1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ nữ sinh lớp 9 bị lột đồ, đánh đập: "Bệnh thành tích khiến sự việc càng trầm trọng"

(Dân trí) - Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, hiện nay, khi xảy ra các vụ bạo lực học đường, phần lớn các trường vì "bệnh thành tích" nên muốn giữ lại để giải quyết nội bộ nên vô tình làm cho vấn nạn này ngày càng trầm trọng.

Liên quan đến vụ một nữ học sinh lớp 9 Trường THCS Phù Ủng (Ân Thi  - Hưng Yên) bị 5 bạn học cùng lớp lột quần áo, đánh đập dã man, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng: Từ sự việc này cho thấy, sự quan tâm, kiến thức và kỹ năng về bảo hộ trẻ em của Ban Giám hiệu, giáo viên và đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm còn thiếu.

Cũng theo ông Nam, thông tin phản ánh qua Tổng Đài Quốc gia trẻ em 111, cũng như phản ánh của báo chí thì rõ ràng vụ việc trên không phải mới diễn ra mà đã diễn ra nhiều lần.

Vụ nữ sinh lớp 9 bị lột đồ, đánh đập: Bệnh thành tích khiến sự việc càng trầm trọng - 1

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, bện thành tích đang khiến vấn nạn bạo lực học đường càng trầm trọng.

"Qua rất nhiều vụ việc, kể cả qua nghiên cứu ở các trường hợp điển hình cũng như nghiên cứu thống kê thì xu hướng ngày nay là các lớp học vì bệnh thành tích nên khi phát hiện sự việc thường muốn giữ lại để giải quyết nội bộ,  không có phối hợp với các đơn vị bên ngoài, kể cả trung tâm hỗ trợ nạn nhân là trẻ em, cũng như các cơ quan pháp luật để họ có biện pháp hỗ trợ xác minh, điều tra hay có các biện pháp tác động. Do muốn giữ lại để giải quyết nội bộ nên khi phát hiện thì sự việc đã muộn, bệnh thành tích càng làm cho vấn nạn bạo lực học đường càng trầm trọng" - ông Nam nói.

Quay trở lại với trường hợp nữ sinh lớp 9 nói trên bị đánh, ông Nam cho biết, hiện nay Cục Trẻ em đã thông qua Tổng đài 111 kết nối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên đề nghị phối hợp với ngành giáo dục để bảo vệ nạn nhân.

"Cháu bé đã được đưa đến Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên điều trị. Khi cháu bé qua giai đoạn “cao trào” về tâm lý, có thể phải tìm các chuyên gia để trị liệu một cách tốt hơn, hồi phục cho em đó tốt hơn. Nếu tại Hưng Yên có dịch vụ này tốt thì sẽ liên hệ để chưa trị lâu dài cho em đó" - ông Nam cho biết.

Từ sự việc trên, ông Nam đánh giá, kiến thức và kỹ năng của giáo viên cũng như Ban Giám hiệu Trường THCS Phù Ủng trong vấn đề bảo vệ trẻ em còn yếu.

Về lâu dài, ông Nam cho rằng, một phương pháp nữa ngành giáo dục triển khai còn chậm đó là công tác tham vấn và tâm lý học đường, đây là phương pháp hữu hiệu để nhà trường phòng ngừa và phát hiện những vấn đề trong quan hệ giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với học sinh và các mối quan hệ khác trong môi trường giáo dục để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sớm. Hiện nay, công việc này ít nhiều vẫn còn rất lúng túng trong ngành giáo dục.

Ông Nam cho biết, sắp tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức một hội nghị triển khai để làm rõ mô hình, giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, phát triển tâm lý học đường, tham vấn học đường.

Trước đó, như đã đưa tin, ngày 22/3, cháu N.T.H.Y. (SN 2004, học sinh lớp  9 Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi - Hưng Yên) bị 5 học sinh cùng lớp lột quần áo, đánh đập dã man và quay video ngay tại Trường THCS Phù Ủng. 

Cháu Y. chia sẻ việc cháu bị nhóm bạn cùng lớp đánh đã diễn ra nhiều lần và cũng đã có lần cô giáo chủ nhiệm biết. Riêng vụ việc cháu Y. bị bạn lột quần áo, đánh tập thể ngay tại trường, cô giáo chủ nhiệm cũng có nhận được tin nhắn báo. 

Nguyễn Dương