1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Vụ lúa chết do nhiễm mặn ở Hậu Giang: Nông dân lo vụ mới mất trắng

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Trong 2 vụ vừa qua, ruộng lúa của 9 hộ dân gần công trình cao tốc đoạn Hậu Giang bị thiệt hại nặng vì nước nhiễm mặn. Dù đã nhận tiền bồi thường nhưng người dân vẫn lo ngại gieo sạ tiếp sẽ lỗ.

Ngành chức năng nói lúa hồi phục, dân nói "thiệt hại nặng hơn"

Ngày 12/6, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vị Thủy (Hậu Giang) cho biết, số lúa của 9 hộ dân ở ấp 9 xã Vị Thắng đã phục hồi tốt.

Ngành chức năng đã đo đạc, kiểm tra lại các ruộng lúa, đồng thời phía nhà thầu thi công là Tổng công ty Trường Sơn đã hỗ trợ bồi thường thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng, số tiền gần 44 triệu đồng.

Vụ lúa chết do nhiễm mặn ở Hậu Giang: Nông dân lo vụ mới mất trắng - 1

Ruộng lúa bị chia cắt bởi công trình cao tốc, một bên tươi tốt đồng đều, một bên mọc lưa thưa, chết do nhiễm mặn (Ảnh: Bảo Kỳ).

Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế chiều 11/6, các ruộng lúa trên vẫn chưa phục hồi. Số lúa vụ hè thu đang trong tháng thứ hai, dự kiến hơn một tháng nữa sẽ thu hoạch nhưng lúa trổ bông không đều, thậm chí không trổ bông.

"Tôi sợ đất chưa hết mặn nên vụ thu đông tới tôi sẽ không gieo sạ vì 2 vụ vừa qua đã lỗ rồi. Giờ cho đất nghỉ ngơi và xem tình hình thế nào mới sản xuất tiếp", ông Nguyễn Trường Sơn, một trong 9 hộ dân bị thiệt hại lúa, nói.

Ông Sơn cho biết ruộng lúa của ông rộng 2.800m2 nhưng vụ đông xuân vừa rồi bị thiệt hại 70% diện tích. Khi thấy lúa bị vàng lá, ông tưởng đất nhiễm phèn nên mua phân lân về bón. Tuy nhiên, càng bón phân cây lúa càng có dấu hiệu bất thường.

"Tôi có nhờ ngành nông nghiệp địa phương đến kiểm tra thì phát hiện nước trong ruộng có độ mặn từ 2,1‰ đến 2,8‰ tùy vị trí. Đến vụ hè thu này, sau khi sạ, cây lúa tiếp tục chết, thiệt hại khoảng 1.250m2. Nguyên nhân là độ mặn còn tồn đọng từ vụ trước", ông Nguyễn Trường Sơn cho hay.

Theo ông Sơn, khu vực này không có cống thoát nước để xả nước ra ngoài (do đường cao tốc chặn ngang), do đó ông cũng như nhiều hộ dân khác mong các đơn vị làm thêm con kênh nhỏ để có để thoát nước mặn, phèn, các chất độc hại khác còn tồn đọng. Từ đó người dân mới an tâm canh tác các vụ tiếp theo.

Còn ông Lê Quốc Lĩnh ở ấp 9, xã Vị Thắng cho biết, ông có tổng cộng 13.000m2 đất lúa, riêng vụ hè thu bị thiệt hại khoảng 2.000m2.

"Sau khi sạ hơn 10 ngày, cây lúa bắt đầu chết dần. Nhờ ngành nông nghiệp xuống đo thì phát hiện độ mặn đến 6,6‰. Đây là vùng an toàn, không có nước mặn. Từ hồi làm cao tốc lại bị ảnh hưởng", ông Lĩnh cho hay.

Vụ lúa chết do nhiễm mặn ở Hậu Giang: Nông dân lo vụ mới mất trắng - 2

Một bụi lúa bị vàng lá kém phát triển (Ảnh: Bảo Kỳ).

Để khắc phục số lúa chết sớm do thối rễ, ông Lĩnh thuê dặm lúa thêm và tốn 2 triệu đồng. Hiện tại lúa đang xanh nhưng ông lo ngại khi lúa chín sẽ bị lép hạt, không đạt năng suất.

