1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ tàu xả thải xuống biển: 600 tấn chất thải có nguy hại không?

(Dân trí) - Liên quan đến việc Đồn biên phòng Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An phát hiện và tạm giữ tàu vận tải đang xả chất thải ra biển, theo thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và chủ nguồn thải, đây là vật liệu thải của quá trình nạo vét khu vực nước trước bến và tuyến luồng vào Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn.

Vụ bắt giữ tàu xả chất thải xuống biển: Truy tìm nguồn gốc chất thải

Việc đổ thải đã được cấp phép?

Như Dân trí đã thông tin, chiều tối ngày 8/9, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An tạm giữ để điều tra con tàu mang biển số LA-032.66 của Công ty TNHH Hiệp Thành di chuyển từ hướng Cảng Nghi Sơn ra vùng biển giáp ranh giữa Thanh Hóa và Nghệ An và có nghi vấn xả chất thải xuống biển.

Con tàu bị biên phòng Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai tạm giữ để điều tra liên quan đến vấn đề xả thải xuống biển
Con tàu bị biên phòng Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai tạm giữ để điều tra liên quan đến vấn đề xả thải xuống biển

Để làm rõ những thông tin liên quan, phóng viên Dân trí đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn (BQLKKT) và đại diện chủ đầu tư dự án nạo vét khu vực nước trước bến và tuyến luồng vào Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn là Công ty CP gang thép Nghi Sơn (Cty gang thép).

Ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng BQLKKT Nghi Sơn khẳng định: “Tàu này chở chất hoàn toàn không phải là chất độc, chất nguy hại. Tại Nghi Sơn đang thực hiện việc nạo vét cảng và Cty gang thép đang tiến hành thực hiện nạo vét ven bờ để cho các tàu có thể khai thác trong thời gian tới và có vận chuyển bùn, cát từ vị trí nạo vét đến vị trí đổ thải”.

Theo BQLKKT Nghi Sơn, liên quan đến dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư và vị trí đổ thải. BQLKKT Nghi Sơn cũng đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về nạo vét nước biển và tuyến luồng vào Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn và khu vực đổ vật liệu nạo vét.

Ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng BQLKKT Nghi Sơn
Ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng BQLKKT Nghi Sơn

“Quá trình vận chuyển, ngày giờ đổ thải, chủ đầu tư phải thông báo cơ quan quản lý Nhà nước để tổ chức giám sát. Trong ĐTM cũng nói rõ, mỗi lần đổ thải, xả thải phải thực hiện nghiêm túc các quy trình ĐTM. Nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng theo quy trình như trên là vi phạm về hành chính đối với vấn đề bảo vệ môi trường”, ông Thi cho biết thêm.

Còn ông Trịnh Thế Dũng - Phó tổng Giám đốc Công ty CP gang thép Nghi Sơn - cho biết, công ty đã có thỏa thuận về vị trí bãi thải cho việc nạo vét khu vực nước trước bến và tuyến luồng vào Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn. Đây là dự án đã được cấp phép xây dựng, giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2015. Hiện nay đã đầu tư xong 3/9 bến với tổng chiều dài là 647m nhưng vấn đề luồng thì hiện nay chưa được giải quyết.

Khu vực dự án nạo vét khu vực nước trước bến và tuyến luồng vào Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn.
Khu vực dự án nạo vét khu vực nước trước bến và tuyến luồng vào Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn.

Theo ông Dũng, phần luồng cho 3 bến của cảng thuộc dự án luồng của Bộ GTVT, Bộ đã ghi vốn cho dự án nhưng hiện nay chưa sắp xếp được vốn, vì vậy chưa triển khai được việc nạo vét luồng. Chính vì vậy khi đầu tư xong 3 bến, công ty đề xuất tỉnh Thanh Hóa và Bộ GTVT cho ứng vốn triển khai nạo vét luồng để sớm đưa vào khai thác 3 bến này.

