1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Vụ nước sông đổi màu, cá chết: Thanh Hóa “cầu cứu” Thủ tướng

(Dân trí) - Liên quan đến sự việc cá chết trên sông Bưởi, huyện Thạch Thành và khu vực cảng cá Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đề nghị Chính phủ giúp tỉnh xử lý ô nhiễm môi trường trên sông Bưởi.

>> Vụ nước sông đổi màu, cá chết: Hỗ trợ người nuôi cá bị thiệt hại

Cá chết hàng loạt ở nhiều địa phương

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ sáng ngày 4/5, trên sông Bưởi, đoạn từ xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hóa Bình đến xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, nước sông đổi màu đen lục, sủi bọt, có mùi hôi và xuất hiện cá tự nhiên, cá nuôi của người dân chết hàng loạt.

Hiện người dân đang mong chờ sự hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương
Hiện người dân đang mong chờ sự hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương

Chưa dừng lại ở đó, nguồn nước ô nhiễm theo dòng chảy đã tác động đến nhiều xã thuộc địa bàn huyện Thạch Thành, gây hiện tượng cá chết hàng loạt. Đặc biệt là các hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại nghiêm trọng.

Tính đến 10h ngày 7/5, tổng số lượng cá chết của các hộ nuôi cá lồng là hơn 17,3 tấn, chưa tính số lượng cá tự nhiên bị chết. UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở TN&MT Thanh Hóa phối hợp với các ngành chức năng, UBND huyện Thạch Thành khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết.

Ngày 5/5, Sở TN&MT Thanh Hóa phối hợp với Sở TN&MT Hòa Bình, cùng các huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) và các xã liên quan cũng như Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình, bước đầu xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi là do xả thải của Nhà máy đường Hòa Bình.

Kết quả kiểm tra cho thấy, trong thời gian từ 15/3 đến 25/4, công ty này đã xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông Bưởi, với lưu lượng 250m3 - 300m3/ngày đêm. Đây là sự cố môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sức khỏe và đời sống của nhân dân dọc sông Bưởi bao gồm 15 xã của huyện Thạch Thành, 7 xã của huyện Vĩnh Lộc và vùng hạ lưu sông Bưởi.

Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu huyện Thạch Thành rà soát lại các hộ bị thiệt hại, để có hỗ trợ kịp thời (cả bằng gạo và bằng tiền) đảm bảo đời sống hàng ngày cho nhân dân; đồng thời có chính sách hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho các hộ bị thiệt hại (cả số hộ sống bằng nghề đánh cá trên sông), báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết nếu vượt khả năng của huyện; tổ chức thu gom, tiêu hủy toàn bộ số cá lồng và cá tự nhiên chết đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; tiếp tục chỉ đạo UBND các xã trên dọc sông Bưởi thực hiện đầy đủ các biện pháp để hạn chế thiệt hại do ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi.

Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Sở KH&CN, UBND huyện Thạch Thành tiến hành điều tra vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nước sông Bưởi, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo Trung tâm quan trắc và bảo vệ môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường tiến hành ngay quan trắc toàn bộ nước sông Bưởi để thông báo kịp thời cho các địa phương dọc sông Bưởi trong việc sử dụng nước sông cho sản xuất và đời sống.

Toàn bộ cá chết đã được tiến hành tiêu hủy
Toàn bộ cá chết đã được tiến hành tiêu hủy

Trên cơ sở kết quả quan trắc, khi nguồn nước bị ô nhiễm, yêu cầu Công ty TNHH MTV Cấp nước Thanh Hóa phải dừng ngay việc lấy nước sông Bưởi để cung cấp nước thô cho Nhà máy cấp nước Kim Tân; sớm có phương án cấp nước để phục vụ đời sống nhân dân khu vực thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành.

Trong khi hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi, đoạn qua huyện Thạch Thành chưa dừng lại thì xuất hiện tình trạng cá chết trên sông Bạng, thuộc địa phận xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia.

Theo thống kê, trong khu vực âu thuyền có 20 hộ nuôi cá lồng, trong đó có 4 hộ cá bị chết với khoảng 1,5 tấn. Nguyên nhân bước đầu được xác định do việc ô nhiễm do tàu thuyền ra vào cầu cảng gây ra.

Khu vực này là âu neo đậu tàu thuyền, việc nuôi cá lồng là tự phát, UBND tỉnh đã có Văn bản số 5058/UBND-NN ngày 20/7/2012 về việc di chuyển các lồng cá đến khu vực quy hoạch để đảm bảo an toàn giao thông cho tàu thuyền tránh trú bão. UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ chỉ đạo quyết liệt để di dời toàn bộ số lồng nuối các của bà con ngư dân 2 xã Hải Thanh và Hải Bình (huyện Tĩnh Gia).

Tỉnh Thanh Hóa “cầu cứu” Chính phủ

Để giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ TM&MT hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân, mức độ ô nhiễm và biện pháp xử lý môi trường nước sông Bưởi.

Cá chết trên sông Bạng là do việc ô nhiễm từ việc tầu thuyền ra vào cầu cảng
Cá chết trên sông Bạng là do việc ô nhiễm từ việc tầu thuyền ra vào cầu cảng

Giao Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành điều tra vụ việc xử lý theo quy định của pháp luật. Giao UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Nhà máy mía đường Hòa Bình; công khai thông tin các nguồn thải vào lưu vực sông Bưởi; phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa xác định mức độ thiệt hại đến môi trường do Nhà máy đường Hòa Bình gây ra; có biện pháp hỗ trợ các hộ dân nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa bị thiệt hại.

Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thanh Hóa thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Bưởi đảm bảo chất lượng nước cho nhân dân ổn định sản xuất và sinh hoạt.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm