Nghệ An:

Vùng biên khốn đốn vì quặng sắt

(Dân trí) - Mỗi ngày, tại xã vùng biên Tri Lễ, hàng trăm khối đất đá được chở ra khỏi các mỏ để đưa đi tuyển lựa quặng sắt. Doanh nghiệp khai thác mọc lên như nấm, người dân thì khốn khổ với trăm mối lo từ các mỏ quặng này.

Vùng biên khốn đốn vì quặng sắt
Người dân bản Lằm phấp phỏng lo sợ với hàng nghìn khối đất đá trên đầu

Hiện tại, trên địa bàn xã biên giới Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An) có tới 4 mỏ khai thác quặng sắt đóng rải rác tại các bản làng với tổng diện tích được cấp phép là 110ha trên tổng số gần 800ha rừng của toàn xã. Trong đó, Công ty TNHH Ngọc Sáng khai thác 10ha, Công ty Xây dựng - Phát triển nông thôn 171 có 52ha, Công ty CP Lâm Lệ Phong 18ha, Công ty TNHH Xây lắp tổng hợp Miền Trung 30ha. Việc các công ty này tố chức khai thác quặng sắt trên địa bàn đã gây không ít nỗi khổ cho chính quyền địa phương và người dân sở tại.

Xã kêu, dân tố khổ

Dọc Quốc lộ 48, đoạn từ xã Châu Thôn lên Tri Lễ chúng tôi bắt gặp từng đoàn xe chở quặng chạy rầm rập về xuôi. Những chiếc xe tải trọng lớn, chở đầy quặng nghiến xuống mặt đường, con đường trải nhựa mù mịt bụi và oằn mình chống chịu sức nặng của đoàn xe. Hai bên đường, thỉnh thoảng hiện ra những khu vực đãi, tuyển quặng của các mỏ được rào chắn cẩn thận bằng một lớp phên nứa kín mít. Dọc sông Nậm Quàng, dòng nước ít ỏi của mùa khô sục lên một màu đỏ quạch, đặc quánh. Những quả đồi ở đây đang nan tan vì tình trạng khai thác quặng sắt đến thê thảm.
 
Đặc biệt, chạy qua địa bàn xã Tri Lễ có con sông Nậm Quàng từ trên thượng nguồn biên giới Việt - Lào chảy về, đang trở nên ô nhiễm nghiêm trọng. Anh Lương Văn Cường - một người dân trong bản - bức xúc: "Nước sông chảy qua các đoạn có công ty khai thác quặng sắt là bị đổi màu. Từ xưa đến nay, nước ở đây trong lắm, xanh lắm cả bản ta mùa hè thì rủ nhau tắm mát, múc nước tưới cây, lấy nước uống nữa đấy. Nhà ta thường xuyên dùng nước ở sông Nậm Quàng để tắm rửa, nhưng hơn một năm không dám dùng nữa rồi vì nó ô nhiễm quá...".

Vùng biên khốn đốn vì quặng sắt

Công trường trên vùng biên (Ảnh: Lany)
Vùng biên khốn đốn vì quặng sắt

Rừng tan nát... (Ảnh: Lany)

Vào trụ sở UBND xã Tri Lễ, như được “chạm đúng chỗ ngứa”, Chủ tịch Lô Xuân Thu nói một mạch: “Nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước thì đã rõ rồi nhưng cái đáng lo nhất hiện nay là địa điểm được cấp phép khai thác quặng lại ở phía trên khu dân cư. Hàng nghìn khối đất đá được họ đào xới tấp ở lưng chừng núi trong khi mùa mưa đã đến, nguy cơ bị sạt lở đất đá là rất cao. Các doanh nghiệp đã được tỉnh cấp phép, chính quyền xã biết làm gì được? Họ vào đây khai thác xã cũng chẳng được gì ngoài số tiền 2 triệu đồng/năm/công ty nộp vào nguồn quỹ ”.

Theo ông Lô Xuân Thu, bên cạnh được cấp phép khai thác quặng sắt trên địa bàn xã Tri Lễ, một số công ty đã tìm mọi cách thương lượng với các hộ dân thuộc Khu kinh tế mới Minh Châu để nhượng lại mặt bằng cho họ làm bãi tuyển quặng. Đây là nơi tái định cư, ổn định cuộc sống cho gần 150 hộ đồng bào Mông di cư sang Lào hồi hương. Hiện tại, Công ty Xây dựng và Phát triển nông thôn 171 đã được 3 hộ dân nhượng lại phần đất của mình. Mặc dù việc chuyển nhượng này hoàn toàn tự phát và không được chính quyền xã Tri Lễ cũng như huyện Quế Phong đồng ý nhưng phía công ty này vẫn ngang nhiên đưa máy múc và tổ chức lực lượng san mặt bằng chuẩn bị cho việc tuyển lựa quặng. Điều đáng lo ngại là khu vực đơn vị này đang thi công nằm ngay cạnh Khe Chọt - nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của 3 bản phía dưới nguồn.

