1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Vụ PCI gây ảnh hưởng xấu hình ảnh đất nước”

“Đây là vụ việc có dấu hiệu nghiêm trọng. Về mặt khách quan, các dự án ODA đều có quy chế chặt chẽ. Phía bên kia người ta đã xử, thì dấu hiệu cũng rõ rồi, ta phải tập trung làm rõ”, Chánh văn phòng BCĐ TƯ về phòng, chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến nói.

Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng đã có ý kiến gì xung quanh nghi án nhận hối lộ liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sỹ, thưa ông?

 

Hôm nay, Ban chỉ đạo đã công bố vụ việc này như một trong hai vụ việc lớn với các nhà tài trợ. Như thế này  là công khai cả với quốc tế rồi. Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục theo dõi sát vấn đề này, trong chức năng, quyền hạn của mình. Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo và hiện nay đang theo dõi. Các cơ quan chuyên môn vẫn đang làm việc độc lập. BCĐ không thể cứ nay đến hỏi, mai đến hỏi họ tiến độ vụ việc được.

 

Chúng ta đã đề ra quyết tâm cao và có bước đi phù hợp khi tiếp nhận vụ việc. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, xác minh, lập Ban chuyên án. Thủ tướng đã chỉ đạo Việt Nam phối hợp với Nhật Bản điều tra vụ việc.

 

Ngày 19/11, Chủ tịch UBND TP. HCM đã quyết định đình chỉ công tác ông Huỳnh Ngọc Sỹ.

 

“Theo thông tin từ phía Nhật, khi thực hiện dự án ở TPHCM, các quan chức của công ty PCI đã 2 lần đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Ban lý dự án Đại lộ Đông Tây và dự án môi trường nước của TPHCM trong thời gian từ năm 2003 đến 2006.

 

Tổng số tiền hối lộ lên đến 820.000 USD (năm 2003: 600.000 USD, năm 2006: 220.000 USD). Mục đích hối lộ là để nhận được các hợp đồng tư vấn cho dự án từ nguồn vốn ODA này.

 

Nhật Bản đã bắt bốn cựu quan chức của PCI về tội danh đưa hối lộ và vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh”.

 

Vụ trưởng Vụ theo dõi việc xử lý một số vụ án và vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp - Ban Chỉ đạo TƯ phòng, chống tham nhũng Nguyễn Thế Bình

“Chỉ là cá biệt”

 

Ngoài trường hợp đình chỉ công tác ông Huỳnh Ngọc Sỹ để điều tra, các cơ quan chức năng có làm rõ thêm những cá nhân liên quan khác không? Ông nghĩ gì về việc dư luận cho rằng Việt Nam đang chậm trễ trong khi Nhật Bản đã xử lý các quan chức đưa hối lộ rồi?

 

Quyết tâm của mình đã có và đã giao cho cơ quan điều tra xem xét xử lý rồi. Còn nói chung phải có thời gian, phải làm phải hết sức thận trọng, đúng người đúng tội. Những ai vi phạm dù liên quan đến trong hay ngoài nước đều phải xử.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nói, Việt Nam có thể xử lý cả quan chức cao cấp nếu phát hiện vi phạm. Vậy trong vụ PCI, nếu liên quan đến quan chức cấp cao hơn ông Huỳnh Ngọc Sỹ thì chúng ta có xử lý kiên quyết không?

 

Dù ai vi phạm cũng đều bị xử lý. Nhưng phải làm rõ, người đó là ai, chức vụ nào, vi phạm ra sao thì mới xử lý được....

 

Đây là vụ việc có dấu hiệu nghiêm trọng. Về mặt khách quan, các dự án ODA đều có quy chế chặt chẽ. Mà ở phía bên kia người ta đã xử, thì dấu hiệu cũng rõ rồi, ta phải tập trung làm rõ. Nhưng khi điều tra xong, có kết luận cuối cùng thì mới đánh giá được.

 

Cùng với cơ quan điều tra thì Ủy ban hỗn hợp VN và Nhật Bản cũng sẽ xem xét nhiều vấn đề, kịp thời rút kinh nghiệm quản lý. Đây là vụ việc cá biệt từ đó để nâng cao chất lượng quản lý vốn ODA.

 

Ông có lo ngại vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh VN trong mắt các nhà tài trợ hoặc ảnh hưởng đến tiếp nhận nguồn vốn ODA thời gian tới?.

 

Tham nhũng diễn ra nhiều lĩnh vực nên không loại trừ ngành nào. Tham nhũng trong nghi án hối lộ này, đáng tiếc đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước. Quan trọng là làm rõ xem mức độ thế nào, có hay không vi phạm để xử lý nghiêm.

 

Vụ việc này chỉ là cá biệt. Nếu giải quyết tốt, tình hình càng tốt lên. Nhân vụ việc này, là dịp xem lại cơ chế chính sách với ODA.

 

Đại sứ Nhật Bản vừa cho biết, Ủy ban phối hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản để đấu tranh, ngăn chặn tiêu cực trong sử dụng vốn ODA đã có những buổi làm việc đầu tiên trao đổi giải pháp về PCTN. Giải pháp đề ra là gì thưa ông?

 

Mới là họp phiên đầu tiên, nên nội dung sẽ công bố công khai sau.

 

Cuộc Đối thoại về Phòng chống tham nhũng lần thứ 4 giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế, với chủ đề "Vai trò của báo chí trong PCTN" được tổ chức tại Hà Nội, ngày 28/11. Đối thoại lần này do Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức.

 

Theo VietNamNet