1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ "tố" giữ bằng cử nhân 30 năm, kiện đòi 23 tỷ đồng: Trường ĐH lên tiếng

Thế Kha

(Dân trí) - Trường Đại học Kinh tế quốc dân sẵn sàng tham gia hòa giải với ông Dương Thế Hảo (Hà Nội) trong quá trình tố tụng sau khi bị kiện đòi bồi thường 23 tỷ đồng vì giữ bằng cử nhân của ông này 30 năm.

Đại diện trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa có phản hồi ngắn gọn về sự việc bị ông Dương Thế Hảo (65 tuổi, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) khởi kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường hơn 23 tỷ đồng do giữ bằng tốt nghiệp đại học và nhiều giấy tờ, hồ sơ gốc của ông Hảo hàng chục năm trời.

"Quan điểm của trường là mọi việc phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Trường tôn trọng quyền được khởi kiện của các cá nhân đối với bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào theo đúng quy định của pháp luật", đại diện trường cho hay.

Vụ tố giữ bằng cử nhân 30 năm, kiện đòi 23 tỷ đồng: Trường ĐH lên tiếng - 1

Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Ảnh: NEU).

Khẳng định "không giữ bằng và giấy tờ gốc của ông Dương Thế Hảo" nhưng vị đại diện trường từ chối trả lời thêm các vấn đề liên quan do sự việc đã trôi qua quá lâu.

Theo vị này, trường Đại học Kinh tế quốc dân sẵn sàng tham gia hòa giải trong quá trình tố tụng phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Sáng 19/3, ông Dương Thế Hảo nói sẵn sàng tham gia hòa giải với nhà trường nhưng phải trên tinh thần thiện chí, đảm bảo quyền lợi hài hòa của cả hai bên.

Dù vậy, theo ông Hảo, đến nay giữa hai bên chưa gặp nhau lần nào ở TAND quận Hai Bà Trưng, nơi giải quyết sự việc.

Vụ tố giữ bằng cử nhân 30 năm, kiện đòi 23 tỷ đồng: Trường ĐH lên tiếng - 2

Ông Dương Thế Hảo trao đổi với phóng viên Dân trí (Ảnh: Thế Kha).

Sự việc hi hữu được Dân trí phản ánh đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Ông Hảo nhập ngũ năm 1977, đến năm 1981 xuất ngũ trở về Hà Nội theo học khóa 26-27 của trường Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 1989, ông hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp với tất cả các môn có kết quả từ đạt trở lên.

Suốt nhiều năm, ông tới trường đề nghị cấp bằng cử nhân và trả lại các giấy tờ tùy thân quan trọng nhưng chỉ nhận được thái độ im lặng.

Năm 2017, lãnh đạo trường Đại học Kinh tế quốc dân có văn bản khẳng định "không tìm thấy hồ sơ cá nhân của ông Dương Thế Hảo", "không tìm thấy tên ông Dương Thế Hảo trong sổ cấp bằng tốt nghiệp đại học". Vì thế, nhà trường "không có đủ cơ sở cấp bằng tốt nghiệp cho ông Hảo".

Ông Hảo khởi kiện Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân ra tòa. Đến năm 2019, nhà trường trao bằng tốt nghiệp đại học và trả các giấy tờ gốc liên quan nên ông rút đơn khởi kiện.

Từ đó tới nay, ông Hảo tiếp tục yêu cầu trường sửa thông tin tốt nghiệp trên bằng cử nhân, từ 1994 về năm 1989 theo đúng thời gian ông học, nhưng chưa được chấp nhận.

Vụ tố giữ bằng cử nhân 30 năm, kiện đòi 23 tỷ đồng: Trường ĐH lên tiếng - 3

Năm 2017, trường Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định "không đủ cơ sở cấp bằng tốt nghiệp cho ông Hảo", "không còn lưu trữ hồ sơ cá nhân của ông Hảo". Đến năm 2019, trường cấp bằng cử nhân cho ông Hảo sau khi bị khởi kiện ra tòa (Ảnh: Thế Kha).

Trong đơn gửi TAND quận Hai Bà Trưng, người đàn ông 65 tuổi còn yêu cầu trường Đại học Kinh tế quốc dân bồi thường trên 23 tỷ đồng do giữ bằng cử nhân 30 năm và nhiều giấy tờ gốc quan trọng, khiến cuộc sống của ông khốn cùng, vất vả suốt bao năm.

"Tôi lấy vợ năm 1991 và có con đầu lòng luôn năm đó, nhưng do không có hộ khẩu, hồ sơ cá nhân bị trường giữ nên chúng tôi không thể đăng ký kết hôn. Con tôi phải đưa về quê để khai sinh. Đứa con thứ hai năm 1998 cũng phải đưa về quê vợ tôi ở Thái Bình để đăng ký khai sinh. Vì khoảng cách địa lý, tôi ở Hà Nội, vợ con ở Thái Bình nên cuối cùng hôn nhân không tồn tại được…", ông Hảo kể với phóng viên Dân trí.

Trả lời câu hỏi về việc có bị kỷ luật hoặc xích mích, gây ra "sự cố" nào trong quá trình học tập để dẫn tới câu chuyện hi hữu như trên, ông Dương Thế Hảo khẳng định "không có mâu thuẫn cá nhân, tập thể nào với nhà trường, sinh viên trong trường".

"Tôi được bầu làm lớp phó phụ trách học tập 6 học kỳ, 5 học kỳ tôi là sinh viên tiên tiến, ngày đó vô cùng hiếm, chứ không phải như bây giờ vì liên quan đến học bổng", ông Hảo nói.