1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ “xẻ thịt” đất dự án ở Hà Nội: “Quan” sai, dân chịu?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Hàng chục hộ dân mua ki-ốt từ UBND xã đã phải trả lại mặt bằng để cải tạo, mở rộng đường quốc lộ với “giá bèo”, vì nơi họ sinh sống hơn 25 năm là đất lưu không đường quốc lộ, cấm xây dựng.

Như Dân trí đã phản ánh, sau khi được UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) “nhường” dự án trên diện tích 6.000m2, UBND xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn) đã xây dựng Luận chứng kinh tế - kỹ thuật rồi thực hiện Khu trung tâm thương nghiệp dịch vụ (Dự án).

Vụ “xẻ thịt” đất dự án ở Hà Nội: “Quan” sai, dân chịu? - 1

Chỉ đến khi Thanh tra TP Hà Nội vào cuộc, những sai phạm trong việc thực hiện, đầu tư và quản lý Dự án mới được phát hiện (Ảnh: Nguyễn Trường).

Thanh tra vào cuộc, sai phạm “phát lộ”

Quá trình thực hiện, thay vì xây dựng Dự án theo chỉ giới cách mép đường quốc lộ 6A là 20m như ban đầu thì UBND xã Ngọc Sơn lại đề nghị và được UBND huyện Chương Mỹ đồng ý, cho xây dựng “theo chỉ giới cách tim đường 20m”, “đè” lên 1.000m2 đất lưu không đường quốc lộ cấm xây dựng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Văn Sản (ở Khu dân cư Ninh Kiều, thị trấn Chúc Sơn) cho biết, đã hơn 9 tháng trôi qua, kể từ khi nhận quyết định thu hồi đất, gia đình vẫn đang “mỗi người 1 nơi”.

Trước đó, gian ki-ốt (sau xây dựng thêm các tầng) đang có 3 thế hệ 9 nhân khẩu sinh sống đã bàn giao cho chính quyền sở tại để phục vụ Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng và chỉnh trang 2,3 km quốc lộ 6.

“Năm 2018, khi chính quyền sở tại thông báo thu hồi đất, đền bù để giải phóng mặt bằng, tôi thấy nhà mình gần như mất tất. Trong khi đó, nơi này được chính quyền xã bán cho từ mấy chục năm trước nên nhiều hộ dân đã gửi đơn kiến nghị thanh tra thành phố vào cuộc rồi hàng loạt sai phạm bị phát hiện” - ông Sản nói.

Theo ghi nhận, hiện tại ở vị trí Khu dân cư Ninh Kiều, phía mặt đường quốc lộ 6 là dãy nhà bị “cắt gọt” nham nhở, gần như không có người sinh sống. Bên trong là 2 khu nhà xưởng sản xuất, trong đó 1 nhà xưởng được tập kết máy móc, vật liệu…

Vụ “xẻ thịt” đất dự án ở Hà Nội: “Quan” sai, dân chịu? - 2

Nhiều hộ gia đình ở mặt đường quốc lộ 6 chưa thể xây dựng lại nhà cửa vì phải đợi chuyển đổi mục đích sử dụng đất (Ảnh: Nguyễn Trường).

Qua tìm hiểu, hiện 5000m2 còn lại của Dự án để xây dựng án gồm 2 khu nhà xưởng khoảng 2.300m2 (được UBND huyện Chương Mỹ cho doanh nghiệp thuê thời hạn 50 năm); dãy nhà phía sau trên diện tích hơn 2.400m2, và 267m2 nằm giữa dãy ki-ốt và nhà xưởng (được UBND xã Ngọc Sơn bán)…

Mặc dù khu đất này có vị trí “đắc địa”, nằm bên đường quốc lộ và cách trung tâm hành chính thị trấn khoảng 1km nhưng giá bồi thường theo quy định đối với người dân chỉ gần 6,5 triệu/ m2.

“Hiện tôi không thể được cấp giấy phép xây dựng để làm nhà cửa. Ở thời điểm thu hồi, giá thị trường ở nơi này rơi vào khoảng 65 triệu/ m2.

Tôi cũng như tất cả các hộ dân khác, là “nạn nhân” khi mua đất từ xã Ngọc Sơn có mong muốn chính quyền sớm có phương án xử lý thỏa đáng, tạo điều kiện để người dân sinh sống ổn định” - ông Sản bày tỏ.

Đợi quy hoạch sử dụng đất để xử lý dứt điểm mọi tồn tại

Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, việc các gian ki-ốt (diện tích gần 22m2) được chính quyền sở tại bán cho người dân nhưng sau đó bị “biến” thành nhà ở kiên cố là do UBND xã Ngọc Sơn không lập hồ sơ xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Cụ thể, trong quá trình sử dụng ki-ốt, các hộ đã lấn chiếm ra phía trước (phần hành lang giao thông quốc lộ 6).

Đối với phần diện tích phía sau ki-ốt, từ năm 2002-2007, UBND xã Ngọc Sơn đã thu tiền để hợp thức hóa 267m2 cho 18 trường hợp, với tổng số tiền thu được là hơn 268 triệu đồng, không hạch toán qua ngân sách…

Vụ “xẻ thịt” đất dự án ở Hà Nội: “Quan” sai, dân chịu? - 3

UBND huyện Chương Mỹ đang đợi quy hoạch sử dụng đất từ 2021- 2030 để xử lý dứt điểm mọi tồn tại đối với Dự án (Ảnh: Nguyễn Trường).

Liên quan đến việc chưa cho phép người dân xây dựng nhà cửa, đại diện UBND thị trấn Chúc Sơn cho biết, việc này đang “vướng” vì 5.000m2 đất của Dự án là đất chuyên dùng (loại đất thương mại dịch vụ).

Bên cạnh đó, quy định tại Điều 23 Nghị định 24/2014/NĐ-CP “khi giao đất không đúng thẩm quyền cho người dân nhưng sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993 và không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch thì được quyền cấp sổ đỏ” cũng chưa thể áp dụng trong vụ việc này.

“Vì đất nơi này chưa được chuyển đổi nên toàn bộ nơi này không được xem xét cấp sổ đỏ. Sau này được thành phố chấp thuận, đổi từ đất chuyên dùng sang đất ở thì mới được xem xét cấp sổ. Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan mới có thể cấp giấy phép xây dựng cho các hộ dân” - vị này lý giải.

Mới đây, trong báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về kết quả tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, UBND huyện Chương Mỹ cho biết, đối với diện tích 5.000m2 đất của Dự án, các cơ quan có liên quan đã đo đạc, hoàn thiện hồ sơ, công khai bản đồ địa chính… gửi kết quả đo đạc cho các hộ ký tên.

Sau khi có kết quả đo đạc, Bản đồ địa chính được cơ quan có thẩm quyền phê duyêt, địa phương này sẽ tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất của các hộ, đối chiếu với quy hoạch chung của thị trấn Chúc Sơn đến năm 2030, tỷ lệ 1/5000 được UBND TP phê duyệt để cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Chương Mỹ sẽ tiến hành lập phương án xử lý tồn tại về đất đai theo quy định.