1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vũ trường: Nằm đợi ... yên

Dân chơi trong giai đoạn hiện nay ngại lên sàn, vì chỉ cần nghe tiếng nhạc mạnh mà không "cắn" thuốc thì không chịu nổi, mà "cắn thuốc" trong lúc này thì quá mạo hiểm. "Ngứa cánh", " dân bay" Hà Nội chuyển địa điểm lắc về những vùng ven đô, ngoại thành hay đi tận Hà Tây, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh...

"Lặn"

 

Tuy nằm khá cách biệt, ẩn mình hẳn ngoài đê sông Hồng nhưng vũ trường H.A.U (Hà Nội) thường vẫn thu hút một lượng lớn dân chơi tụ tập hàng đêm. Song, ngay sau vụ vũ trường New Century bị đóng cửa, vũ trường H.A.U trưng ngay tấm biển mica trên cầu thang ra vào quán với dòng chữ nguệch ngoạc "Tạm nghỉ" và không thấy đề ngày mở cửa trở lại.

 

Có phần "nổi tiếng" hơn H.A.U là vũ trường Apocalypse (phố Đông Tác), nơi tập trung khá nhiều khách Tây và dân "đồng tính", cũng "tạm nghỉ để sửa chữa". Một nhân viên bảo vệ cho biết: "New sập thì Apo cũng nghỉ".

 

Hơn nửa tháng sau "New", các vũ trường lớn vẫn còn "nằm im nghe ngóng tình hình" thì các quán bar, vũ trường nhỏ đã rục rịch mở cửa trở lại. Sớm nhất là bar Rice (phố Bùi Thị Xuân), khi cả Hà Nội tìm "đỏ mắt" không thấy một vũ trường nào mở thì Rice trở thành độc tôn, hút hết "dân chơi", mặc dù quán này khá chật, hầu như không nhảy nhót được.

 

Nhưng dù quán có đông đến mấy, cứ đến gần 12h đêm thì chủ quán vẫn phải tiễn khách bởi ngoài cửa, công an phường đang "đứng chờ". T-pub (tiền thân là Toilet pub trên phố Trần Nhật Duật) đang là một trong những bar "hot" nhất Hà Nội với 8X, 9X, thường cuối tuần, khách muốn có chỗ để... đứng thì cũng phải đặt bàn trước, giờ đây khoá cửa im ỉm. Theo một nhân viên bàn, phải đến đầu tuần tới quán mới mở cửa trở lại.

 

Hiện các bar như Funky Monkey (phố Đường Thành), X5 (đường Nguyễn Trãi), Barracuda (ngoài đê sông Hồng)... đã mở cửa trở lại nhưng lượng khách không đông lắm. Ngay cả đến các quán cafe ca nhạc như Hồ Gươm Xanh (phố Lê Thái Tổ), Seventeen (phố Trần Hưng Đạo)... lượng khách cũng giảm đi trông thấy.  Ngay như Hale Club (phố Nguyễn Du) - một bar từng nổi tiếng với màn "dancer nhảy ôm cột" - nay vẫn còn đóng cửa im lìm, không hẹn ngày mở cửa...

 

Cùng "vũ điệu né bão" với các vũ trường, quán bar Hà Nội, đúng 12h đêm hoặc "dây dưa" thêm nửa tiếng, các quán bar vũ trường tiếng tăm nhất tại TPHCM cũng đồng loạt "off" (đóng cửa). Từ Apocalypse ở Thi Sách vốn nổi tiếng chơi hết cỡ đến Lush kín cổng cao tường ít khi nào hạ màn trước 2h sáng cũng đều tắt đèn.

 

Nổi tiếng nhất  như Gossip, cũng "tạm ngưng phục vụ để sửa chữa, nâng cấp nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn". Với dân chơi cần "hàng" bay đêm thì "hàng" vẫn có sẵn phía đối diện bên kia đường. Nhưng thiếu cồn cùng men nhạc khuấy động, những cuộc ngã giá ngoài trời mưa lất phất chẳng mang lại tí cảm xúc nào.

