1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Vụ ông Phạm Sỹ Quý: “Yên Bái không làm nhẹ được đâu!”

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), Trưởng đoàn thanh tra tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý - khẳng định, đoàn thanh tra đã làm hết trách nhiệm và “Yên Bái sẽ không thể làm nhẹ được đâu”.


Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng công bố kết luận thanh tra tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái chiều 23/10.

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng công bố kết luận thanh tra tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái chiều 23/10.

- Thưa ông, sau khi Thanh tra Chính phủ công khai kết luận tại Yên Bái vào chiều qua (23/10), dư luận rất băn khoăn về việc tại sao đoàn thanh tra không làm rõ nguồn gốc hình thành những khối tài sản rất lớn của gia đình ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái?

- Chúng tôi đã làm rõ về những tài sản họ có, những khoản vay ngân hàng rồi. Người ta giải trình như thế, cơ quan thanh tra làm gì có quyền truy nguồn gốc của những tài sản đó.

Nhưng họ vay tiền thì phải công khai, kê khai vào bản kê khai tài sản. Họ không kê khai thì không trung thực ở chỗ đó. Còn nguồn gốc họ vay của ai thì làm sao có quyền thanh tra, bởi họ vay đã có giấy tờ rồi. Làm sao cơ quan thanh tra có quyền hỏi ông có vàng cho họ vay ở đâu được.

- Nhưng để vay được số tiền rất lớn của ngân hàng đòi hỏi những khối tài sản thế chấp không hề nhỏ và khả năng đảm bảo chi trả rất khắt khe?

- Kết luận thanh tra chúng tôi đã nói rất rõ rồi, họ thế chấp tại ngân hàng bằng 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ ông Quý và 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Trịnh Xuân Điềm, Lê Ngọc Thành, Nguyễn Thị Loan với tổng giá trị đảm bảo được ngân hàng cho vay đánh giá là 19,123 tỷ đồng. Mục đích vay được thể hiện trong các hợp đồng tín dụng.

Ngoài ra, bà Huệ (vợ ông Quý) vay 60 cây vàng của cá nhân ở Tổ 54 phường Yên Ninh (TP Yên Bái) thời hạn 4 năm, có giấy vay ghi ngày 6/5/2016. Đến ngày 31/12/2016, gia đình ông Quý còn nợ ngân hàng 9,154 tỷ đồng (có xác nhận của ngân hàng).

- Tại sao các ông không làm rõ lý do những người dân kia sẵn sàng mang đất đai cho ông vợ chồng ông Quý cầm cố ngân hàng vay số tiền lớn như vậy?

- Đó là việc dân sự, làm sao ngăn cấm được. Đó là mượn của nhau được quy định trong pháp luật dân sự. Ngân hàng chỉ cần biết có tài sản thế chấp đáp ứng được yêu cầu là họ cho vay thôi.

- Áp dụng theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng thì khi thấy quan chức sở hữu rất nhiều tài sản như vậy có đủ căn cứ để truy nguyên nguồn gốc hình thành tài sản không, thưa ông?

- Đối chiếu với bản kê khai tài sản hàng năm thì thấy kê khai thiếu nên kết luận thanh tra đã khẳng định ông Phạm Sỹ Quý kê khai không trung thực so với bản kê khai. Nguồn gốc tài sản họ giải trình như thế, đoàn thanh tra không truy nguyên nguồn gốc tài sản của những người đó được vì Luật đâu cho phép.

- Nhưng có những tài sản mà ông Phạm Sỹ Quý kê khai có giá trị rất thấp so với thị trường, điển hình như căn hộ chung cư cao cấp rộng trên 130 m2 tại Mandarin Garden (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ được kê khai giá 2,5 tỷ đồng, trong khi thị trường giao dịch 5-6 tỷ đồng?

- Tất cả giá trị tài sản được căn cứ theo giấy tờ, hợp đồng hết, chứ chúng tôi có phải cơ quan thẩm định, đi thẩm định giá trị thực là bao nhiêu đâu. Chúng tôi căn cứ vào giấy tờ mua bán nhà đất.

Khu biệt phủ hoành tráng của gia đình ông Phạm Sỹ Quý (Ảnh: Toàn Vũ).
Khu biệt phủ hoành tráng của gia đình ông Phạm Sỹ Quý (Ảnh: Toàn Vũ).

