thuộc đê bối Nghĩa Hải.

Tại ba huyện ven biển, ban chỉ huy PCLB tỉnh Nam Định yêu cầu triển khai ngay các phương án hộ đê, xử lý giờ đầu khi có tình huống xấu xảy ra.

Thông tin từ Ban chỉ huy PCLB tỉnh, đến 20h ngày 16/7, toàn bộ 2.365 tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn. Tại thành phố Nam Định, bắt đầu từ 14h chiều xuất hiện mưa vừa đến mưa to, nhiều tuyến đường nội thành bị ngập sâu, điện sinh hoạt ở một số khu vực mất cục bộ.

Vùng dự báo tâm bão sẵn sàng... đón bão - 3
Đến 17 giờ ngày 16/7, hơn 4.242 tàu thuyền Nghệ An vào nơi trú ẩn an toàn
 
Nghệ An: Do ảnh hưởng của bão Conson, chiều 16/7 trời đã râm mát và một vài nơi lác đác có nhiều hạt mưa và khả năng mưa lớn có thể xảy rai.

Dự báo bão Conson có thể đổ bộ vào Nghệ An, PBCLB tỉnh đã ra phương án kêu gọi tàu thuyền đang đánh bắt cá trên biển vào nơi trú ẩn gần nhất để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.....

Tính đến 16h30 phút ngày 16/7,  hầu hết các tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, vẫn đang còn 240 tàu thuyền trên đường vào bờ trú ẩn.

Ông Nguyễn Đình Chi - PCT UBND tỉnh Nghệ An - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An đã gửi công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, các thị xã; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành liên quan nắm chắc số lượng tàu thuyền còn hoạt động trên biển, hướng dẫn về nơi tránh, trú bão an toàn; tổ chức neo đậu cho tàu thuyền trong các khu tránh, trú bão; huy động nhân dân triển khai ngay việc chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện; cấm tàu thuyền không được ra khơi.

Hiện các địa phương trong tỉnh đang tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ven biển, vùng cửa sông, ven sông, suối, các khu vực đang có diễn biến sạt lở và có nguy cơ sạt lở để có kế hoạch chủ động sơ tán các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; hướng dẫn người dân trong vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa lũ dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt việc đối phó với tình huống có mưa, lũ lớn, bị chia cắt dài ngày.
 
Vùng dự báo tâm bão sẵn sàng... đón bão - 4
Vẫn còn 240 tàu thuyền đang trên đường về nơi trú ẩn

Tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là nơi có nhiều ngư dân, tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhất tỉnh Nghệ An với tổng số 2.400 tàu thuyền (trong đó có 1.500 đánh bắt xa bờ) của các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long, Tiến Thủy, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập đến thời điểm này cơ bản các tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn.

Trao đổi với Dân trí, ông Hồ Phúc Hợp - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, thực hiện công điện khẩn của UBND tỉnh Nghệ An, đến thời điểm này huyện Quỳnh Lưu đã huy động và liên lạc đầy đủ với số tàu thuyền nêu trên vào nơi trú ẩn gần nhất an toàn. Riêng đối với các hộ dân sinh sống gần biển huyện phối hợp với các xã để chủ động di dân khi khẩn khấp theo mực nước lên tại các xã. Tuy nhiên, xã được chú ý nhất là Quỳnh Phương đã lên phương án di dân tại chỗ.

Thanh Hóa: Chiều 16/7, UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức cuộc họp khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng, tránh bão số 1 trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, tính đến 16h chiều nay 16/7, tất cả các phương tiện tàu thuyền của bà con ngư dân ven biển Thanh Hóa đã liên lạc được với đất liền và nắm bắt được tình hình cơn bão số 1.

UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo, tập trung quản lý chặt chẽ số tàu, thuyền trong đất liền, các cửa sông, cửa biển, âu thuyền... kiên quyết không cho các phương tiện này ra khơi đánh bắt trong thời điểm này.