Ngày 25/8, BQLKKT Nghi Sơn đã thực hiện phê duyệt ĐTM. Trên cơ sở đó, các bên đã thực hiện bàn giao mốc giới của việc đổ thải và thông báo với chính quyền địa phương.

Tàu chở 600 tấn chất thải ra biển

Theo lãnh đạo Cty gang thép, phương án nạo vét luồng có hai biện pháp thi công, thứ nhất là dùng tàu bơm hút cát phun lên khu vực bãi thải của khu bến Container 2 và hậu cần cảng Nghi Sơn; thứ hai là dùng gàu múc cát lên tàu xả đáy, vận chuyển cát, bùn thải hay còn gọi là vật liệu thải đến khu vực xả thải.

Ông Trịnh Thế Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty CP gang thép Nghi Sơn
Ông Trịnh Thế Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty CP gang thép Nghi Sơn

Ông Dũng khẳng định, hiện nay, chủ đầu tư thực hiện biện pháp thi công thứ nhất; còn biện pháp thứ hai đang thử nghiệm để kiểm tra về luồng, lạch. Vì khu vực xả thải gần bờ, giáp ranh giữa vùng biển Nghệ An và Thanh Hóa, nên chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thử nghiệm, chưa chính thực đi vào thực hiện. Việc đổ thải có cán bộ kỹ thuật giám sát, có ban chỉ huy công trường, chịu trách nhiệm giám sát việc đổ thải.

Được biết, con tàu Hiệp Thành 2 mang biển số LA-032.66 đang bị tạm giữ có trọng tải gần 1.000 tấn. Theo ông Dũng vì đang quá trình thử nghiệm nên mới thực hiện phân trọng tải 600 tấn, tương đương khoảng 400 m3 bùn, cát.

“Tàu vào đổ đúng vị trí, việc giám sát chúng tôi đã cắm mốc và đã bàn giao mốc giữa BQLKKT Nghi Sơn, cùng với huyện và xã. Các ngành đã chứng kiến việc cắm mốc và có phao cắm mốc toàn bộ khu vực đổ thải ngoài biển, hoàn toàn theo đúng vị trí quy định".

Liên quan đến vấn đề tại sao tàu lại bị biên phòng Nghệ An tạm giữ do nghi đổ chất thải xuống vùng biển của địa phương này, ông Dũng giải thích: "Sau khi đổ thải xong, tàu theo luồng trở về bến của cảng thép Nghi Sơn có chạy vòng qua phía địa phận của Nghệ An, lúc đó tàu tuần tra Bộ đội Biên phòng của Đồn biên phòng Quỳnh Phương có yêu cầu dừng tàu kiểm tra các thủ tục. Tôi đã yêu cầu anh em làm việc lại với Bộ đội biên phòng tỉnh cũng như bộ đội biên phòng địa phương".

Máy nạo vét khu vực nước trước bến và tuyến luồng vào Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn.
Máy nạo vét khu vực nước trước bến và tuyến luồng vào Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn.

Liên quan đến việc tàu đang trên đường về nhưng vẫn còn chất thải trên tàu, ông Dũng khẳng định theo báo cáo của nhà thầu đã đổ thải hết. Khi phóng viên đặt câu hỏi tại thời điểm biên phòng Quỳnh Phương bắt giữ, trên tàu vẫn còn 2 khoang chất thải, ông Dũng khẳng định sẽ cho bộ phận kỹ thuật báo cáo lại.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại dự án nạo vét khu vực nước trước bến và tuyến luồng vào Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn, máy thi công nạo vét luồng lạch đang được neo đậu tại đây nhưng không hoạt động. Theo như ông Dũng giải thích thì đây là máy múc bùn, cát lên tàu xả đáy vận chuyển đến khu vực xả thải. Tuy nhiên, do biện pháp này đang thử nghiệm nên đơn vị thi công thực hiện biện pháp hút cát, bùn phun lên bãi thải của khu bến Container 2 để san lấp mặt bằng

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Duy Tuyên