Vụ phá rừng phòng hộ tại Quảng Bình: Ba kiểm lâm tự nhận hình thức kỷ luật
(Dân trí) - Do để xảy ra vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng tại địa bàn huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), ba cán bộ kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm Ka Tang đã tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Riêng Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa tự nhận hình thức rút kinh nghiệm sâu sắc.
Như Dân trí đã thông tin, trong quá trình tuần tra, lực lượng liên ngành huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã phát hiện một lượng lớn gỗ trong rừng phòng hộ. Số gỗ này do lâm tặc chặt phá tại nhiều địa điểm, sau đó tập kết về tiểu khu 19, thuộc địa phận xã Thanh Hóa nhưng chưa kịp mang ra khỏi cửa rừng. Các loại gỗ bị chặt hạ từ nhóm II đến nhóm VI, trong đó chủ yếu là gỗ Táu nhóm II.
Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện có 429 hộp gỗ các loại, với tất cả 97m3 gỗ. Các nhóm đối tượng phá rừng đã bỏ trốn khi lực lượng chức năng có mặt nên công tác điều tra đang gặp nhiều khó khăn.
Việc để để xảy ra vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng này, ba cán bộ kiểm lâm tại Trạm Kiểm lâm Ka Tang đã tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Trong đó có ông Cao Huy Lương, Trạm trưởng; ông Nguyễn Hữu Chiến, Trạm phó và kiểm lâm địa bàn Cao Xuân Biên. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa cũng đã tự nhận hình thức rút kinh nghiệm sâu sắc.
Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình chưa đồng ý với việc trạm trưởng, trạm phó, nhân viên kiểm lâm địa bàn Trạm Kiểm lâm Ka Tang tự nhận mức khiển trách và Hạt kiểm lâm Tuyên Hóa rút kinh nghiệm. Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình sẽ chủ trì tổ chức kỷ luật theo chỉ đạo của tỉnh trong thời gian tới.
Chi nửa tỷ đồng để đưa gỗ lậu ra khỏi rừng
Liên quan đến vụ việc phát hiện một lượng lớn gỗ bị đốn hạ trong rừng phòng hộ Tuyên Hóa, một lãnh đạo huyện này cũng cho biết, số gỗ trên đang được huyện Tuyên Hóa thuê người đưa từ hiện trường về trạm kiểm lâm Khe Núng.
Để vận chuyển gỗ phải dùng phao để buộc vào các bê gỗ rồi thả trôi theo dòng suối xuống hạ nguồn. Được biết, với cách vận chuyển này, sẽ mất khoảng 1 tháng mới đưa hết số gỗ lậu ra khỏi rừng. Sau khi được đưa về, gỗ sẽ được bán đấu giá, số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, lực lượng chức năng huyện Tuyên Hóa đang thuê người vận chuyển 97m3 gỗ lậu với chi phí khoảng 5-6 triệu đồng/khối. Như vậy chi phí vận chuyển gỗ toàn bộ số gỗ nói trên ra khỏi rừng lên đến nửa tỷ đồng.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình cũng có công văn yêu cầu UBND huyện Tuyên Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng bảo vệ hiện trường, thu hồi tang vật. Đồng thời xác minh, truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiến Thành – Đặng Tài