1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Vụ sản phụ đẻ rơi vì... sinh con thứ 3: Cán bộ y tế cơ sở vô can?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc sản phụ Lưu Thị Lụa (28 tuổi), ngụ ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, Hòa Bình, Bạc Liêu, đẻ rơi ngoài đường vì bị Trạm Y tế xã Vịnh Thịnh từ chối đỡ đẻ, ngày 31/3, Sở Y tế Bạc Liêu đã có báo cáo giải trình vụ việc.

Báo cáo được gửi đến Bộ Y tế, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu, trong đó có nhiều chi tiết mâu thuẫn với thực tế.
 
Vụ sản phụ đẻ rơi vì... sinh con thứ 3: Cán bộ y tế cơ sở vô can?   - 1

Sản phụ Lưu Thị Lụa cùng đứa con đẻ rớt trước ngôi "nhà" tuềnh toàng của gia đình

 

Báo cáo nêu rõ: Khi chị Lụa đến Trạm Y tế xã Vĩnh Thịnh, nữ hộ sinh (NHS) Dương Thị Mỹ Viên đã khám ghi nhận dấu hiệu sinh tồn bình thường, tử cung mở 2cm, ối chưa vỡ, cơn co tử cung thưa. NHS Viên thăm hỏi tiền sử sản phụ sinh con thứ ba (sinh lần hai vào tháng 8/2009) có bị băng huyết nhẹ, mang thai lần này không khám thai định kì. NHS Viên giải thích sản phụ phải chuyển lên tuyến huyện sinh cho an toàn. Sản phụ đồng ý (?).

 

Tuy nhiên, phần báo cáo của sản phụ Lưu Thị Lụa lại cho biết: “Lúc 3 giờ sáng ngày 25/3, sản phụ thấy đau bụng nên nhờ người cô ruột đưa đến trạm y tế. Sau khi thăm khám, cô hộ sinh cho biết “còn hai phân nữa là sanh”. NHS hỏi tôi sanh con lần thứ mấy, tôi nói lần thứ ba. NHS nói chuyển lên bệnh viện Hòa Bình sanh, ở trạm không nhận sanh lần thứ ba”.

 

Rõ ràng, NHS Viên kiên quyết không nhận đỡ đẻ cho chị Lụa nên chị và người nhà mới phải đi lên bệnh viện tuyến trên để sinh, dẫn đến đẻ rơi ngoài đường. Điều này mâu thuẫn với bản báo cáo: “cả sản phụ và người nhà đều đồng ý chuyển lên bệnh viện huyện để sinh”. Điều đáng nói là NHS Viên kiên quyết không tiếp nhận sản phụ trong tình trạng giữa đêm khuya, gia đình sản phụ không có tiền, không phương tiện di chuyển, trong khi địa hình đi lại ở địa phương rất khó khăn, với khoảng cách gần 30km.
 
Vụ sản phụ đẻ rơi vì... sinh con thứ 3: Cán bộ y tế cơ sở vô can?   - 2
Bản báo cáo của Sở Y tế Bạc Liêu

 

Bản báo cáo cho biết khi thăm khám cho chị Lụa, cơ quan y tế khẳng định chị Lụa có đủ thời gian đi lên bệnh viện huyện; nhưng thực tế khi chị Lụa vừa rời khỏi trạm y tế xã chưa đầy 200m đã đẻ rớt. Lý giải cho việc này, bản báo cáo cho rằng sau khi được cho chuyển viện, sản phụ không đi ngay mà còn đi tới đi lui ngoài chợ hơn 1 giờ đồng hồ dẫn tới việc đẻ rớt.

 

Bản báo cáo cũng khẳng định sản phụ Lụa sinh con lúc hơn 5 giờ sáng chứ không phải ngay sau khi rời trạm y tế. Chiều 1/4, trao đổi với PV Dân trí, anh Nguyễn Văn Thống, nhà gần chợ, khẳng định chị Lụa sinh lúc khoảng 4 giờ sáng. Anh Thống nói, gia đình anh luôn phải thức dậy vào lúc 4 giờ 30 sáng hàng ngày để làm việc. Sáng ngày 25/3 hôm đó, khi anh vừa thức dậy đã nghe người dân xung quanh cho biết có một sản phụ vừa đẻ rớt cách đó hơn nửa tiếng.

 

Một chi tiết nữa có phần mâu thuẫn với thực tế là bản báo cáo khẳng định: “Sở Y tế Bạc Liêu xin khẳng định là ngành y tế không có quy định nào cho trạm y tế tuyến xã không được nhận sanh con thứ ba, mà chỉ có quy định không được giữ lại sanh tại Trạm Y tế đối với những sản phụ có nguy cơ cao lúc sanh”. Vậy trường hợp của sản phụ Lụa là có nguy cơ cao lúc sinh, khi trước đó đã được NHS Viên thăm khám, kết luận bình thường?

 

Từ những mâu thuẫn trong bản báo cáo này, dư luận địa phương cho rằng Sở Y tế Bạc Liêu đã “bỏ quên” trách nhiệm, y đức của cán bộ y tế cơ sở, nhất là đối với một sản phụ nghèo như chị Lưu Thị Lụa.

 

Hoa Lữ