1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vua Trần Nhân Tông - “Quốc bảo nhân gian”

(Dân trí) - Ngày 26/11, lần đầu tiên tại Việt Nam, một hội thảo khoa học về Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông được tổ chức tại Quảng Ninh. Nhiều ý kiến đề nghị làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Ngài là danh nhân văn hóa thế giới.

Gần 3000 quan khách, phật tử, trong đó có hơn 200 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu đến từ khắp trong và ngoài nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan) tham gia hội thảo với 92 tham luận.

 

Các tham luận bàn về 3 chủ đề lớn: Trần Nhân Tông - con người và thời đại; Vua Trần Nhân Tông - anh hùng dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Di sản tư tưởng và văn hóa của thời đại nhà Trần, Vua - Phật Trần Nhân Tông.

 

Trao đổi với PV Dân trí tại hội thảo, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho biết: “Vua phật hoàng Trần Nhân tông không chỉ là một vị vua anh minh mà còn là một thiền sư đắc đạo. Người đã gây dựng Thiền phái trúc lâm Yên Tử làm huy hoàng nền phật giáo Việt Nam. Đồng thời Ngài cũng là một nhà văn hóa kiệt xuất, người đã để lại cho nhân dân ta những thành quả to lớn mang tính kế thừa lịch sử văn hóa dân tộc”.

 

Hòa thượng Yoshimizu Daichi (Kiết Thủy Đại Chí), trụ trì Nhật Tân Cốc (Nhật Bản) phát biểu : “Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy rõ ràng chỉ có Vua Trần Nhân Tông, một vị vua anh minh, sáng suốt, hiền từ đã ẩn tu trên Yên Tử và trở thành vị tổ sư Thiền Trúc Lâm, mang bản sắc dân tốc Việt Nam thuần túy. Đây phải chăng là điểm tương đồng giữa Vua Trần Nhân Tông và Pháp Nhiên (người sáng lập Phật giáo Tịnh độ tông, Nhật Bản). Hai vị là quốc bảo nhân gian, đã cống hiến rất nhiều cho nhân loại nói chung và cho Phật giáo nói riêng”.

 

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TW Giáo hội Phật giáo VN: “Đây là hội thảo khoa học đầu tiên về một vị vua cấp Quốc gia được nhà nước đồng ý kết hợp với Giáo hội tổ chức với quy mô lớn. Với Vua phật Trần Nhân Tông, lịch sử đã từng ghi nhận người với 2 lần chiến thắng quân nguyên mông rạng danh dân tộc Việt. Ngoài ra, với tư cách là một Thiền sư, công lao lớn của người là đã tập hợp được nhiều thiền phái Việt Nam có từ trước. Người còn dung hòa hợp, thống nhất phật giáo cả nước lấy non Yên Tử làm trung tâm bản sắc phật giáo riêng của Việt Nam”.

 

Trong hội thảo, đã có nhiều ý kiến đề nghị nhà nước xem xét công nhận Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông là danh nhân văn hóa quốc gia, làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Ngài là danh nhân văn hóa thế giới.

 

Hội thảo khoa học trên là một trong những hoạt động của Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn.

 

Nguyên Cường