Vụ xăng pha nước lã: Không còn bằng chứng để kiểm nghiệm!
(Dân trí) - Chiều 8/10, ông Nguyễn Văn Tấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Gia Lai, cho biết, sau khi nhận được thông tin doanh nghiệp Mạnh Tiến bán xăng pha nước lã, đoàn kiểm tra đến lấy mẫu nhưng không thu được bất kì một mẫu xăng nào làm bằng chứng.
Khoảng 16h30’ ngày 5/10, đoàn kiểm tra liên ngành nhận được thông tin của quần chúng về việc doanh nghiệp tư nhân Mạnh Tiến (nằm trên QL14, thuộc phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai) bán xăng pha nước lã khiến nhiều xe máy và ô tô bị tắt máy. Lúc này, đoàn đang làm việc tại huyện Đăk Pơ (Gia Lai) liền tức tốc về TP Pleiku, nhưng khi đến cây xăng thì hiện trường đã vắng người. Kiểm tra thì thấy doanh nghiệp này đã cho hút sạch số xăng dưới bồn đi nơi khác. Bởi vậy đoàn kiểm tra không thu được bất kỳ một mẫu xăng nào để làm bằng chứng.
Ngày 8/10, chủ doanh nghiệp Mạnh Tiến là ông Võ Tá Linh đã làm việc với phòng chức năng của Chi cục. Đến cuối buổi làm việc, ông Linh vẫn chưa giải trình được số lượng hơn 4.000 lít xăng A92 có lẫn nước đã được doanh nghiệp này đưa đi đâu và làm gì? Chính vì vậy, Chi cục Quản lý thị trường vẫn chưa có cơ sở kết luận và đề ra mức xử phạt vi phạm đối với doanh nghiệp này.
Vì vậy, để đề phòng việc ông Linh sau khi chở số xăng đi đâu đó một thời gian sẽ lại đưa về nhập hầm bán cho khách, QLTT đã yêu cầu ông Linh làm bản cam kết không được bán số xăng trên ra thị trường. Nếu người tiêu dùng tiếp tục tố cáo sự việc tương tự hay cơ quan chức năng phát hiện quả tang, ông Linh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Trước đó vào ngày 27/9, Tổ kiểm tra liên ngành gồm: Quản lí thị trường và Đội cảnh sát kinh tế công an quận Bình Thạnh đã tiến hành niêm phong toàn bộ trụ bơm, bồn chứa của cây xăng Lan Anh, đồng thời lấy 7 mẫu xăng (4 mẫu từ các bồn chứa, 3 mẫu từ các xe máy của người dân) gửi đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 phân tích.
Kết quả phân tích của 7 mẫu xăng này cho thấy, trong xăng đều phát hiện có methanol và nước. Cụ thể; hàm lượng methanol cao nhất trong mẫu xăng lấy từ bồn là 0,52mg/kg và thấp nhất là 0,26mg/kg. Trong mẫu xăng lấy từ xe máy của các khách hàng đổ xăng tại cây xăng Lan Anh, hàm lượng methanol cao nhất là 2,74mg/kg và thấp nhất là 2,72mg/kg. Hàm lượng nước trong mẫu xăng lấy từ các bồn chứa, cao nhất là 376mg/kg và thấp nhất là 126mg/kg; hàm lượng nước trong các mẫu xăng lấy từ xe máy của khách cao nhất là 1.616mg/kg, thấp nhất là 1.275mg/kg.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, kết quả xét nghiệm các mẫu xăng lấy từ xe máy chỉ mang tính chất tham khảo vì các xe máy thường đổ xăng ở những cây xăng khác. Khi vào cây xăng Lan Anh đổ thêm thì trong bình vẫn còn xăng cũ.
Liên quan đến việc hàng trăm xe chết máy sau khi đổ xăng tại cây xăng Lan Anh vào chiều 26/9, theo ông Trần Văn Bình - cửa hàng trưởng cây xăng Lan Anh - khoảng 15h30 cùng ngày ông về đến cây xăng Lan Anh, lúc này trời mưa khá lớn nên nhiều khả năng nước đã tràn vào bồn gây ra hiện tượng xăng nhiễm nước.
Theo lời lý giải này, Công an quận Bình Thạnh đã gửi công văn đề nghị Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM hỗ trợ kiểm tra kỹ thuật, an toàn của bồn chứa xăng.
Đến sáng 9/10, Sở Khoa học - Công nghệ đã tiến hành giám định kỹ thuật và kiểm tra chi tiết các bồn chứa xăng. Đến 11h30 trưa cùng ngày, đơn vị này cùng Cảnh sát kinh tế và Quản lý thị trường (quận Bình Thạnh) tiến hành họp tại văn phòng của cây xăng Lan Anh.
Thiên Thư - Trung Kiên - Thảo Trần