1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thừa Thiên Huế:

Vụ xe rước dâu gặp nạn thảm khốc: Chủ xe bất ngờ vì xe chưa được sang tên

(Dân trí) - Trưa 31/7, PV Dân trí đã trao đổi với ông Phạm B.C. (SN 1969, trú thôn Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) - người đứng tên chủ sở hữu chiếc xe rước dâu gặp nạn làm 13 người chết thảm khốc.

Theo ông C., chiếc xe khách BKS 75B-000.52 được ông mua năm 2010 từ một người ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó, ông đưa xe về Huế làm thủ tục sang tên đổi chủ và đổi biển số xe. Ông dùng chiếc xe này để chạy xe ở hợp tác xã vận tải Thành Công thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vào năm 2016, ông C. bán lại chiếc xe cho anh Lê Ngọc Cường (cùng trú xã Phong Bình, huyện Phong Điền) với giá 228 triệu đồng. Lúc bán xe, ông C. và anh Cường đã làm giấy tờ mua bán với sự xác nhận địa phương. Trong giấy tờ mua bán ghi rõ từ ngày 21/7/2016, quyền sở hữu chiếc xe 75B-000.52 là của anh Lê Ngọc Cường, giấy có chứng thực của Chủ tịch UBND xã Phong Bình.

Sau khi bán xe, ông C. đã nhiều lần nhắc anh Cường làm thủ tục sang tên đổi chủ sở hữu tài sản chiếc xe. Lần gần nhất khi ông hỏi thì anh Cường nói đã sang tên. Chiếc xe từ đó được đổi màu sơn từ bạc sang trắng.


Xe rước dâu 16 chỗ BKS 75B-000.52 vẫn đứng tên sở hữu ông Phạm B.C., trong khi đó người lái và người mua xe này là tài xế đã tử vong Lê Ngọc Cường.

Xe rước dâu 16 chỗ BKS 75B-000.52 vẫn đứng tên sở hữu ông Phạm B.C., trong khi đó người lái và người mua xe này là tài xế đã tử vong Lê Ngọc Cường.

Theo ông C., anh Cường trước đây làm nghề lái xe thuê. Sau khi làm ăn có tiền, anh dồn tiền để mua chiếc xe nhằm ra riêng làm ăn.

Sau khi nghe tin anh Cường gây ra vụ tai nạn thảm khốc làm chính anh và 12 người khác trong đoàn rước dâu tử vong, ông C. bủn rủn chân tay.

Cơ quan công an đã nhiều lần liên lạc với ông C. để hỏi ông với tư cách là người sở hữu chiếc xe và ông C. cũng đã trình báo như trên.

“Tôi nghĩ Cường đã làm thủ tục sang tên, do người đứng tên chủ xe thì mới đăng ký đổi màu sơn được. Còn nếu còn tên tôi sở hữu thì phải chính tôi trực tiếp đăng ký xin đổi màu sơn xe thì mới được cơ quan chức năng cho phép” – ông C. nói.

Được biết ông C. và nhà anh Cường nhà chỉ cách nhau 300 mét và đều kinh doanh chạy xe. Theo ông, anh Cường là người rất hiền lành và cẩn thận. Ông cho rằng do anh Cường cố gắng làm việc chăm lo cho gia đình nên dẫn đến quá sức, trước khi xảy ra tai nạn anh đã chạy xe từ sáng 29/7 đến tối, sau đó lại thức trắng đêm chạy xe chở đoàn rước dâu, nên có thể đã buồn ngủ lạc tay lái gây tai nạn.

Đại Dương