 

Phương Đông những ngày này cũng xìu, "hàng cao cấp" dạt về đây xong chán lại dong taxi về nhà ngủ sớm. MGM, bãi đáp “ngon” nhất sau 0 giờ, nay tắt đèn tối thui, bảo vệ giăng mùng ngủ ngay tiền sảnh.

 

Góc đường, trước là cảnh tượng những tiểu đội tay gas được xếp ngay ngắn, đồng màu đồng chất, cùng hàng dài sáng loáng những xế hộp đời mới nhất, giờ chỉ thấy những người phu quét đường đi làm sớm.

 

"Dạt vòm"

 

Bản thân dân chơi trong giai đoạn hiện nay cũng ngại lên sàn, vì chỉ cần nghe tiếng nhạc mạnh mà không "cắn" thuốc thì không chịu nổi, mà "cắn thuốc" trong lúc này thì quá mạo hiểm. "Ngứa cánh", " dân bay" Hà Nội chuyển địa điểm lắc về những vùng ven đô, ngoại thành hay đi tận Hà Tây, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh...

 

Còn ở TPHCM, nếu như trước đây, vào những quãng các vũ trường nằm trong chiến dịch kiểm tra, dân tình thường "dạt vòm" sang quận khác hay chui vào những quán bar cấp thấp hoặc chui vào khách sạn thuê phòng để lắc thì bây giờ tình hình còn ảm đạm hơn nhiều.

 

Các bar vũ trường hạng "hen suyễn" vùng ven cũng chẳng còn tinh thần mở cửa, dân chơi trong thành dạt ra cũng chẳng còn chỗ trú chân. Mọi cuộc liên lạc đều bằng điện thoại hoặc trên bàn nhậu sau khi rời sớm khỏi vũ trường. Ngã giá xong là dong. Hơi sớm nhưng chẳng còn nơi nào ngoài nhà nghỉ.

 

Song không phải dân "nghiện đêm" nào cũng tìm đến vũ trường, quán bar để "bay" hay tìm "hàng". Phần đông khách đến đây chỉ là để xả "xì trét" sau những giờ làm việc mệt mỏi hoặc gặp gỡ bạn bè.

 

Cuối tuần, đến các nơi vẫn được gọi là tụ điểm ăn chơi này, có thể thấy nhiều khách quen là dân văn phòng, nghệ sĩ (mà nhiều nhất là giới hoạ sĩ và nhạc sĩ), và không ít khách nước ngoài là doanh nhân hay nhà ngoại giao trong những trang phục rất bụi. Với rất nhiều người, đi quán bar, vũ trường đã trở thành một nét "văn hoá sống".

 

Bãi đáp chào đón những kẻ "nghiện đêm" bây giờ chỉ còn quán nhậu. Các bãi đáp sau 0h như trước kia cũng đều đóng cửa. Các quán karaoke by night phòng cách âm gắn loa "khủng" cũng không dám mở đèn.

 

Một loạt quán, từ quận 10 đến Bình Thạnh, từ quận 3 sang Tân Bình (TPHCM) đều từ chối cho khách vào (dù quen mặt) với lý do quen thuộc: "Dạo này rát quá".

 

Khu Tây balô trước đây nhạc tưng bừng từ 23 giờ, đèn đuốc sáng trưng cùng cửa kính trong suốt thì bây giờ những tấm kính đã được che chắn cẩn thận nhưng cũng chẳng dám chơi quá lâu.

 

Các chủ quán cho rằng, tình hình này thường sẽ không quá dài. Sau những đợt kiểm tra, đâu lại vào đấy. Những nơi "tạm ngưng để sửa chữa" sẽ kín và cao cấp hơn hẳn. Đội ngũ bảo vệ sẽ đông và chuyên nghiệp hơn.

 

Theo Việt Cường - Phi Long - Lạc Việt
Lao Động