1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ Vinashin: Đề nghị chuyển bảy vụ việc sang Bộ Công an

Vinashin sụp đổ không phải do khủng hoảng kinh tế mà do yếu kém trong quản lý và kiểm toán không chính xác.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản chính thức truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kết quả cuộc thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (VNS). Thủ tướng đã đồng ý với toàn bộ kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, ngoài việc yêu cầu Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mà Thanh tra Chính phủ phát hiện, Thủ tướng còn yêu cầu các bộ, ngành liên quan kiến nghị hướng khắc phục…
 
Vụ Vinashin: Đề nghị chuyển bảy vụ việc sang Bộ Công an - 1

 

Vi phạm hợp đồng trong nước lẫn nước ngoài

 

Theo kết luận thanh tra ký phát hành ngày 20/4, cuộc thanh tra này chỉ giới hạn trong phạm vi công ty mẹ (VNS) và 19 đơn vị thành viên (quy mô VNS đến giữa năm 2010 là 286 công ty con). Tuy nhiên, trong phạm vi này, thanh tra đã mổ xẻ một số nguyên nhân sụp đổ của VNS, những sai lệch về kiểm toán…

 

Trước hết, sụp đổ của VNS không thể đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thực tế là từ cuối năm 2007, VNS đã không đủ năng lực về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ quản lý cũng như tiềm lực tài chính để thực hiện các hợp đồng đã giao kết với khách hàng. Nhiều hợp đồng đóng tàu bị hủy không phải do tác động của khủng hoảng kinh tế. Có những hợp đồng khách hàng đã nhân nhượng, chấp thuận gia hạn nhưng VNS vẫn không hoàn thành. VNS đã vi phạm hợp đồng với nhiều khách hàng trong và ngoài nước, phải chấp nhận trả lãi tiền cọc, phạt vi phạm trên 1.000 tỉ đồng.

 

Kế đến, từ cuối năm 2005 đến nay, VNS được ưu ái một lượng vốn cực lớn gồm hơn 1 tỉ USD vay lại từ nguồn trái phiếu quốc tế của Chính phủ, 600 triệu USD từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và rất nhiều khoản vay, huy động bằng các hình thức khác nhau từ các ngân hàng thương mại trong nước (chủ yếu là ngân hàng thương mại nhà nước). Tính đến giữa năm 2010, tổng giá trị vay ngắn hạn, dài hạn quy ra tiền Việt là hơn 72.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, với các khoản vay của tổ chức tín dụng trong nước, việc cho vay chưa tuân thủ pháp luật. Khi cho vay không coi trọng việc thẩm định, kiểm soát sử dụng vốn, thậm chí có biểu hiện quá tin tưởng vào vị thế và sự quan tâm của Nhà nước với VNS.

  

Vay vốn dễ nhưng quản lý, sử dụng vốn vay tại VNS lại vô cùng lỏng lẻo. Trong thời gian ngắn (chủ yếu là hai năm 2007-2008), VNS đã thành lập, tiếp nhận thêm hơn 200 doanh nghiệp. Nhiều trường hợp không xuất phát từ ngành nghề chính mà lại nhảy sang đầu tư, xây dựng, kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu thiết bị. Nhiều công ty thành lập ra nhưng không hoạt động hoặc thua lỗ kéo dài.

 

Nhiều dự án đầu tư ở các đơn vị thành viên mới chỉ là ý tưởng nhưng VNS đã đưa vào đề án để xin vay. Vay được tiền, VNS tùy tiện mở rộng danh mục các dự án được bố trí vốn, gây dàn trải trong đầu tư. Đến giữa năm 2010, đa số dự án sử dụng vốn từ trái phiếu quốc tế đều ở tình trạng dở dang, không có vốn đề hoàn thành, rất khó hoàn vốn và trả nợ.

 

Kiểm toán chưa chính xác

 

Thực chất hoạt động sản xuất kinh doanh của VNS là dựa hoàn toàn vào vốn vay, với mức huy động gấp hơn 11 lần vốn chủ sở hữu. Nhưng việc đầu tư lại dàn trải, hiệu quả thấp, nên từ năm 2009, nhiều khoản nợ phải trả luôn trong tình trạng quá hạn, phải vay khoản nọ để trả nợ cho khoản kia.

