1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Phước:

Vụ thảm sát 6 người: Công nhân làm trong xưởng gỗ giờ về đâu?

(Dân trí) - Sau khi vợ chồng chủ công ty gỗ Quốc Anh cùng 4 người thân bị sát hại, 170 công nhân từng làm việc tại đây đành ngậm ngùi rời khỏi, chỉ số ít công nhân được giữ lại để lau dọn vệ sinh và bảo vệ nhà xưởng.

minhhung-e01fb

Công ty Quốc Anh cũng là nơi ở của vợ chồng ông Mỹ vắng lặng sau vụ thảm sát

Chiều 29/7, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Mãi – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết, sau khi vụ thảm sát xảy ra tại gia đình ông Lê Văn Mỹ (SN 1968) tại Công ty chế biến gỗ Quốc Anh đồng thời cũng là nhà ở của ông Mỹ (xã Minh Hưng, Huyện Chơn Thành, Bình Phước), Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Bình Phước đã và đang hướng dẫn những lao động có hợp đồng với công ty của gia đình ông Mỹ đến Sở để được giải quyết các vấn đề về quyết toán hợp đồng lao động. Bảo hiểm xã hội cho các công nhân có hợp đồng sẽ được tính từ ngày họ bắt đầu nghỉ việc cũng là ngày vụ thảm 6 người xảy ra.

“Tất cả những công nhân thất nghiệp sẽ được giới thiệu đến các trung tâm việc làm để họ lựa chọn, Sở LĐTB&XH tỉnh cũng có nhiều trung tâm đào tạo việc làm nên những công nhân nào có nhu cầu sẽ được chúng tôi hỗ trợ triệt để. Tuy vậy, đến nay cũng chỉ còn vài công nhân tìm đến Sở LĐTB&XH nhờ giải quyết. Chúng tôi sẽ phối hợp với đại diện phía công ty Quốc Anh để liên lạc với các công nhân có nhu cầu tìm việc, qua đó có thể tư vấn và giúp đỡ cho họ nhanh chóng ổn định cuộc sống” – Ông Lê Văn Mãi khẳng định.

congnhan-9bc9b
Công nhân làm việc tại xưởng gỗ và người dân địa phương bàng hoàng, lo lắng sau vụ thảm sát

Trong một diễn biến khác, vào ngày 14 và 15/7, đại diện công ty Quốc Anh đã dùng số tiền 1,7 tỷ đồng mà cơ quan CSĐT tìm thấy tại hiện trường vụ thảm sát để chi trả tiền lương tháng cuối cho công nhân. Tùy theo vị trí, công việc mà mỗi công nhân sẽ được lãnh số tiền lương từ 5 – 9 triệu đồng.

Theo ông Lê Văn Chính (50 tuổi, quản đốc công ty Quốc Anh), phần lớn công nhân làm việc tại xưởng gỗ của công ty Quốc Anh là người dân địa phương và một số đến từ các tỉnh Miền Tây, khi nhận lương xong họ cũng rời khỏi xưởng để đi tìm công việc mưu sinh mới, chỉ hơn 10 công nhân được giữ lại để lau dọn vệ sinh và bảo vệ nhà xưởng. “Nếu những công nhân nào gắn bó với xưởng từ lâu chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để họ có thể tiếp tục làm việc ở các xưởng bên cạnh, cũng là xưởng của anh em trong nhà với ông Mỹ” – Ông Chính chia sẻ.

Anh Trần Tiến Nam (công nhân làm việc tại xưởng gỗ) chia sẻ: “Ngoài việc tập trung vào kinh doanh, vợ chồng ông Mỹ chăm sóc đời sống cho anh em công nhân rất tốt, cứ vào dịp tất niên, ngoài tiệc tùng linh đình, bà Nga con mua xe máy, ti vi, tủ lạnh… về để anh em công nhân tham gia bốc thăm may mắn trúng thưởng. Đây được xem như những món quà động viên tinh thần cho mọi người sau một năm cùng vợ chồng bà phấn đấu”.

nhabanga-622eb
Căn nhà của vợ chồng ông Mỹ nằm trong khuôn viên công ty Quốc Anh

Liên quan đến việc thừa kế tài sản của gia đình ông Lê Văn Mỹ, hiện những người có quan hệ ruột thịt, thân quyến của ông Mỹ và bà Nguyễn Thị Ánh Nga (vợ ông Mỹ) đã thống nhất phương án lập quyền thừa kế cho bé Lê Gia Linh (còn gọi là bé Na, 18 tháng tuổi, con của ông Mỹ và bà Nga). Toàn bộ số tài sản của vợ chồng ông Mỹ sẽ được giao lại cho bé Lê Gia Linh khi trưởng thành.

Một nguồn tin thân cận từ gia đình ông Mỹ (xin được giấu tên) cho biết, sau khi gia đình lo hậu sự cho vợ chồng ông Mỹ, 2 người con, 2 người cháu và lo chi trả tiền lương cho công nhân, những người thân của ông Mỹ và bà Nga đã họp gia đình, bàn phương án khôi phục lại xưởng gỗ và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc kinh doanh vợ chồng ông Mỹ đang làm dở dang. Trong các cuộc họp, những người có quyền thừa kế đều thống nhất để toàn bộ tài sản lại cho bé Lê Gia Linh. Hiện những người thân trong gia đình ông Mỹ cũng đang bàn bạc các vấn đề khác xoay quanh việc chăm sóc bé Gia Linh và xây dựng lại xưởng gỗ sau này.

Trung Kiên – Xuân Hinh