Vụ Range Rover tông nữ sinh: Tài xế và “người đóng thế” đối diện mức án nào?

(Dân trí) - Theo quan điểm của luật sư về vụ tài xế xe Range Rover tông nữ sinh nguy kịch, trường hợp có người nhận trách nhiệm thay, cơ quan chức năng cũng khó xử lý hình sự người này về hành vi che giấu tội phạm.

Như tin đã đưa về vụ xe ô tô Range Rover đâm nữ sinh rồi bỏ chạy ở phố Bà Triệu, Hà Nội, cơ quan điều tra xác định người thực sự cầm lái gây tai nạn là Phạm Thế Duy (SN 1980, ở Quảng Ninh). Trước đó, một thanh niên tên Nguyễn M.H. (SN 1990, quê Tuyên Quang) bị triệu tập lên lấy lời khai. Một số thông tin cho rằng thanh niên này đã đứng ra nhận tội thay cho Phạm Thế Duy.

Vụ Range Rover tông nữ sinh: Tài xế và “người đóng thế” đối diện mức án nào? - Ảnh 1.

Chiếc xe Range Rover gây tai nạn.

Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) - đánh giá, hành vi của tài xế xe Range Rover là hành vi đáng lên án, gây bất bình trong dư luận xã hội, cần xử lý thật nghiêm minh. Tài xế đã điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn, sau khi gây tai nạn lái xe không dừng xe cứu giúp nạn nhân mà tăng ga bỏ chạy.

“Hành vi của tài xế xe Range Rover gây tai nạn rồi bỏ trốn, không cứu giúp nạn nhân là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Lái xe sẽ phải đối mặt với hình phạt tù từ 3 đến 10 năm tù giam theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Tuy nhiên, để khởi tố, điều tra về tội danh này, nạn nhân có tỷ lệ thương tích hoặc tổn hại về sức khỏe từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng vì đây là tình tiết định tội, yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội danh này. Nếu không thỏa mãn yếu tố này thì không có cơ sở khởi tố. Do vậy, cơ quan điều tra bắt buộc phải trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích của nạn nhân để có căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can.” - luật sư Tuấn phân tích.

Vụ Range Rover tông nữ sinh: Tài xế và “người đóng thế” đối diện mức án nào? - Ảnh 2.

Luật sư Tạ Anh Tuấn.

Đánh giá về hành vi của Nguyễn M.H., luật sư Tuấn cho rằng, nếu anh H. có nhận tội thay Phạm Thế Duy thì cơ quan chức năng cũng khó có thể xử lý hình sự “người đóng thế” này.

Theo phân tích của luật sư Tuấn, hành vi của Nguyễn M.H. là hành vi che giấu tội phạm theo Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 389 về tội “Che giấu tội phạm”, nếu người được che giấu bị truy tố theo điều 260 Bộ luật Hình sự (tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”) thì người nhận thay sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Trường hợp này, nếu Phạm Thế Duy bị khởi tố, điều tra về tội danh theo Điều 260 thì hành vi của “người đóng thế” Nguyễn M.H. chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.” - luật sư Tuấn cho hay.

Tiến Nguyên