 

Thanh tra Chính phủ đánh giá: Tình hình tài chính của VNS mất cân đối nghiêm trọng, “ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước, ảnh hưởng đến tín nhiệm của Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế”“nếu không có hỗ trợ của Chính phủ thì tất yếu phải tuyên bố phá sản, hậu quả nặng nề trên nhiều phương diện, nhất là chính trị-xã hội”.

 

Cạnh đó, các báo cáo tài chính hợp nhất đến hết năm 2009 của VNS cũng như kết quả kiểm toán của Hãng Kiểm toán quốc tế KPMG chưa phản ánh chính xác về tình trạng VNS. Dù Thanh tra Chính phủ chưa thanh tra được tất cả VNS và các công ty con, tuy nhiên chỉ qua một góc cơ bản, kết quả cho thấy tổng tài sản và nguồn vốn của VNS không phải là hơn 102.500 tỉ đồng như tự báo cáo, mà là 92.500 tỉ sau khi đối trừ công nợ nội bộ.

 

Về nợ phải trả đến hết năm 2009 là hơn 96.700 tỉ đồng, lớn hơn số báo cáo của VNS hơn 11.000 tỉ đồng và cao hơn số nợ đã qua kiểm toán 71 tỉ. Nếu ghi nhận kết quả đối chiếu nợ nội bộ tập đoàn thì số nợ phải trả còn hơn 86.700 tỉ đồng.

 

Đáng chú ý, kiểm toán kết luận năm 2009 VNS lỗ hơn 1.680 tỉ đồng nhưng Thanh tra Chính phủ cho rằng thực chất lỗ lũy kế phải lên tới hơn 4.980 tỉ. Đó là chưa kể khả năng lỗ tiềm tàng hơn 8.510 tỉ đồng nữa từ chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của những hợp đồng đóng tàu đã bị hủy, chênh lệch các khoản phải thu nội bộ mà tới giờ không xác định được đối tượng phải thu, tiền trả lãi đặt cọc, phạt vi phạm hợp đồng.

 

Thanh tra Chính phủ kết luận: Đến hết năm 2009, VNS không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỉ đồng vốn điều lệ Nhà nước cấp.

 

Nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm

 

Kết luận thanh tra đề nghị chuyển bảy vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Bộ Công an để điều tra, xử lý gồm:

 

+ Dùng 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế để mua nợ của Ngân hàng Đầu tư Phát triển BIDV.

 

+ Không phạt nhà thầu nước ngoài vi phạm hợp đồng tại dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất và nộp thay tiền thuế cho nhà thầu ngoại, thiệt hại 59 tỉ đồng.

 

+ Dấu hiệu tham nhũng trong vụ chuyển nhượng cổ phiếu Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank).

 

+ Cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty CP Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Anh.

 

+ Sử dụng vốn vay 300 tỉ đồng sai mục đích, có khả năng mất vốn tại Công ty CP Đầu tư Cửu Long.

 

+ Làm trái, gây thất thoát lớn tại dự án KCN tàu thủy Lai Vu.

 

+ Hàng loạt sai phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng tại Công ty TNHH MTV Cái Lân.

 

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an thụ lý, thu thập chứng cứ thêm bốn vụ việc có dấu hiệu hình sự: Cố ý làm trái, gây thiệt hại trong hợp đồng tư vấn dự án mua tàu Enegry của Công ty Vận tải Biển Đông; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng khi tiếp nhận Công ty Vật tư Tổng hợp Yên Bái; che giấu, biển thủ 318 tỉ đồng trong việc mua cổ phần của Công ty Đầu tư và Vận tải dầu khí; cố ý làm trái trong việc sử dùng gần 1.000 tỉ đồng vốn đầu tư tại Nhà máy đóng tàu Bến Thủy.

 

Theo Nghĩa Nhân

 Pháp luật TPHCM