1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Làm rõ trách nhiệm của trung tâm đăng kiểm

(Dân trí) - Liên quan đến 18 chiếc tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Bình Định xảy ra sự cố, hư hỏng, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trách nhiệm chính thuộc về nhà máy đóng tàu. Tuy nhiên, Bộ này cũng giao Tổng cục Thủy sản xem xét, làm rõ trách nhiệm liên quan của Trung tâm đăng kiểm thuộc đơn vị này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 6/9 ở Bộ NN&PTNT, cơ quan báo chí đã dành nhiều thời gian để hỏi lãnh đạo Bộ này liên quan đến nội dung tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (đứng) chủ trì cuộc họp báo.
Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (đứng) chủ trì cuộc họp báo.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thông tin: Ngày 1/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ. Theo đó, 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 đã đạt kết quả tốt, trong đó có nội dung vay vốn tín dụng để hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá.

Tính đến ngày 17/8, số tàu cá được đóng mới là khoảng 767 chiếc, gồm 3 loại vỏ: sắt, thép, composite. Trong số 767 tàu cá được đóng mới, có 301 tàu cá được đóng bằng vỏ thép, nhưng trong số này có 18 chiếc tàu của ngư dân Bình Định do Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị gặp sự cố, hư hỏng khiến các ngư dân bức xúc.

Trong số 18 chiếc tàu hư hỏng nói trên, có 13 tàu do Công ty Nam Triệu đóng thì đến nay giữa ngư dân và công ty đã thỏa thuận được phương án sửa chữa; 6 tàu đã được kéo lên đà để sửa chữa (thay bằng máy mới Mitsubishi), 7 tàu còn lại đang chờ chỗ để sửa chữa. Dự kiến, 13 tàu bị hỏng đóng tại Công ty NamTriệu đến cuối tháng 9 sẽ hạ thủy và đi khai thác trở lại.

Còn 5 tàu bị hỏng đóng tại Công ty Đại Nguyên Dương không bị hỏng máy, mà chỉ bị gỉ sét ở vỏ tàu, thượng tầng. Hiện nay, Công ty Đại Nguyên Dương đã thống nhất được với ngư dân về phương án sữa chữa và đang chuẩn bị kéo lên đà làm sạch, sữa chữa.

"Nhưng khi lấy mẫu thép vỏ của 5 con tàu này thì các chỉ số hóa học như mangan thấp hơn so với quy định. Để đảm bảo trong quá trình sửa chữa tốt, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với UBND tỉnh Bình Định là giao cho Sở NN&PTNT Bình Định phối hợp với Tổng cục Thủy sản mời chuyên gia về vật liệu đến làm việc, nghe ý kiến chuyên gia.

Tại cuộc làm việc đó, các chuyên gia đã có ý kiến và Tổng cục Thủy sản giao cho Trung tâm đăng kiểm phát hành văn bản có một số nội dung gửi UBND tỉnh Bình Định: Đề nghị tỉnh Bình Định nghiên cứu các kết quả về mẫu thép, ý kiến chuyên gia, phối hợp với chủ tàu, nhà máy đóng tàu tiến hành nghiên cứu xem xét để cho sửa chữa" - ông Oai cho biết.

Tại cuộc họp, các cơ quan báo chí đề nghị ông Oai làm rõ trách nhiệm của Trung tâm đăng kiểm tàu cá về vụ việc này. Ông Oai cho biết, tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định 67, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có nêu ý kiến, việc 18 tàu cá vỏ thép bị hỏng của ngư dân Bình Định thì trách nhiệm chính thuộc về đơn vị đóng tàu, Trung tâm đăng kiểm không chịu trách nhiệm chính.

Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng theo NĐ 67 của Chính phủ đã bị hư hỏng khiến ngư dân bức xúc. (Ảnh: Doãn Công).
Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đóng theo NĐ 67 của Chính phủ đã bị hư hỏng khiến ngư dân bức xúc. (Ảnh: Doãn Công).

"Tôi lấy ví dụ, khi chiếc xe ô tô sản xuất ra, qua các khâu kiểm định chất lượng, trong đó có cơ quan đăng kiểm, nếu đảm bảo mới cho ra thị trường. Nhưng khi chiếc lốp bị lỗi, chủ xe lại đi thay lốp khác vào nhưng chẳng may đi ra đường gặp sự cố về lốp thì không thể đổ lỗi cho cơ quan đăng kiểm được" - ông Oai nói.

Tuy nhiên, theo ông Oai, hiện nay Bộ NN&PTNT đã giao cho lãnh đạo Tổng cục Thủy sản xem xét, làm rõ trách nhiệm liên quan của Trung tâm đăng kiểm tàu cá, từng cá nhân nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Còn việc Chính phủ giao Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ việc này, ông Oai cho biết, đơn vị này chưa nhận được kết quả nào từ Bộ Công an.

Về thông tin Công ty Đại Nguyên Dương "dọa" kiện chủ tàu, Trung tâm đăng kiểm nếu trong quá trình sửa chữa 5 tàu hỏng mà bắt thay vật liệu vỏ tàu, vì trước đó đã thống nhất dùng vật liệu này, ông Oai cho biết, chưa nhận được đơn kiện của công ty này: "đấy là công ty Đại Nguyên Dương mới nói như vậy".

Liên quan đến nội dung trên, kết luận cuộc họp báo, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng cho biết, lãnh đạo Bộ cũng đang chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, làm rõ trách nhiệm liên quan của Trung tâm đăng kiểm tàu cá.

Trước đó vào tháng 4/2017, nhiều ngư dân ở Bình Định phản ánh tới cơ quan chức năng về việc tàu vỏ thép của họ đóng theo chương trình của Nghị định 67 bị gỉ sét, hư hỏng và một số kết cấu, thiết bị không được thực hiện đúng theo hợp đồng.

Đến ngày 31/5, 18 chủ tàu nói trên đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị cơ quan chức năng phản ánh tình trạng tàu thép bị hư hỏng, không đảm bảo chất lượng theo hợp đồng. Ngày 2/6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thành lập Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67.

Nguyễn Dương