1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ Tiên Lãng: Sử dụng bộ đội cưỡng chế là vượt thẩm quyền

(Dân trí) - “Những người tự ý ra lệnh huy động và sử dụng bộ đội biên phòng, lực lượng quân sự địa phương huyện vào vụ cưỡng chế đã vượt quá thẩm quyền…”, luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ & Pháp luật UBTW MTTQ nhìn nhận.

Trở về sau lần giám sát vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng - Hải Phòng, LS Lê Đức Tiết tiếp tục dành nhiều sự quan tâm tới sự việc này. Báo Dân trí xin giới thiệu bài viết mới của ông về vụ việc tại Tiên Lãng:

Hệ thống pháp luật của quốc gia đòi hỏi phải có sự thống nhất trong lập pháp, lập quy, đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm trong vận dụng. Đó là yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân do dân và vì dân.

Nhưng trong thực tiễn, khó mà tránh khỏi những hiện tượng xung đột pháp luật, chồng chéo, mâu thuẫn trong ban hành pháp luật, những trường hợp hiểu sai, vận dụng sai pháp luật vì những mục đích, động cơ khác nhau. Đối với các nước có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh cũng không tránh khỏi tình trạng này.

Để phân biệt đúng sai trong lập pháp, lập quy, trong hiểu biết vận dụng pháp luật, thường phải áp dụng một số quy tắc sau đây:

1). Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật có hiệu lực cao nhất được lấy làm chuẩn. Nội dung luật không được trái với Hiến Pháp. Văn bản dưới luật (Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ) không được trái với luật. Văn bản của cấp dưới không được trái với cấp trên.

2). Văn bản của cùng một cấp ban hành thì văn bản ban hành sau có giá trị thực hiện kể từ ngày văn bản đó phát sinh hiệu lực pháp lý. Những điều khoản của văn bản cũ trái với văn bản mới ban hành đương nhiên sẽ hết hiệu lực thi hành, cho dù khi ban hành văn bản mới, cơ quan lập pháp, lập quy có liệt kê rõ các điều khoản hết hiệu lực thi hành của văn bản cũ hay không. 

3) Người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Cơ quan, cán bộ viên chức công quyền chỉ được làm những gì do pháp luật quy định. 

Trong bài đăng trên cổng thông tin điện tử huyện, UBND huyện  Tiên Lãng đã giải thích rằng việc thu hồi đất là căn cứ vào Quyết định 497 ngày 6 tháng 10 năm 1993 của UBND Huyện Tiên Lãng, trong đó quy định: … “III. Thời hạn và định mức giao đất: - Diện tích đất cửa sông Thái Bình, Sông Vạn Úc và ven biển giao không quá 30 hecta. .. thời gian giao đất là 10 - 15 năm… Khi hết thời hạn sử dụng đất, chủ sử dụng đất phải bàn giao lại toàn bộ mặt bằng và các công trình phục vụ sản xuất vật kiến trúc, xây dựng trong phạm vi đất được giao cho Nhà nước quản lý và sử dụng. Nhà nước không thanh toán giá trị tài sản còn lại cho chủ sử dụng đất đã hết thời hạn…”

Ngày 14/12/2009, trong thông báo số 408/TB-STP, Sở Tư pháp Hải Phòng đã kết luận: “Các Nghị quyết của HĐND huyện từ 2006-2009 về thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh đều có quy định: “ thu hồi diện tích đất bãi bồi, ven sông ven biển đã hết thời hạn giao cho UBND xã, thị trấn theo quy định của pháp luât.” Các quy định này là không phù hợp với quy định tại khoản 1 điều 67, khoản 10 điều 38 luật đất đai. Theo quy định của các điều viện dẫn nêu trên thì khi hết hạn thuê đất, người sử dụng đất được tiếp tục thuê đất nếu còn sử dụng đất.

Với quyết định số 3756/2008/QĐ/UBND ngày 17/10/2008 do Ông Lê Văn Hiến Chủ tịch UBND ký về việc ban hành quy định quản lý sử dụng đất, mặt nước, bải bồi ven sông ven biển sử dụng vào mục dích nuôi trồng thủy sản, Sở Tư pháp kết luận không phù hợp với điều 80 Luật đất đai. 