Người dân cho biết, trước đây họ sản xuất lúa với năng suất cao, mỗi công (1.000m2) vẫn thu hoạch đều đặn trên 1 tấn lúa, nhưng 2 vụ mùa vừa qua năng suất giảm đáng kể, có hộ còn mất trắng.

Qua quan sát của phóng viên, khu vực trồng lúa của bà con nằm dọc theo đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Tuyến đường đã được bơm cát một đoạn. Những đường ống thoát nước trên cao tốc được đặt hướng xuống ruộng lúa của người dân mà không được ngăn chặn bởi bờ bao.

Khoảng nửa năm nay, khi công trình cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn xã Vị Thắng triển khai bơm cát thì lúa đông xuân 2023-2024 của người dân ấp 9 khi đang trổ lại bị vàng lá và chết rụi.

Do lúa bị thiệt hại nặng qua 2 vụ, người dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã gửi đơn xin bồi thường thiệt hại đến ngành chức năng địa phương.

Không dùng cát biển làm đường tại khu vực lúa chết?

Trước đó, liên quan vụ lúa chết do nhiễm mặn bất thường, chiều 23/5, UBND huyện Vị Thủy (Hậu Giang) tổ chức cuộc họp để tìm hướng giải quyết.

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân (ấp 9, xã Vị Thắng), Sở đã tổ chức đoàn đi khảo sát hiện trạng lúa chết.

Qua đó xác định lúa chết do nguồn nước nhiễm mặn ở cả vụ đông xuân 2023-2024 và vụ hè thu 2024 (đang trong giai đoạn mạ). Riêng vụ hè thu 2024 này, độ mặn đo được tại vị trí lúa chết là 6,6‰, còn khu vực công trình đường cao tốc độ mặn đo được từ 0,5 đến 1,8‰.

Vụ lúa chết do nhiễm mặn ở Hậu Giang: Nông dân lo vụ mới mất trắng - 3

Vụ lúa hè thu của 9 hộ dân tiếp tục bị thiệt hại (Ảnh chụp vào giữa tháng 5: Bảo Kỳ).

Độ mặn trên đã làm một số diện tích bị thiệt hại trên 70%, một số diện tích bị thiệt hại từ 20 đến 50%. Cụ thể, trong khu vực bị ảnh hưởng có 9 hộ dân với tổng diện tích gieo sạ là 33.300m2, trong đó diện tích thiệt hại là 10.700m2.

Đoàn kiểm tra cũng xác định, khu vực xã Vị Thắng là khu vực an toàn không bị nhiễm mặn tự nhiên. Thời điểm kiểm tra, khu vực xã này không có lúa bị ảnh hưởng bởi sinh vật gây hại hoặc gây hại không đáng kể.

Trước đó, ở vụ đông xuân 2023-2024, đoàn kiểm tra cũng đã xác định lúa chết do nguồn nước nhiễm mặn.

Tại đây, đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang nhiều lần khẳng định lúa chết do "nhân tai", cụ thể là bị ảnh hưởng bởi công trình cao tốc Bắc - Nam.

Vụ lúa chết do nhiễm mặn ở Hậu Giang: Nông dân lo vụ mới mất trắng - 4

Cát tại công trình cao tốc sát ruộng lúa của 9 hộ dân ở ấp 9, xã Vị Thắng (Ảnh chụp vào giữa tháng 5: Bảo Kỳ).

Về phía nhà thầu thi công, ông Trần Hải Bắc, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn, nhà thầu thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua xã Vị Thắng, khẳng định không dùng cát biển làm đường tại khu vực lúa chết mà người dân phản ánh; cát được lấy ở An Giang, Đồng Tháp; việc quản lý nguồn cát được thực hiện rất tốt.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo ý kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc phản ánh của giáo sư Nguyễn Ngọc Trân về thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan xem xét phản ánh của giáo sư Nguyễn Ngọc Trân liên quan đến thiệt hại 2 vụ lúa (nếu có).

Làm rõ nguyên nhân gây thiệt hại và giải pháp xử lý, trả lời đầy đủ cho giáo sư Nguyễn Ngọc Trân trước ngày 20/6.

Cùng nội dung này, phóng viên Dân trí đã liên hệ lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang và nhận được câu trả lời là không có thông tin.