Vụ nổ trên xe khách làm 2 người chết: Tài xế phải chịu trách nhiệm?

(Dân trí) - Chiếc bình oxy vừa được đưa lên xe, đặt nằm ngang sau chân ghế lái xe. Chiếc xe chạy được gần 1km thì bình oxy phát nổ khiến 2 người chết tại chỗ và 14 hành khách bị thương.

Tài xế Nguyễn Văn Thuận đã tỉnh táo sau 2 ngày cấp cứu tại bệnh viện. (Ảnh: Doãn Hòa)
Tài xế Nguyễn Văn Thuận đã tỉnh táo sau 2 ngày cấp cứu tại bệnh viện. (Ảnh: Doãn Hòa)

Sau hơn 2 ngày được cấp cứu tích cực, anh Nguyễn Văn Thuận (SN 1972, trú Quỳnh Lưu, Nghệ An) - tài xế chiếc xe khách BKS 37B-00348 - đã tỉnh táo và có thể trò chuyện với PV.

Trước đó, khoảng 16h chiều ngày 17/2/2014, trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An), chiếc xe do anh Thuận điều khiển đã gặp nạn sau khi bình oxy trên xe phát nổ. Vụ việc đã khiến 2 người tử vong tại chỗ và 14 người khác bị thương. Trước đó anh Thuận nhận chở một bình oxy (bình rỗng) vào Diễn Hồng. Theo kế hoạch, buổi chiều cùng ngày khi quay trở về, anh Thuận sẽ vận chuyển chiếc bình đã được bơm đầy oxy cho một người quen cùng xã. 14h chiều ngày, anh Thuận cho dừng xe ở địa phận xã Diễn Hồng để nhận bình oxy. “Khi xe dừng, ông Nam (phụ xe) nhảy xuống bê bình oxy lên xe. Chiếc bình đặt ngang ngay phía sau ghế tôi lái. Sau khi nhận bình oxy, xe chạy được khoảng gần 1 cây số thì tôi nghe tiếng nổ lớn rồi ngất xỉu không biết gì nữa. Tỉnh dậy thì mới biết mình đã được đưa vào bệnh viện, hành khách ngồi ngay sau tôi chết tại chỗ”, anh Nguyễn Văn Thuận kể.

Những người chứng kiện vụ tai nạn cho biết, sau khi xảy ra nổ, chiếc xe lấn sang phần đường ngược chiều, đâm vào xe chở gạch sò chạy cùng chiều. Hậu quả, 2 người chết tại chỗ và 14 người khác bị thương.
 
Tài xế Nguyễn Văn Thuận đã tỉnh táo sau 2 ngày cấp cứu tại bệnh viện. (Ảnh: Doãn Hòa)
Chiếc xe khách phát nổ do chở bình oxy làm 2 người tử vong, hàng chục người bị thương (Ảnh: Doãn Hòa)

Công tác khám nghiệm hiện trường, tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn đã được lực lượng chức năng tiến hành ngay sau đó. Hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên theo thông tin ban đầu, nguyên nhân nổ bình oxy là do áp suất và va đập trong quá trình vận chuyển bình. Có thể bình được bơm quá đầy khí oxy, lại được đặt gần nguồn nhiệt (máy ô tô), vỏ bình quá cũ nên phát nổ.

Một cán bộ Công an tỉnh Nghệ An nhận định, đây là vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có thể tiến hành khởi tố hình sự. Trao đổi về trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ việc gây hậu quả 2 người chết và 14 người bị thương, vị cán bộ này cho hay, tài xế kiêm chủ xe sẽ phải chịu trách trách nhiệm do không đảm bảo về quy trình vận chuyển, bảo quản bình oxy. 

Cùng liên quan đến vụ việc, ông Đinh Văn Nam - Trưởng phòng Quản lý phương tiện vận tải, người lái - Sở GTVT Nghệ An cho biết, chiếc xe khách gặp tai nạn chưa được Sở GTVT cấp phù hiệu tuyến. “Về nguyên tắc xe chưa được cấp phù hiệu tuyến mà ch hành khách thì đó là xe dù, xe hoạt động “chui”. Việc xử phạt xe này thuộc về lực lượng chức năng khác”, ông Nam nói.

Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng bến xe chợ Vinh cũng cho biết, xe khách BKS 37B-003.48 có đăng ký lốt ở bến xe, được cấp phù hiệu tuyến nhưng đã hết hạn từ ngày 31/12/2013. Sau khi hết hạn, bến không cấp lốt cho xe này nữa.

“Dù không được tiếp tục cấp lốt nhưng hầu như ngày nào xe khách BKS 37B-003.48 cũng vào bến xe chợ Vinh trả khách. Chúng tôi vẫn cho xe BKS 37B-003.48 vào bến trả khách và có thu tiền bến bãi. Nhưng chúng tôi yêu cầu xe đó không được bắt khách trong bên nên lái xe đã hẹn và đón trả khách ở ngoài bến”, ông Dương nói.

Dư luận băn khoăn tại sao “xe dù” trên không bị “tuýt còi” khi mà lộ trình xe khách này đi từ TP Vinh đến Quỳnh Lưu vẫn có các chốt kiểm tra của Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông TP Vinh và tỉnh Nghệ An?

Trả lời báo chí, ông Võ Minh Đức - Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi xảy ra vụ nổ xe khách, Ban sẽ tham mưu với UBND tỉnh yêu cầu công an tỉnh điều tra, làm rõ, xử lý liên đới lái xe và chủ phương tiện trong việc không có giấy phép kinh doanh vận tải mà vẫn chở khách và chở hành lý dễ cháy nổ. Trong quá trình điều tra, nếu thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phần đầu bình oxy phát nổ, có ghi chữ Phòng khám trên thân bình
Phần đầu bình oxy phát nổ, có ghi chữ "Phòng khám" trên thân bình

Thượng tá Nguyễn Văn Chế, Phó phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Nghệ An, cho biết: “Bình chứa oxy là vật nguy hiểm, cấm chở trên xe khách. Trong quá trình vận chuyển, sức nóng trong xe kết hợp với áp lực của bình chứa oxy, cộng với sự va đập vào chân ghế, có thể là nguyên nhân khiến chiếc bình phát nổ, gây tai nạn. Loại bình dễ gây nổ này khi vận chuyển thì nhà cung cấp thường sử dụng xe tải, dựng đứng lên chứ không để nằm như trên xe chở khách 37B-003.48".

Hoàng Lam - Duy Hòa