Như vậy đúng, sai của các văn bản do HĐND và Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã được Sở Tư Pháp Hải Phòng chỉ ra là trái luật một cách hiển nhiên. Điều 18 Hiến pháp hiện hành quy định: “Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định và lâu dài. Điều 20 Luật đất đai năm 1993 quy định: “…Thời hạn giao đất  sử dụng ổn định lâu dài để trồng cây hàng năm là 20 năm, để trồng cây lâu năm là 50 năm. Khi hết thời hạn, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được giao đất đó để tiếp tục sử dụng…”
 
Vụ Tiên Lãng: Sử dụng bộ đội cưỡng chế là vượt thẩm quyền - 1
Nhiều lực lượng đã được huy động cho buổi cưỡng chế

Chỉ cần nêu ra một số điều luật như đã trích dẫn trên đã cho thấy HĐND và UBND Huyện Tiên Lãng đã ban hành văn bản trái Hiến pháp, trái luật và vượt quá thẩm quyền. Áy vậy mà cho đến nay chính quyền các cấp vẫn khẳng định là văn bản thu hồi đất của họ là đúng pháp luật? Ông Lưu Quang Yên, nguyên Chủ Tịch huyện Tiên Lãng, người ký quyết định ban hành Quyết đinh 497 nêu trên khẳng định rằng: “Ở thời điểm giao đất năm 1993, chúng tôi không biết quy định nào khác (!) ngoài thông tư 05 của Bộ Thủy sản và Tổng cục địa chính (?). Ông Yên nêu ra 5 lý do thu hồi đất: 1) khi giao đất đã có thỏa thuận giao đất không giao hạn mới có bồi thường; 2) Sau 14 năm đã đủ thời gian có lãi; 3) gia đình ông Vươn đã được hưởng lợi từ sự đầu tư của nhà nước trong khu đất; 4) Ông Vươn không phải trả tiền thuê đất. 5) Đây là đất bải bồi ven sông (?) do xã quản lý. Năm điều kiện thu hồi đất do ông Lưu Quang Yên đưa ra không hề được quy định trong các điều 26 và 27 Luật đất đai năm 1993.

Bên cạnh việc thu hồi đất của dân không có căn cứ pháp luật, những người tổ chức việc cưỡng chế đã có sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điều 13 Luật Quốc phòng toàn dân năm 2005 quy định: “…1) Lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ….4) Khi chưa có lệnh của cấp có thẩm quyền, người chỉ huy đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân không được tự ý điều động, sử dụng người, trang bị, vũ khí của đơn vị mình để tiến hành các hoạt động vũ trang không có trong kế hoạch huấn luyện, diễn tập sẳn sàng chiến đấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…” Những người tự ý ra lệnh huy động và sử dụng bộ đội biên phòng, lực lượng quân sự địa phương huyện vào vụ cưỡng chế đã vượt quá thẩm quyền dành cho Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Quốc phòng. Vì nhiều lẽ, để bảo vệ bản chất quân đội cụ Hồ, bảo vệ truyền thống vẻ vang của bao nhiêu tướng lĩnh, chiến sĩ đã ngã xuống chiến trường, không cho phép được lặp lại điều tương tự trong tương lai.

Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Pháp luật là công cụ của viên chức sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ mà Nhà nước, nhân dân giao cho. Giống như người thợ giỏi, viên chức phải sử dụng thông thạo vũ khí pháp luật. Trong nền quản lý hiện đại, còn đòi hỏi công chức sử dụng pháp luật đạt đến trình độ nghệ thuật giống như nhạc cụ trong tay của người nghệ sĩ có tài. Trong vụ việc xấy ra ở Tiên Lãng, các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước cần đặt câu hỏi: Làm gì để nâng cao trình độ hiểu biết, sử dụng pháp luật của Viên chức Nhà nước để nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước? Nhà nước cần làm những gì để tuyển chọn được những viên chức có trình độ hiểu biết và kỷ năng sử dụng pháp luật phù hợp với cương vị trách nhiệm của từng người ? Nhà nước cần dựa vào ai để sớm phát hiện và loại bỏ kịp thời những sâu mọt trong bộ máy quản lý của Nhà nước. Nhà nước nên trưng cầu ý dân về các vấn đề này. Chắc rằng nhân dân cả nước sẽ hăng hái hiến kế cho Đảng và Nhà nước.

LS Lê Đức Tiết