1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Vụ tàn phá rừng phòng hộ: Nhiều lực lượng mà không giữ được rừng!

(Dân trí) - Sau khi thị sát khu vực phá rừng phòng hộ, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam chua xót: “Cứ mỗi lần nhìn cây rừng như thế này ngã xuống, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống”. Ông than, có nhiều lực lượng cùng tham gia mà không giữ được rừng.

Sáng 30/3, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - dẫn đầu đoàn công tác băng rừng, lội suối đến khu vực xảy ra vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn giáp ranh giữa các xã của huyện Đông Giang.

Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam thị sát hiện trường vụ phá rừng
Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam thị sát hiện trường vụ phá rừng

Hơn 1 giờ đồng hồ lội bộ đường rừng, đoàn công tác đã đến khu vực xảy ra phá rừng. Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, tình trạng phá rừng tại khu vực này diễn ra từ nhiều tháng qua. Khu vực này thuộc địa bàn quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, những cây rừng cả người ôm không xuể đã bị đốn hạ không thương tiếc.

Theo cơ quan chức năng, khu vực rừng phòng hộ bị phá nằm rải rác trên một diện tích rộng lớn nằm ở khu vực giáp ranh 3 xã Tà Lu, Jơ Ngây và Zà Hung, huyện Đông Giang.

Vụ tàn phá rừng phòng hộ: Nhiều lực lượng mà không giữ được rừng! - 3
Hiện trường có nhiều phách gỗ đã bị cưa xẻ
Hiện trường có nhiều phách gỗ đã bị cưa xẻ

Thị sát tại điểm phá rừng, ông Lê Trí Thanh chua xót: “Cứ mỗi lần nhìn cây rừng như thế này ngã xuống, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống. Trong công tác quản lý, công tác phối hợp thực hiện tuần tra cũng còn nhiều bất cập cần phải được khắc phục để công tác bảo vệ rừng được tốt hơn. Những vụ việc vừa qua cơ bản xử lý đúng người, đúng tội”.

Theo ông Thanh, việc xử lý lâm tặc chưa mạnh nên tính răn đe vẫn chưa cao. Việc này có hạn chế về pháp luật quản lý bảo vệ rừng. Ông Thanh cho hay, Luật lâm nghiệp mà Quốc hội vừa mới thông qua và các biện pháp, chế tài sắp tới để thực thi Luật lâm nghiệp này chắc chắn sẽ mạnh tay hơn. Sau chuyến thị sát, ông Thanh đã chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng của tỉnh.

Nhiều cây gỗ to bị hạ sát
Nhiều cây gỗ to bị hạ sát

Theo ông Đinh Văn Hươm – Chủ tịch huyện Đông Giang, vụ việc bắt đầu vào đêm 8/1/2018 khi lực lượng công an địa phương phát hiện một ô tô tải chở trên 5m3 gỗ trên đường Hồ Chí Minh thuộc xã Zà Hung.

Sau đó, vụ việc được báo lên cấp trên và thành lập ban chuyên án để đấu tranh. Đến ngày 8/3, cơ quan chức năng đã bắt quả tang hai đối tượng Vũ Văn Trứng (SN 1982, trú xã Tà Lu, huyện Đông Giang), Vũ Văn Cưng (SN 1978, trú xã Ating, huyện Động Giang) và Nguyễn Hùng (SN 1992, trú xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang).

Ông Lê Trí Thanh làm việc với các cơ quan chức năng về vụ phá rừng
Ông Lê Trí Thanh làm việc với các cơ quan chức năng về vụ phá rừng

Các đối tượng khai thác gỗ tại khoảnh 8, 9, 10 và 11 tiểu khu 41 (xã Tà Lu, Đông Giang), khoảnh 1,3, tiểu khu 140 thuộc xã Zà Hung, Đông Giang. Điều tra mở rộng, cơ quan chức năng xác định thêm 2 đối tượng gồm Bnướch Hồng (SN 1983) và Ating Bnướch (SN 1993, cùng trú xã Jơ Ngây, Đông Giang).

Kết quả điều tra của cơ quan chức năng, có 33 cây rừng bị hạ sát với tổng khối lượng cây đứng trên 72m3, còn lại tại hiện trường 8 phách gỗ xẻ, 5 lóng gỗ tròn và 1 cây gỗ có tổng khối lượng trên 13m3.

Chiều ngày 29/3, Công an huyện Đông Giang đã khởi tố vụ án và đang củng cố hồ sơ để tiếp tục khởi tố bị can.

Hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn

Ông Phan Tuấn – Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Nam – cho hay, mặc dù đây là vụ việc do cơ quan chức năng chủ động phát hiện và lập chuyên án đấu tranh nhưng đơn vị sẽ kiểm điểm trách nhiệm kiểm lâm địa bàn.

Chỉ đạo cuộc họp, ông Lê Trí Thanh cho rằng, công tác quản lý, bảo vệ rừng là một thách thức vô cùng lớn đối với tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung. Ông Thanh yêu cầu lực lượng đa ngành tăng cường phối hợp một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn. “Công tác tuần tra, xử lý vi phạm phải nhanh, kịp thời, nghiêm minh”, ông Thanh nói.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu đối với các vụ phá rừng ở hai huyện Nam Giang và Đông Giang này, cơ quan chức năng phải đẩy nhanh tiến độ xử lý. Công an và Viện kiểm sát sớm hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử như một vụ án điểm. Mục tiêu là xử lý đúng người, đúng tội và nghiêm minh.

Như Dân trí đã phản ánh, vụ phá rừng tại khu vực giáp ranh 3 xã Jơ Ngây, Tà Lu và Zà Hung, huyện Đông Giang, Quảng Nam cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương này.

Tại hiện trường vụ phá rừng này, nhiều gốc cây lớn còn nguyên chưa kịp xẻ thành phách, đường kính từ 1,2 mét đến 1,5 mét, dài từ 8 mét đến 10 mét. Xung quanh còn ngổn ngang những phách gỗ, bìa gỗ và mùn cưa.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm