1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ thảm sát 6 người: “Ông bà chủ ra đi, chén cơm của chúng tôi cũng mất”

(Dân trí) - “Gia đình ông Mỹ đã cho chúng tôi công ăn việc làm, đối đãi với công nhân rất đúng mực. Việc ăn học của các con tôi là nhờ họ tạo điều kiện, nay ông bà chủ ra đi, chén cơm của chúng tôi cũng mất” - một công nhân chia sẻ trước cái chết quá bi thảm của ông bà chủ trong vụ 6 người bị giết.

Ông Thạch Sơn (58 tuổi, công nhân tại xưởng gỗ Quốc Anh) kể, hơn 5 năm trước, thấy cuộc sống gia đình ông Sơn quá khó khăn, ông Mỹ đã tạo điều kiện để vợ chồng ông Sơn vào làm việc trong xưởng gỗ. Món nợ ân tình ấy ông Sơn vẫn mang nặng trong lòng bởi “không có ông Mỹ, vợ chồng tôi cùng lũ con nheo nhóc chẳng biết sẽ phải bấu víu vào đâu để sống. Chúng tôi luôn xem vợ chồng ông Mỹ là ân nhân của mình”.

Cơ quan công an truy tìm những dấu vết hung thủ để lại hiện trường (ảnh: Gia Long)
Cơ quan công an truy tìm những dấu vết hung thủ để lại hiện trường (ảnh: Gia Long)

Theo lời ông Sơn, mỗi ngày, cũng như các công nhân khác, ông đến xưởng làm vào lúc 6 giờ 30 phút, mọi người đều đi cổng phía sau căn biệt thự. “Do xưởng nằm cách biệt với nhà ở, hơn nữa tiếng máy xẻ gỗ rất ồn nên không ai biết việc gì đã xảy ra trong nhà. Lúc gần 8 giờ, bà Loan hớt hải chạy lên báo tin, mọi người mới vội vã vào nhà. Đến nơi, tôi kinh hoàng thấy cả gia đình ông Mỹ đã chết. Cạnh thi thể bà Nga là cái túi xách mà hàng ngày bà hay mang theo, nhiều giấy tờ và tiền bạc vương vãi trên sàn nhà”.

Nói về gia đình ông Mỹ, ông Sơn cho biết: “Họ sống rất tình cảm và chan hòa với mọi người. Là chủ cơ sở nhưng vợ chồng ông Mỹ không bao giờ phân biệt chủ tớ. Nhiều lúc rảnh rỗi, ông ấy thường rủ tôi cùng anh em công nhân ngồi nhậu lai rai tâm sự. Ông thường xuyên hỏi gia cảnh của từng người, ai có khó khăn gì đều nhiệt tình giúp đỡ. Chén cơm tụi tôi đang ăn là nhờ họ tạo điều kiện, giờ gia đình họ ra đi cả rồi, chén cơm của tôi cũng mất”.

Một công nhân khác là chị Lê Thị Lệ (35 tuổi) cho hay, khoảng 1 tuần trước, chủ xưởng gỗ có quyết định cho 10 người thợ thôi việc vì lý do những người này nhiều lần làm sai kỹ thuật, đã bị nhắc nhở, cảnh cáo nhưng vẫn tái phạm. Trong số các công nhân bị đuổi việc có người có mức lương hơn 10 triệu đồng mỗi tháng.

Gia đình đau đớn trước sự ra đi cùng lúc của 6 người thân (ảnh: Trung Kiên)
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân (Ảnh: Trung Kiên)

Không chỉ với các công nhân, với những người hàng xóm, vợ chồng ông Mỹ cũng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Ông Nguyễn Văn Việt, Ấp trưởng ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành cho hay: “Họ là những người sống rất tình cảm, sẵn sàng sẻ chia từ vật chất đến tinh thần đối với những người có hoàn cảnh khó khăn và sẵn sàng tham gia các hoạt động cộng đồng. Gia đình ông Mỹ đang hỗ trợ toàn bộ cho ấp xây dựng con đường nội bộ khoảng 500m với số tiền đầu tư gần 1 tỷ đồng. Việc xây dựng đang làm dở dang, họ còn chưa kịp nhìn thấy niềm vui của bà con khi đi trên con đường mới thì thảm kịch đã ập đến”.  

Bàng hoàng và đau xót là cảm giác chung của những người dân địa phương khi chứng kiến cảnh 6 mạng người bị sát hại. Đã 2 ngày trôi qua nhưng nhiều người vẫn không muốn tin đó là sự thật. Bà Bùi Thị Ngọc Cúc (60 tuổi, hàng xóm) cho biết: “Gia đình ông Mỹ sống rất tốt, có nhiều đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội ở địa phương. Cháu Lê Ánh Linh đang học đại học và Lê Quốc Anh đang học THPT. Cháu Dư Ngọc Tố và Dư Minh Vĩnh gọi ông Mỹ bằng cậu thường ở lại chơi với gia đình ông Mỹ. Cháu Như vừa mới về nhà chơi được một ngày sau kỳ thi tốt THPT tại TPHCM thì…”.

Bà Huỳnh Thị Tài bán nước mía sát nhà nạn nhân xót xa: “Ông Mỹ sống rất hòa đồng với hàng xóm, láng giềng. Những ngày cuối tuần, vợ chồng họ thường ghé quán uống cà phê và nói chuyện với mọi người. Vợ chồng họ thân thiện và vui vẻ lắm chứ không tỏ vẻ mình là người giàu có. Chúng tôi sống ở đây từ lâu, không thấy vợ chồng họ gây gổ với ai bao giờ. Nhưng tại sao gia đình họ lại chết thảm đến vậy, chúng tôi không thể tin nổi!”.

Gia Long - Vân Sơn