- Dư luận rất băn khoăn về việc bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý) dễ dàng chuyển đổi nguồn gốc đất rất lớn từ đất nông nghiệp sang đất ở, rồi bán cho hàng chục hộ gia đình khác để kinh doanh bất động sản, thu lợi, mà như kết luận thanh tra đã khẳng định ông Quý không được để vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp?

- Trong luật cho phép ai cũng có quyền kinh doanh, những cá nhân và hộ gia đình cũng có quyền. Còn chính quyền phải thẩm định, không thẩm định rõ ràng thì phải chịu trách nhiệm về việc đó.

- Nhưng việc đó có tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng?

- Người dân bình thường cũng có quyền kinh doanh nhưng phải đóng thuế, chứ ai cấm đâu. Luật quy định người ta mua bán trong giới hạn luật pháp cho phép. Họ làm vẫn trong hạn mức. Hơn nữa đó là lỗi của chính quyền chưa thẩm định nhu cầu sử dụng.

- Với tư cách là trưởng đoàn thanh tra, ông khẳng định đã làm hết trách nhiệm?

- Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm. Thời gian thanh tra chỉ có 15 ngày, sau đó phải tổng hợp, xin ý kiến nhiều ngành, nhiều cấp nên mới kéo dài thế, mới ra cụ thể được chứ. Mất bao nhiêu thời gian anh em phải nỗ lực tích cực lắm. Sai phạm, tồn tại đều nêu ra hết, rất cụ thể. Có những cái chỉ là tồn tại nhưng cũng phải đưa hết, làm hết trách nhiệm theo luật cho phép rồi.

- Dư luận đang băn khoăn việc kết luận thanh tra giao cho tỉnh Yên Bái xử lý kiểm điểm, kỷ luật những cán bộ liên quan, trong đó có ông Phạm Sỹ Quý sẽ khó đảm bảo nghiêm minh?

- Bạn yên tâm. Yên Bái ngay từ đầu đã đề nghị Trung ương làm khách quan, bây giờ họ nhận kết luận cũng hết sức nghiêm túc. Kết luận thanh tra đã chỉ rõ trách nhiệm cụ thể, rõ như thế thì Yên Bái không làm nhẹ được đâu. Phải làm đúng pháp luật, đúng những điều mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra.

- Thanh tra Chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ việc xử lý của Yên Bái?

- Có chứ. Chúng tôi có bộ phận giám sát xử lý sau thanh tra sẽ tiến hành giám sát chặt việc này. Tất cả đều làm và thực hiện theo luật.

- Xin cảm ơn ông!

Kê khai thiếu hàng loạt khối tài sản lớn

Theo kết luận thanh tra, năm 2014 ông Phạm Sỹ Quý đã không kê khai 1.200 m2 đất ở, gần 60.000 m2 đất nông nghiệp bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) đứng tên; không kê khai tiền vay ngân hàng 3,8 tỷ đồng.

Năm 2015, ông Phạm Sỹ Quý không kê khai trên 13.111 m2 đất ở, gần 42.000 m2 đất nông nghiệp bà Huệ đứng tên; không kê khai khoản vay ngân hàng trên 6,3 tỷ đồng và tiền bố mẹ cho 1,9 tỷ đồng.

Sau khi được bổ nhiệm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái vào năm 2016 ông Phạm Sỹ Quý đã kê khai thiếu gần 4.900 m2 đất ở, 27.500 m2 đất nông nghiệp đứng tên bà Huệ; không kê khai tiền vay ngân hàng trên 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.

Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện gia đình ông Phạm Sỹ Quý đã ký 4 hợp đồng tín dụng, vay tiền của ngân hàng. Đến ngày 31/12/2016, gia đình ông Quý còn nợ ngân hàng 9,154 tỷ đồng (có xác nhận của ngân hàng).

Thanh tra Chính phủ khẳng định, ông Phạm Sỹ Quý là đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản nhưng đã kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực, vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai tại Nghị định 78/2013 của Chính phủ, đã gây nghi ngờ về tài sản của gia đình ông, tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy nhà nước cũng như sự minh bạch của đối tượng phải kê khai; vi phạm Chỉ thị 33/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với ông Phạm Sỹ Quý về vi phạm trong việc kê khai tài sản thu nhập, vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng với vai trò người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái.

Thế Kha (thực hiện)