Văn phòng BCH Phòng chống lụt bão tỉnh đã cử 3 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc các công tác triển khai đối phó với cơn bão số 1 tại các huyện ven biển và một số huyện miền núi.

Tính đến 16h chiều 16/7, tổng số 8.634 tàu thuyền với hơn 28.280 lao động đã vào nơi trú ẩn an toàn ở các bến trong tỉnh cũng như các địa phương khác như: Đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cô Tô, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh....

Tỉnh Thanh Hoá còn chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình, nhất là các công trình trọng điểm phòng chống bão lụt như đê sông Mã, sông Lèn, sông Cầu Chày, sông Chu, song Bưởi..., rà soát lại các phương án di dân, sơ tán dân...

Riêng hồ chứa nước Cửa Đạt phải triển khai ngay các phương án phòng chống lụt bão đã được duyệt.

Đối với các huyện miền núi, kiểm tra, rà soát phương án sơ tán dân ven song suối, hạ lưu các hồ đập, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện để cảnh báo và sẵn sang sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn khi có mưa lớn xảy ra.

Thừa Thiên- Huế:  Trưa 16/7, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB và TKCN)  tỉnh TT-Huế đã có công điện khẩn gửi các địa phương, ban ngành đoàn thể trong tỉnh về diễn biến cơn bão số 1 và công tác đối phó.

 

Tại khu vực TT-Huế từ đêm nay sẽ có mưa, mưa vừa và dông. Vùng biển gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8, biển động dữ dội.
 
Vùng dự báo tâm bão sẵn sàng... đón bão - 5

Tại Đập đá, các ngư dân đang dọn dẹp đồ đạc và thuyền bè vào nơi an toàn. (Ảnh: Đại Dương)

 

Ngay từ khi xuất hiện bão, Văn phòng BCH PCLB và TKCN đã tổ chức trực ban 24/24, triển khai công tác đối phó; điện cho Bộ đội Biên phòng phối hợp với các huyện vùng đầm phá kêu gọi ngư dân về nơi trú ẩn an toàn. Đến 18h tối 16/7, tất cả phương tiện và người lao động trên biển đã vào bờ an toàn.

 

Tại các nhà trong TP Huế đã lục tục chuẩn bị kèo, chống mái nhà, dọn dẹp cửa hàng, công sở trước cơn bão. Mưa lớn trong gần 2 tiếng chiều nay đã làm một vài đoạn đường bị ngập nhẹ.

Tại Quảng Ninh, nơi được dự báo là tâm bão sẽ đổ bộ, các ngư dân Hạ Long và Vân Đồn cũng đang khẩn trương “chạy” bão:
 
Vùng dự báo tâm bão sẵn sàng... đón bão - 6

Dùng dây kiên cố lại lồng bè chuẩn bị phòng chống bão

Vùng dự báo tâm bão sẵn sàng... đón bão - 7

Nhổ neo lồng bè nuôi cá để di chuyển đến khu tránh, trú bão

Vùng dự báo tâm bão sẵn sàng... đón bão - 8

Ngư dân dùng thuyền để di chuyển nhà bè

Vùng dự báo tâm bão sẵn sàng... đón bão - 9

Đến 16 giờ ngày 16/7, hầu hết tàu, thuyền đã về điểm tránh bão an toàn

Vùng dự báo tâm bão sẵn sàng... đón bão - 10

Lực lượng chức năng kiểm tra nơi neo đậu tàu, thuyền, hướng dẫn người dân tránh trú bão an toàn



Vùng dự báo tâm bão sẵn sàng... đón bão - 11

Tàu vận tải đã về cảng Vân Đồn tránh bão

Vùng dự báo tâm bão sẵn sàng... đón bão - 12

Tàu cá đã về nơi trú ẩn an toàn trong Vịnh Bái Tử Long. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
 

Nhóm PV