Thủ tướng giao 3 Bộ làm rõ nguyên nhân lúa chết ở Hậu Giang

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải làm rõ nguyên nhân lúa chết bất thường dọc cao tốc ở Hậu Giang.

Chiều 11/6, lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Bộ này đã nhận được Công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc phản ánh của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân về thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm.

Công văn nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan xem xét phản ánh của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân liên quan đến thiệt hại hai vụ lúa (nếu có) tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang).

Đồng thời làm rõ nguyên nhân gây thiệt hại và giải pháp xử lý, trả lời đầy đủ cho Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân trước ngày 20/6.

"Sự việc này cần đánh giá một cách nghiêm túc, đầy đủ, khách quan để đưa ra kết luận. 

Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ có một tổ công tác đi kiểm tra, đánh giá một cách khách quan", lãnh đạo Cục Trồng trọt nói.

Thủ tướng giao 3 Bộ làm rõ nguyên nhân lúa chết ở Hậu Giang - 1

Nông dân xót xa trước cảnh lúa chết ở Hậu Giang (Ảnh: Tạ Quang)

Theo thông tin trên báo Hậu Giang, nhiều hộ dân dọc tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn đi qua ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy phản ảnh, việc bơm cát nền phục vụ công trình làm ảnh hưởng đến lúa của họ không phát triển và bị chết, gây thiệt hại do nhiễm mặn.

Tình trạng này đã kéo dài từ vụ lúa Đông xuân 2023-2024 đến vụ Hè thu 2024.

Ngành chuyên môn của tỉnh Hậu Giang cũng xác định lúa bị ảnh hưởng do nhiễm mặn, bởi tại thời điểm người dân phản ánh, độ mặn được ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đo được là 2,5‰ và có thời điểm lên đến 6,6‰; riêng những ruộng không bị ảnh hưởng thì độ mặn có 0,1‰. 

Tuy ngành chức năng tỉnh Hậu Giang xác định lúa bị ảnh hưởng và chết là do nhiễm mặn, nhưng chưa xác định nguồn mặn này từ đâu; trong khi vùng bị ảnh hưởng là vùng ngọt hóa, chưa từng bị xâm nhập mặn.

Do đó, việc xác định nguồn nước mặn từ đâu là một việc quan trọng để có phương án xử lý đảm bảo cho bà con an tâm sản xuất trong những vụ lúa tiếp theo.