1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ nhà báo Hoàng Khương: Đề nghị truy tố 6 bị can

Ngày 23/5, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKSND TPHCM đề nghị truy tố 6 bị can vụ án đưa và nhận hối lộ liên quan đến nhà báo Hoàng Văn Khương, tức Hoàng Khương, nguyên phóng viên báo Tuổi Trẻ.

Theo đó, bị can Huỳnh Minh Đức (SN 1976, ngụ quận Bình Thạnh, nguyên CSGT Công an quận Bình Thạnh) bị đề nghị truy tố với tội danh “Nhận hối lộ”; Nguyễn Văn Khương (SN 1973, tức Hoàng Khương, nguyên phóng viên báo Tuổi trẻ TPHCM), Nguyễn Đức Đông Anh (SN 1989, ngụ quận Phú Nhuận, em vợ Hoàng Khương), Trần Minh Hòa (SN 1991, ngụ quận Phú Nhuận) và Trần Anh Tuấn (SN 1966, Phó giám đốc Công ty TNHH TMDVVT Tân Hải Phong) cùng bị đề nghị truy tố về tội danh “Đưa hối lộ”; Tôn Thất Hòa (SN 1955, ngụ quận 9, Giám đốc DNTN Duy Nguyên) bị đề nghị truy tố tội danh “Môi giới hối lộ”.
 
Theo kết luận điều tra, nhà báo Hoàng Khương, Nguyễn Đức Đông Anh và Trần Minh Hòa có mối quan hệ gia đình. Bị can này từng ủng hộ vi phạm và can thiệp vào việc xử lý vi phạm trật tự giao thông của Đông Anh và Trần Minh Hòa.
 
Cụ thể, khi được Trần Minh Hòa nhờ lấy chiếc xe gắn máy vi phạm bị bắt giữ trước đó, thông qua Nguyễn Đức Đông Anh, Hoàng Khương đã nhận lời lấy chiếc xe đua vi phạm bị tạm giữ cho Trần Minh Hòa mà không phải làm bản kiểm điểm trước tổ dân phố nơi cư trú theo quy định.
 
Lợi dụng nhiệm vụ là nhà báo, được phân công đề tài phản ánh về nguyên nhân gây tai nạn giao thông và các sai sót trong xử lý vi phạm giao thông, Hoàng Khương nhiều lần cố tạo ra sai lệch trong xử lý vi phạm của Trần Minh Hòa nhưng không thành.
 
Vụ nhà báo Hoàng Khương: Đề nghị truy tố 6 bị can
Theo kết luận điều tra, Hoàng Khương đã đưa 15 triệu đồng cho bị can Đức để giải cứu chiếc xe đua của Trần Minh Hòa
 
Trong thời gian đó, bị can Anh Tuấn (chủ xe container gây tai nạn đang bị tạm giữ xe) đã nhờ Tôn Thất Hòa móc nối và đưa cho Huỳnh Minh Đức (lúc đó là CSGT Công an quận Bình Thạnh) số tiền 3 triệu đồng để được giải quyết cho lấy xe ra sớm và không bị giam bằng lái xe.
 
Biết được tiêu cực này, Hoàng Khương câu kết với Tôn Thất Hòa, lấy tên là Hoàng, chủ động gợi ý, nhờ vả và trực tiếp đưa hối lộ 15 triệu đồng (đây là số tiền của Trần Minh Hòa đưa cho Đông Anh và Đông Anh đưa cho Hoàng Khương) cho Đức để lấy xe đua của Trần Minh Hòa ra.
 
"Các bị can Hoàng Khương, Tôn Thất Hòa, Nguyễn Đức Đông Anh và Trần Minh Hòa đều biết rõ việc đưa tiền cho Đức để nhờ vả lấy xe vi phạm giao thông khi không đủ hồ sơ thủ tục theo quy định là trái pháp luật (nên phải sử dụng tên giả và bàn nhau cách khai gian đối phó) nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi đến cùng, thậm chí xúi giục Trần Minh Hòa tẩu tán xe và tiếp tục đòi lại giấy đăng ký lưu hành xe, xuất phát từ lợi ích cá nhân, vượt quá mục đích tác nghiệp báo chí vì thông tin đơn thuần", kết luận điều tra nhận định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho nhà báo Hoàng Khương, khẳng định cơ quan điều tra đã không xem xét bối cảnh xảy ra vụ án này xuất phát từ chính hai bài báo của nhà báo Hoàng Khương đăng trên báo Tuổi Trẻ, chủ trương của Ban biên tập báo Tuổi Trẻ trong việc thực hiện tuyến bài ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Kết luận đã “cắt khúc” mối quan hệ giữa nhà báo Hoàng Khương, Nguyễn Đức Đông Anh và Trần Minh Hòa đơn thuần là quan hệ gia đình, cá nhân trong việc nhờ lấy xe đua vi phạm mà không đặt trong tổng thể các biện pháp tác nghiệp báo chí của nhà báo Hoàng Khương.

Theo ông Hoài có thể khẳng định, toàn bộ diễn biến sự việc liên quan đến Huỳnh Minh Đức và Tôn Thất Hòa trong việc nhờ giải quyết lấy xe vi phạm của Trần Minh Hòa vào thời điểm tháng 6/2011. Nhà báo Hoàng Khương xuất phát từ sự kiện có thực liên quan hành vi sai phạm của Trần Minh Hòa, từ đó đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ báo chí để nắm bắt thông tin, bằng chứng và đã sử dụng các thông tin, bằng chứng để góp phần làm rõ những hiện tượng tiêu cực trong việc xử lý vi phạm giao thông nêu trong hai bài báo đăng trên báo Tuổi Trẻ.

Bản kết luận điều tra cho rằng, do yêu cầu Huỳnh Minh Đức trả Giấy chứng nhận đăng ký xe nhưng không được nên nhà báo Hoàng Khương đã viết bài trên báo Tuổi Trẻ là một nhận định chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, đi ngược lại toàn bộ quy trình xử lý và biên tập hai bài báo của Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ.

Ông Hoài nhìn nhận khi đề cập đến một vụ án phức tạp, có sự quan tâm của dư luận xã hội, nhưng bản kết luận điều tra cũng không hề nhắc đến những kết quả hoạt động tác nghiệp báo chí của nhà báo Hoàng Khương nói riêng và báo Tuổi Trẻ nói chung trong việc phản ánh những tấm gương điển hình, tận tụy hy sinh của lực lượng công an trong công cuộc bảo vệ trật tự an toàn xã hội, sự yên bình của người dân, dẫn đến việc hiểu không đầy đủ bản chất hành vi của nhà báo Hoàng Khương và những đóng góp của báo Tuổi Trẻ thời gian qua. 

Bản kết luận điều tra cũng không có một đánh giá nào liên quan việc nhà báo Hoàng Khương đã đăng tải công khai hành vi tiêu cực của cảnh sát giao thông trên báo chí như là một kênh thông tin tố giác tội phạm. Từ đó Cơ quan điều tra mới có căn cứ đề xem xét, xử lý vụ án này.

“Đây là một bản kết luận điều tra thiếu tính thuyết phục cả về pháp lý và thực tế, chúng tôi sẽ kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM và TAND TP.HCM xem xét”, luật sư Phan Trung Hoài cho biết.

Theo Gia Minh - Chi Mai
Tuổi Trẻ
 
Theo H. Hiếu
Người Lao Động