1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ trẻ sơ sinh bị bắt cóc: Vẫn chưa tìm ra manh mối

Các bệnh viện phụ sản tăng cường kiểm tra, rà soát lại quy trình giao nhận trẻ sơ sinh tại các khoa, phòng.

Sáng 4/11, lãnh đạo BV Phụ sản Trung ương và lực lượng Công an phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã có buổi làm việc với gia đình sản phụ Trần Thị Thơm, ngụ Yên Mỹ, Hưng Yên, người có con bị kẻ lạ mặt bế đi mất vào sáng 3/11 tại bệnh viện.
 
Vụ trẻ sơ sinh bị bắt cóc: Vẫn chưa tìm ra manh mối - 1
Người nhà sản phụ bức xúc, "quây" kín phòng thường trực BV Phụ sản.

Quy trình quản lý, bảo vệ trẻ sơ sinh quá lỏng lẻo

Anh Đặng Văn Thành, em chồng chị Thơm, cho biết vợ chồng chị Thơm hiếm muộn, sau sáu năm chạy chữa rất nhiều nơi mới có thai và sinh được cháu Phạm Văn Trường theo phương pháp mổ đẻ vào đêm 2/11.

Sau khi sinh, chị Thơm và cháu bé được chăm sóc rất cẩn thận. Người thường xuyên túc trực bên hai mẹ con là cô em gái Trần Thị Dịu. Khoảng 10 giờ 30 ngày 3/11, một phụ nữ chừng 30 tuổi mặc áo blouse trắng, đầu đội mũ lưới màu xanh của bệnh viện, đeo thẻ đến hỏi han rồi bảo đưa cháu Trường đi xét nghiệm.

Chị Dịu đòi đi theo nhưng người này bảo người nhà ở lại. Trong khi phòng lấy máu làm xét nghiệm ở hành lang trước nhưng phụ nữ này lại bế cháu bé đi lối hành lang sau nên chị Dịu thấy nghi ngờ. Tuy nhiên, vì thấy “vị bác sĩ” này rất dứt khoát nên chị không dám đi theo nữa. Và rồi cháu Trường bị mất tích luôn từ đó. Thông tin về sự việc lập tức được báo lên lãnh đạo bệnh viện và cơ quan công an.

Theo ông Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, đây là sự việc cực kỳ hi hữu vì từ 50 năm qua kể từ khi thành lập, bệnh viện nơi đây chưa từng xảy ra sự việc nào đáng tiếc như vậy.

Tuy nhiên, nếu đúng như những gì BS Tuyết Lan, Trưởng khoa Sản 2, trình bày tại cuộc họp thì công tác bảo vệ, kiểm soát, giữ gìn an ninh tại bệnh viện này quá lỏng lẻo. Theo đó, nếu sinh thường, sau vài tiếng, các bé được trả lại với mẹ, còn sinh mổ, sau hai ngày làm đủ xét nghiệm, bé mới được về với mẹ. Trong khoảng thời gian này, các bé được chăm sóc tại khoa Sơ sinh, có hộ lý, bác sĩ túc trực thường xuyên. Còn khi các bé được đưa xuống giường với mẹ, ngoài thời gian các y bác sĩ, hộ lý đến theo dõi, kiểm tra sức khỏe của hai mẹ con, trách nhiệm trông nom bé phụ thuộc chủ yếu vào người mẹ.

Cũng theo trình bày của BS Lan, các bệnh nhân xuất viện tự do mà chẳng có ai kiểm soát. Ở đây không quy định bệnh nhân khi ra viện xuất trình giấy ra viện nên dù có rất đông bảo vệ nhưng ai ra vào bảo vệ cũng mặc. Anh Nguyễn Văn Đồng, bảo vệ bệnh viện, cho biết: “Việc của chúng tôi là bảo vệ tài sản của bệnh viện chứ chẳng ai quy định phải kiểm tra, giám sát việc xuất viện của bệnh nhân. Mà nếu có muốn cũng rất khó, bởi nhiều gia đình vào đón con, cháu, họ đỗ ô tô vào tận chân cầu thang rồi phóng ra cổng, làm sao mà chúng tôi kiểm tra được…”.

Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Linh, cán bộ Công an phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, sự việc này vô cùng nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự nên Công an phường Hàng Bông đã báo ngay lên Ban Chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm và Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội để khẩn trương điều tra, xác minh. Được biết cơ quan công an đã tiến hành lấy lời khai của toàn bộ kíp trực tại khoa Sản 2 hôm đó. Đồng thời, những lời khai của cánh tài xế taxi và xe ôm quanh khu vực bệnh viện cũng được thu thập.