Vùng biên khốn đốn vì quặng sắt
Dân khổ vì bụi và tiếng ồn (Ảnh: Lany)

“Việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyên truyền vận động đồng bào Mông ra đây ổn định cuộc sống. Mặt khác, sẽ tạo một tiền lệ rất xấu đối với bà con đã nhận đất ở Khu kinh tế mới này. Để ngăn chặn tình trạng người dân tự ý bán đất cho đơn vị khai thác, chúng tôi sẽ kiên quyết thu hồi phần đất đã cấp và giao lại cho hộ dân khác vì hiện tại có một số hộ đồng bào người Mông mới hồi hương vẫn chưa có đất ở và đất sản xuất”, ông Lô Xuân Thu cho biết thêm.

Theo chân cán bộ địa chính xã Tri Lễ, chúng tôi “thị sát” núi Mặt Kiến (bản Lắm, xã Tri Lễ), nơi đã được giao cho Công ty XD-PT nông thôn 171 khai thác. Đường lên khu vực khai thác quanh co, luồn lách trong khu dân cư với đầy rẫy ổ voi, những đoạn đường đất bùn nhão nhoét hoặc bụi tung mù trời. Một bãi đất khổng lồ đã được hình thành ở lưng chừng núi, ngay phía dưới là hàng chục ngôi nhà của người dân bản Lắm. Chỉ mới một trận mưa của ngày hôm qua nhưng bãi đất khổng lồ này đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn, tựa hồ có thể đổ ụp xuống hàng chục nhà dân ở dưới chân núi.
 
Theo người dân nơi đây, diện tích lúa nước của dân sau khi gieo cấy bị nước từ trên khu vực khai thác quặng chảy xuống làm vùi lấp và không phát triển được. Không trồng được lúa, suốt từ năm 2009 đến nay, người dân kêu hoài mà xã, huyện không thấy can thiệp. Ngoài ra xe của các công ty vào khai thác quặng còn phá nát những con đường dân sinh, gây ra bụi và tiếng ồn, khiến người dân chịu đủ mọi nỗi khổ.

Ông Lô Văn Tuấn - Trưởng bản Lắm cho biết: “Giờ thì chưa có sự cố gì đáng kể nhưng mà thỉnh thoảng cũng có những tảng đá, tảng đất từ trên đó rơi xuống, may mà nó rơi vào ao ở lưng núi chứ nếu rơi xuống nhà dân thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hôm qua trời mưa, nước đục ngầu lẫn với cát, đá đổ xuống ruộng của dân, chúng tôi đã gọi điện cho công ty vào giải quyết nhưng không thấy họ vào. Hồi trước, khi vào đây khai thác họ cũng có bàn bạc gì với dân đâu, đến khi chúng tôi làm căng thì họ hứa, nếu xảy ra sự cố thì sẽ khắc phục nhưng lúc cần thì lại không thấy. Cái lo lớn nhất của chúng tôi bây giờ là hàng nghìn khối đất đá ở lưng chừng núi đó, nếu có trận mưa lớn thì nguy cơ đổ ụp xuống gần 30 nhà dân ở chân núi là rất cao. Lo chỉ để mà lo thôi chứ làm được gì”.

Vùng biên khốn đốn vì quặng sắt
Đã xuất hiện những đường nứt lớn tại bãi đất thải khổng lồ của Công ty XD-PT nông thôn 171 trên núi Mắt Kiến - nơi cách chân núi gần 500m có hơn 30 hộ dân sinh sống

Cái lo của hàng chục hộ dân bản Lắm là có cơ sở, vì cách đây 2 năm, khi việc khai thác quặng sắt ở đây mới ở dạng khai thác thổ phỉ, khối lượng đất đá thải ra không lớn nhưng chỉ một trận mưa lớn, nước kéo theo đất đá đã cuốn phăng mấy căn nhà và làm bà Lương Thị Thời bị thương nặng. Đứng trên bãi đất thải khổng lồ ở lưng chừng núi với những vết nứt toác chúng tôi cũng không dám mường tượng ra nếu nỗi lo lắng của người dân sẽ trở thành hiện thực. Đáng lo ngại hơn là dưới điểm khai thác quặng sắt của Công ty xây dựng và phát triển nông thôn 171 hơn 500m là Trường tiểu học Tri Lễ 1, phân hiệu bản Lắm, nơi có đến gần 320 em học sinh đang theo học.

Các đơn vị khai thác có nhiều vi phạm

Tháng 4/2011, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An (PC 49) đã có một cuộc kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản tại xã Tri Lễ. Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện nhiều vi phạm tại 4 công ty khai thác quặng sắt trên địa bàn.

Vùng biên khốn đốn vì quặng sắt
Ông Lô Văn Tuấn - trưởng bản Lắm: "Lo thì lo thế thôi chứ kêu mãi cũng không được"

Xưởng chế biến của Công ty CP Lâm Lệ Phong nằm bên taluy dương của đường giao thông, gây nguy cơ sạt lở lấp đường khi mùa mưa tới. Bên cạnh đó, Công ty này chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường năm 2011, 2012; quan trắc định kỳ năm 2010, 2011; chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý về thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại xưởng chế biến; chưa ký cam kết bảo vệ môi trường tại xưởng nghiền tuyển quặng; chưa kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, kê khai lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, chưa có giấy phép khai thác nước mặt, xả nước thải vào nguồn nước.

Các Công ty xây dựng và phát triển nông thôn 171, Công ty TNHH xây lắp tổng hợp Miền Trung và Công ty TNHH Ngọc Sáng cũng bị nhắc nhở với những lỗi tương tự. Ngoài ra, Công ty TNHH Ngọc Sáng còn nợ thuế, chưa san lấp đất khai thác vùng mỏ. Công ty TNHH xây lắp tổng hợp Miền Trung đổ chất thải công nghiệp thuộc loại độc hại vào khu vực xây dựng nhà điều hành, khu vườn ươm của Công ty CP thực phẩm Nghệ An - Nafood. 

Vùng biên khốn đốn vì quặng sắt
Công ty XD-PT nông thôn 171 vẫn ngang nhiên xây dựng xưởng tuyển quặng trong Khu kinh tế mới Minh Châu
Vùng biên khốn đốn vì quặng sắt
Nơi tinh chế quặng sắt vô tư xả thải nước ra ngoài môi trường gây ô nhiễm kinh hoàng. (Ảnh: Lany)

Công ty XD-PT nông thôn 171 chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi đất rừng và đất lâm nghiệp sang khai thác quặng sắt. Đoàn công tác cũng yêu cầu công ty này phải chuyển và hoàn thổ khu vực chế biến của công ty, trả lại mặt bằng cho diện tích đất thuộc dự án Khu kinh tế mới Minh Châu. Thế nhưng, những gì chúng tôi chứng kiến vào chiều ngày 8/5 thì dường như những kiến nghị của ngành chức năng không tồn tại ở đây. Máy móc của công ty này vẫn đào xới khu kinh tế mới Minh Châu, dọn đường cho sự ra đời của một xưởng tuyển chọn quặng sắt ngay trong khu kinh tế và ngay trên nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lữ Đình Thi - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, vừa qua huyện đã tổ chức 2 cuộc họp với 4 đơn vị khai thác kể trên, yêu cầu phải khắc phục những vi phạm của mình và ngừng khai thác tuy nhiên Công ty TNHH xây lắp tổng hợp Miền Trung và Công ty XD-PT nông thôn 171 vẫn khai thác lén lút. “Sắp tới, UBND huyện sẽ phối hợp với HĐND kiểm tra, giám sát tình hình khai thác và đảm bảo môi trường của các công ty này. Nếu các công ty không khắc phục chúng tôi sẽ đề nghị ngừng cấp phép khai tác bởi với cách khai thác như hiện nay thì nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét và ảnh hưởng đến các công trình hồ đập, do đó các ngành chức năng cần xem xét lại quy tình khai thác hoặc cho đóng cửa mỏ. Cần tổ chức tái định cư cho người dân sống trong vùng nguy cơ bị sạt lở, tránh để xảy ra tình trạng như ở mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên). Chúng tôi cũng kiến nghị với Sở TN-MT thường xuyên tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác tại các mỏ. Nếu cảm thấy không đảm bảo được an toàn thì cũng cần xem xét dừng cấp phép khai thác”, ông Lữ Đình Thi cho hay.
 
Thượng tá Nguyễn Viết Nhi - Trưởng phòng CSMT Nghệ An - thì trao đổi: “Sau khi nhận được phản ánh của người dân chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra. Qua kiểm tra thì tất cả các công ty trên đầu có đầy đủ thủ tục giấy tờ. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường mà các công ty này gây ra cũng có và chúng tôi đã tiến hành phạt hành chính hơn 40 triệu đồng đối với 4 công ty trên vì vi phạm không cam kết bảo vệ môi trường. Đồng thời yêu cầu các công ty này khắc phục hậu quả, đảm bảo môi trường cho người dân nơi đây”.

Hoàng Lam - Lany