Họp khẩn, dán thông báo để tăng cường cảnh giác

Trong sáng qua, BS Nguyễn Thị Bạch Nga, Phó Giám đốc BV Hùng Vương (TP.HCM), đã đi đến tận các khoa, phòng của bệnh viện để kiểm tra, rà soát lại các quy trình giao nhận trẻ sơ sinh.

Tương tự, BV Từ Dũ cũng đã có cuộc họp khẩn để thông báo thông tin trên đến các nữ hộ sinh. Ngoài ra, bệnh viện còn dán thông báo ở các khoa, phòng và tăng cường thông báo trên loa của bệnh viện để nhân viên y tế, người nhà và các sản phụ tăng cường cảnh giác.

Theo ghi nhận của PV, tại BV Từ Dũ, các phòng sanh và sau sanh được bố trí trong một khu riêng biệt, có hai cửa ra vào và được quản lý nghiêm ngặt. Khi người nhà sản phụ thăm con phải có thẻ của nhân viên y tế và mỗi người chỉ được vào thăm một lần/ngày.

Học viên và sinh viên thực tập tại khoa đều đeo thẻ và mặc đồng phục riêng. Bà Thái Thị Lệ Thu, Trưởng phòng Điều dưỡng BV Từ Dũ, cho biết: “Không chỉ đến bây giờ chúng tôi mới cảnh giác với những việc bắt cóc trẻ em trong bệnh viện mà từ năm 2004, chúng tôi đã in một cuốn sổ tay thông tin để phát cho mọi người khi đến khám bệnh và sinh con. Trong đó có nội dung cảnh báo tuyệt đối không cho người lạ bế bé ra khỏi phòng, cho dù người đó mặc đồng phục bệnh viện. Khi đưa bé đi khám, xét nghiệm phải có ý kiến của nhân viên phụ trách và gia đình sẽ cùng đi với nhân viên y tế. Ngay cả khi giao trẻ sơ sinh cho sản phụ và gia đình, chúng tôi cũng có trách nhiệm theo dõi trẻ cho đến khi xuất viện.

Quản lý trẻ sơ sinh nghiêm ngặt
 
Tại BV Hùng Vương, Từ Dũ, các bé sau khi sinh sẽ được đánh dấu bằng mực không tẩy xóa được kèm một thẻ ghi rõ tên và năm sinh của bà mẹ để không lẫn lộn các bé sơ sinh với nhau và không giao nhầm cho người khác.
 
Sau khi sản phụ được đẩy ra khỏi phòng sanh, bé sẽ được giao lại cho các bà mẹ chăm sóc. Khi đó người thân vào chăm sóc sản phụ và em bé sẽ được bảo vệ ghi lại chi tiết tên và thăm nuôi đối tượng nào. Trong phòng này lúc nào cũng chỉ có một người thân chăm sóc sản phụ.
 
Nếu sản phụ quá yếu, chưa tỉnh hay vì lý do nào khác phải chuyển viện thì em bé sẽ được chuyển xuống khoa Nhi để chăm sóc. Lúc này chỉ có cha đứa bé mới được nhận lại trẻ nhưng phải xuất trình các giấy tờ như giấy kết hôn, CMND, hộ khẩu… để nhân viên bệnh viện nhận dạng. Việc thăm khám cho mẹ con sản phụ đều được thực hiện ngay tại phòng. Trường hợp phải di chuyển bé, chính người thân sản phụ sẽ bế bé đi chứ không phải là nhân viên bệnh viện.
 
Khi sản phụ xuất viện hoặc bất cứ một trẻ sơ sinh nào ra ngoài bệnh viện đều phải trình giấy xuất viện có chữ ký của bác sĩ thì bảo vệ mới cho ra ngoài.
 
Anh Trần Quang Thiệu, bảo vệ BV Hùng Vương, cho biết: “Khi trẻ sơ sinh xuất viện sẽ được một bảo vệ trên phòng sau sanh báo qua bộ đàm cho các anh em gác cổng biết và kiểm tra giấy xuất viện rồi mới cho ra ngoài. Đối với những trẻ sơ sinh đến khám bệnh, trước khi ra khỏi cổng phải xuất trình sổ khám bệnh. Chúng tôi phải kiểm soát chặt chẽ như vậy để phòng ngừa thất lạc trẻ sơ sinh trong bệnh viện”.
 
Theo Minh Hà - Nam Trân
PL.TPHCM